Đáng nói, vấn đề chính khi "cơn sốt” của sân bay Long Thành không phải về thông tin mới về quy hoạch, triển khai… mà là việc gia đình cán bộ nhà nước đi gom đất.
Đầu tiên, phải kể đến vụ một trang mạng tung tin con trai ông Phạm Ngọc Thanh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM sở hữu gần 1.000ha đất xung quanh dự án sân bay Long Thành. Sau đó, ông Thanh phủ nhận mọi việc và khẳng định, bản thân và người thân trong gia đình không sở hữu bất cứ mét vuông đất nào và cho rằng, đây chỉ là thông tin nhằm hạ uy tín của ông.
Tiếp đến, tại phiên thảo luận tổ sáng 27.10 về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ rõ, nhiều gia đình cán bộ mua hết đất Long Thành rồi.
Từ đây, các thông tin nhiễu lại xuất hiện, một trong số đó đưa ra, đất sân bay Long Thành được cán bộ mua thông qua các pháp nhân bất động sản như Sonadezi, Tín Nghĩa, Dona Corp...
Tuy nhiên, khi PV Dân Việt liên hệ để tìm hiểu thông tin trên, hầu hết các đơn vị được nêu đích danh đều không thừa nhận, thậm chí các doanh nghiệp “kêu oan” vì mình không sở hữu đất tại sân bay Long Thành.
Khẳng định với PV, bà Ngô Thị Hồng Châu, Phòng truyền thông của Tổng công ty Tín Nghĩa (Đồng Nai) nhận định, tin đồn trên hoàn toàn không chính xác, làm ảnh hưởng đến công ty.
Theo bà Châu, Tín Nghĩa không có chủ trương mua gom đất ở khu vực xung quanh sân bay Long Thành. Công ty thực hiện những dự án lớn và phải có chủ trương, phê duyệt của tỉnh một cách công khai, minh bạch. Hiện nay, ở huyện Long Thành, Tín Nghĩa có hai khu công nghiệp (KCN). KCN Tam Phước được thực hiện từ năm 2002 và đã lấp đầy. Thứ hai là KCN An Phước xây dựng từ năm 2007, đến giờ vẫn còn đang kêu gọi đầu tư.
Tổng công ty Tín Nghĩa trực thuộc nhà nước vừa được cổ phần hóa và đầu tư đa lĩnh vực, trong đó có bất động sản. Tin Tín Nghĩa gom đất có thể do một số cá nhân nào đó lợi dụng uy tín của công ty để dễ dàng mua của người dân. Bà Châu mong muốn người dân cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng hoặc cho Tín Nghĩa khi cá nhân nào đó nói rằng mua đất làm dự án cho Tín Nghĩa.
Tương tự như Tín Nghĩa, ông Nguyễn Long Bôn – Phó Tổng giám đốc Sonadezi cho hay, Sonadezi là một công ty trực thuộc nhà nước và cổ phần hóa từ năm 2016. Mọi dự án đều phải thông qua cổ đông và được tỉnh Đồng Nai phê duyệt. Tin đồn Sonadezi mua gom đất ở khu vực xung quanh sân bay Long Thành là hoàn toàn bịa đặt.
“Sonadezi chỉ có duy nhất dự án KCN Long Thành ở huyện Long Thành. Theo tôi, cả Sonadezi, Tín Nghĩa hay Dona Corp đều không làm những chuyện nhỏ nhặt như đi thu gom đất tứ hướng vậy đâu. Chúng tôi thực hiện dự án lớn, KCN và phải rộng từ 300ha trở lên đã được quy hoạch từ trước”, ông Bôn phân trần.
Một cái tên đình đám khác ở thị trường Đồng Nai là Dona Coop cũng bác thông tin trên. Đại diện công ty này chia sẻ, khu vực quanh sân bay Long Thành, Dona Coop không có dự án và cũng không “bắt tay” với bất kì cán bộ nào để gom đất.
“Chúng tôi chỉ đang bán dự án Long Hưng – Biên Hoà. Việc thực hiện giao dịch bằng hình thức đúng pháp luật. Ai mua chỉ cần có chứng minh nhân dân, hộ khẩu và có đủ tiền. Trong khi đó chưa kể, người mua cũng không bao giờ nói cán bộ cấp cao hay cấp thấp, và công ty cũng không quan tâm đến vấn đề trên", người này cho biết.
Liên quan đến việc này, ông Lê Thanh Tuấn – Chánh văn phòng Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai, cho biết ngay từ khi có tin đồn thâu tóm đất xung quanh khu vực xung quanh sân bay Long Thành, chúng tôi đã yêu cầu Phòng TN-MT huyện Long Thành lập báo cáo trình Sở và UBND tỉnh.
“Việc lập báo cáo khá mất thời gian do phải thống kê những cá nhân nào đang sở hữu đất ở quanh sân bay Long Thành. Hiện giờ, Sở chưa thể trả lời được”, ông Tuấn nói.