Anh em trong Ban biên tập mừng thật là mừng vì chưa bao giờ một thông tin mà báo phát đi lại có hồi âm nhanh như vậy. Rõ ràng trong công cuộc đổi mới, cung cách làm việc của UBND thành phố Hà Nội đã có những bước tiến đáng trân trọng. Nội dung công văn như sau:
"Kính gửi đồng chí Tổng biên tập báo Thương Mại.
UBND nhận được ý kiến của báo Thương Mại đề nghị giải quyết trường hợp khiếu nại ngôi nhà số 27 phố Yên Phụ. Chúng tôi rất hoan nghênh ý kiến xây dựng của quý báo cùng với các thông tin mà quý báo đã cung cấp.
Về trường hợp nhà 27 đường Yên Phụ rất phức tạp, đang có nhiều chứng cứ trái ngược nhau. Do đó, UBND thành phố đã yêu cầu UBND quận Ba Đình đình chỉ việc chuyển nhượng hoặc liên doanh với công ty Du lịch Hà Nội và các cơ quan khác cho đến khi sự việc được kết luận rõ ràng.
UBND thành phố đang yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, sớm có kết luận về trường hợp này. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ sớm có thông báo để báo Thương Mại được biết trong một ngày gần đây".
Tờ công văn khiến chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng là vụ mua bán ngôi nhà số 27 phố Yên Phụ đã được đình lại; lo là "có nhiều chứng cứ trái ngược nhau". Liệu những điều trái ngược kia có đủ giá trị pháp lý để bác bỏ những bằng chứng và nhân chứng mà chúng tôi có trong tay không?
Văn phòng UBND quận Ba Đình nằm trên đường Nguyễn Thái Học, ngoảnh mặt ra Văn Miếu. Ngồi dưới những tán cây xanh mướt, chúng tôi nhẫn nại chờ được gặp Chánh văn phòng Ủy ban. Chúng tôi cho rằng không lẽ tự dưng UBND quận Ba Đình lại ra quyết định cho bán nhà một cách dễ dàng. Dứt khoát phải có những căn cứ nào đó.
Các chị nhân viên ủy ban nói rằng công việc ở đây cực kỳ bận rộn, "thượng vàng hạ cám", cái gì cũng phải biết, cái gì cũng phải lo. Những lời của các chị khiến chúng tôi đỡ sốt ruột và phần nào thông cảm với cảnh chờ đợi ở Ủy ban.
Chánh văn phòng Ủy ban Chử Ngọc Tuất vui vẻ tiếp chúng tôi. Anh tuổi ngoài 40, dong dỏng cao, nói năng mạch lạc, dứt khoát. Biết mục đích cuộc viếng thăm của chúng tôi, anh Tuất hỏi ngay:
- Các đồng chí đọc 297 chưa?
Chúng tôi nhìn nhau rồi thành thực thú nhận là chưa đọc. Anh Tuất cười và nói:
- Đây là quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về giải quyết một số vấn đề về nhà ở. Theo quyết định này, kể từ ngày 1/7/1991, ngôi nhà số 27 Yên Phụ thuộc quyền sở hữu Nhà nước.
Câu nói của anh Tuất như dội lên đầu chúng tôi một gáo nước lạnh. Nếu đúng như lời anh Tuất nói thì mọi công sức của chúng tôi trong những ngày qua đều đổ xuống sông, xuống biển.
Chúng tôi lướt nhanh trong đầu những tài liệu có trong tay và nghĩ rằng không thể có chuyện Nhà nước "quốc hữu hoá" ngôi nhà của ông Vũ Hồng Tân.
Về đạo lý, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nêu cao chính sách hậu phương quân đội, đã từng phát động phong trào "Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ". Gia đình ông Tân có 3 anh em trai thì cả 3 đã bỏ nhà đi kháng chiến chống Pháp. Hai người là thương binh, một là liệt sĩ.
Kháng chiến thành công, họ chưa về nơi chôn rau cắt rốn vì lý do nào đó, Nhà nước có trách nhiệm quản lý nhà cửa giúp họ. Không lẽ nào lại có chuyện chuyển sở hữu như thế. Nghĩ vậy, chúng tôi đề nghị anh Tuất cho mượn cái văn bản "hai chín bảy" đó.
Điều 3 của Quyết định 297/CT có ghi: "Kể từ ngày 1/7/1991, nhà vắng chủ do Nhà nước quản lý ... đều thuộc quyền sở hữu Nhà nước."
Kỳ sau: Thế nào là nhà vắng chủ?