Mới đây, một khách hàng của Vietinbank chi nhánh Yên Bái đã tố cáo nhân viên tín dụng của ngân hàng này về việc lừa đảo 400 triệu đồng. Đáng nói là số tiền này lại được các nhân viên thu tại chi nhánh và cho vào két sắt ngân hàng. Thế nhưng, nhân viên ngân hàng lại chối bỏ trách nhiệm.
"Gần đây, khi tôi đến ngân hàng vẫn thấy bà Lê Thị Trang - nhân viên quan hệ khách hàng hiện vẫn đang làm việc bình thường tại ngân hàng Vietinbank, nhưng nhân viên thu ngân thì có thể đã bị cho nghỉ việc. Phía Vietinbank có gửi văn bản cho tôi với nội dung đang chờ phía công an điều tra”, trao đổi với Reatimes sáng ngày 15/11, ông Đỗ Văn Dũng cho biết.
“Sáng nay, tôi đang làm thủ tục thanh toán khoản vay thế chấp bìa đỏ tại ngân hàng. Còn khoản 400 triệu nộp vào ngân hàng bị lừa thì tôi sẽ tiếp tục kiện đề đòi lại", ông Dũng nói thêm.
Về sự việc này, Luật sư Lê Hiếu – Giám đốc công ty Luật TNHH Hiếu Hùng cho rằng:
Theo trích xuất camera của ngân hàng và tin nhắn của bà Lê Thị Trang có thể khẳng định số tiền 400 triệu đồng đã được bà Tô Thị Cảnh (vợ ông Dũng) nộp cho ngân hàng Vietinbank. Phía ngân hàng đã nhận đủ số tiền trên.
Tuy nhiên, cán bộ ngân hàng có sai phạm trong giao dịch nhận khoản tiền của vợ, chồng ông Dũng – Cảnh vì đã không phát hành các chứng từ nộp tiền. Theo quy định của Vietinbank, đối với việc giao dịch tiền mặt thì nhân viên phải: “Hướng dẫn khách hàng điền đầy đủ thông tin gồm họ, tên, số định danh (số chứng minh nhân dân/hộ chiếu/thẻ căn cước hoặc thông tin xác nhận giấy tờ tùy thân hợp pháp khác), địa chỉ, số điện thoại… trên mẫu chứng từ kế toán theo quy định của VietinBank”. Động thái trên của các nhân viên rõ ràng là hành vi cố ý làm trái quy định của nhân viên Vietinbank.
Cơ quan điều tra phải yêu cầu Vietinbank cung cấp thông tin toàn bộ các giao dịch của ngân hàng vào ngày vợ chồng ông Dũng bà Cảnh nộp tiền cho ngân hàng và quan trọng nhất là xác định khoản tiền 400 triệu đồng nộp vào tài khoản của ai? Đồng thời, kiểm tra quỹ tiền mặt của ngân hàng đối chiếu với các giao dịch tiền mặt thực hiện tại ngân hàng để xác định khoản tiền mặt 400 triệu đồng hiện vẫn do ngân hàng lưu giữ.
Nếu nhân viên ngân hàng sau khi nhận tiền của bà Tô Thị Cảnh đã tự ý lập hồ sơ, chứng từ mà không có chữ ký của bà Cảnh để nộp tiền vào tài khoản vay nợ của bà Tô Thị Thanh và ông Nguyễn Văn Nghiệp là trái pháp luật, cần phải điều tra xác minh và xem xét xử lý hình sự đối với người có hành vi cố ý làm trái.
Nếu nhân viên ngân hàng chưa nộp khoản tiền 400 triệu đồng vào bất kỳ tài khoản nào thì phải trả lại cho bà Tô Thị Cảnh. Cùng với việc vợ chồng ông Dũng - bà Cảnh và vợ chồng ông Nghiệp - bà Thanh không có bất kỳ thỏa thuận hay giao kết hợp đồng vay tiền nào giữa hai bên. Áp dụng quy định của pháp luật tại Điều 579 Bộ luật dân sự 2015:
Thứ nhất, người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Thứ hai, người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
Từ những tình tiết vụ việc nêu trên thì phương án luật sư cho rằng, ngân hàng có trách nhiệm trả lại khoản tiền 400 triệu đồng cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Dũng, bà Tô Thị Cảnh.
Xử lý trách nhiệm đối với nhân viên trực tiếp nhận tiền của bà Tô Thị Cảnh. Nếu cán bộ và nhân viên ngân hàng đã xử lý, hoàn thiện chứng từ thực hiện các giao dịch khác đối với khoản tiền 400 triệu đồng thì cần xem xét hành vi có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án.
Ông Nguyễn Văn Dũng bà Tô Thị Cảnh có quyền khiếu nại tới Công an tỉnh Yên Bái đối với kết quả điều tra, giải quyết đơn tố cáo mà Công an TP. Yên Bái đã thực hiện.
Thực tế, đây là toàn bộ nhận định của luật sư dựa trên các tình tiết vụ việc và căn cứ trên các quy định của pháp luật. Việc giải quyết vụ việc, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan thuộc các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tất nhiên, nhân viên kém nhân cách sẽ phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng uy tín và trách nhiệm chính lại nằm ở phía ngân hàng nên cách ứng xử và xử lý sự việc phụ thuộc chính vào ngân hàng.
Tóm tắt đơn tố cáo của ông Đỗ Văn Dũng: Như Reatimes đã đưa tin, ngày 5/11/2017, vợ chồng ông Dũng được một người quen tên Thanh giới thiệu bà Lê Thị Trang là nhân viên Vietinbank chi nhánh Yên Bái để vay số tiền 500 triệu đồng. Sau khi bà Lê Thị Trang cùng với Phó Giám đốc ngân hàng thẩm định tài sản, ông Dũng mang sổ đỏ thế chấp ngân hàng để lấy tiền về làm kinh tế. Ngày 15/12/2017, bà Trang gọi điện cho ông Dũng nhờ ông cho vay 400 triệu đồng với mục đích đáo nợ cho bà Thanh. Và hứa, nếu không giải ngân được thì khoảng 1 giờ sau tôi nộp thêm 100 triệu đồng nữa để trả tổng 500 triệu đồng đã vay trước đó, rút sổ đỏ đã thế chấp về. Vì tin tưởng nhân viên ngân hàng nên vợ chồng ông Dũng đã đồng ý giúp đỡ. Theo trích xuất hình ảnh camera tại phòng giao dịch Vietinbank Yên Bái và lời khai của các các bên liên quan tại Cơ quan cảnh sát điều tra, đều thể hiện: Bà Tô Thị Cảnh (vợ ông Dũng) tự tay lấy tiền trong túi bóng đỏ mang theo đưa trực tiếp cho nhân viên thu ngân Bùi Quỳnh Trang kiểm đếm mà không nói gì. Cán bộ thu ngân cũng không hỏi và không đưa bất kỳ hóa đơn, chứng từ gì liên quan. Mà cứ thế cho vào máy đếm rồi cất vào két sắt”. Bà Lê Thị Trang thông báo là do vợ chồng bà Tô Thị Thanh nợ xấu ngân hàng, nên hiện tại ngân hàng không giải ngân để trả lại số tiền 400 triệu đồng cho vợ chồng ông Dũng được nữa. Ông Dũng phải tự tìm gặp vợ chồng bà Thanh để viết giấy vay nợ hộ. |
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến của vụ việc này...