Aa

Vụ mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm: Sai ở chỗ nào?

Thứ Ba, 21/04/2020 - 14:53

Sau khi Chính phủ cho xuất khẩu trở lại 400.000 tấn gạo trong tháng 4, lập tức tờ khai xuất khẩu được mở ồ ạt lúc nửa đêm, sáng ra thì hết hạn ngạch. Dư luận đang đổ dồn về phía hải quan. Vậy sai ở đâu?

Tóm tắt sự việc thế này: Lo lắng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến an ninh lương thực trong nước, ngày 23/3, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Công Thương tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5. Tuy nhiên, sau khi đoàn công tác liên bộ Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, kiểm tra, rà soát về nguồn cung lúa gạo, tình hình xuất khẩu và dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, trên cơ sở báo cáo của các bộ ngành và đoàn kiểm tra, Bộ Công Thương đã đề xuất và Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4.

Ngày 10/4, Bộ Công Thương có Quyết định 1106 công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4/2020 là 400.000 tấn. Ngày 11/4, Tổng cục Hải quan nhận được quyết định trên của Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử và tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (VNACCS) để các doanh nghiệp mở tờ khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch trên, áp dụng từ 0h ngày 12/4.

Điều mà dư luận chú ý là, chỉ trong thời gian ngắn, từ 0h - 6h15 ngày 12/4, hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4 hầu như đã được đăng ký hết. Cụ thể, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, có 38 doanh nghiệp đăng ký 519 tờ khai xuất khẩu, với 399.989,43 tấn gạo. Như vậy, hạn ngạch xuất khẩu gạo chỉ còn 10,57 tấn. 

Đáng chú ý, có một doanh nghiệp đăng ký tới 102 tờ khai với lượng gạo xuất khẩu lên đến hơn 96.000 tấn, chiếm gần 1/4 hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4 của cả nước. Trong khi đó lại có hàng trăm tấn gạo đã chờ sẵn ở cảng, thậm chí đã xếp lên tàu, hợp đồng đã ký nhưng do lệnh tạm dừng xuất nên phải nằm lại, nhưng doanh nghiệp lại không đăng ký được tờ khai để xuất theo hạn ngạch 400.000 tấn. Nghĩa là, người cần xuất gạo thì không có hạn ngạch, người có hạn ngạch thì chưa chắc đã cần xuất ngay.

Như vậy, rõ ràng có điều gì đó không bình thường trong việc đăng ký tờ khai như kiểu xí chỗ này, tạo sự bất công trong việc phân chia hạn ngạch và dư luận đổ dồn về phía hải quan với hàng loạt câu hỏi đặt ra: Tại sao lại cho mở tờ khai hải quan lúc nửa đêm và chỉ đến sáng hôm sau là đã hết hạn ngạch? Tại sao không thông báo thời gian mở tờ khai để tất cả các doanh nghiệp đều được biết để tạo sự công bằng? Liệu có gì khuất tất trong việc mở tờ khai lúc nửa đêm hay không? Tại sao có doanh nghiệp đăng ký tới 102 tờ khai với lượng gạo xuất khẩu bằng gần 1/4 tổng hạn ngạch trong tháng 4? Vân vân và vân vân…

 Ảnh minh họa: Internet

Ngày 20/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành các quy định trong công tác quản lý nhà nước về xuất khẩu gạo thời gian qua, làm rõ có hay không dấu hiệu trục lợi, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. 

Đồng thời làm rõ thông tin báo chí phản ánh về việc công khai, minh bạch liên quan đến việc làm thủ tục hải quan và việc đăng ký mở tờ khai hải quan khi xuất khẩu gạo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2020. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị điều tra, xác minh thông tin tiêu cực trong hoạt động xuất khẩu gạo.

Như vậy, việc có khuất tất, hay nói thẳng ra là có tiêu cực hay không trong việc mở tờ khai xuất khẩu gạo lúc nửa đêm và tình trạng doanh nghiệp cần (hạn ngạch) thì không có, doanh nghiệp có thì chưa chắc đã có gạo xuất ngay, chắc chắn sẽ được làm rõ. 

Trong bài viết này, tôi chỉ xin được đi sâu phân tích vấn đề tại sao lại có tình trạng doanh nghiệp cần hạn ngạch thì không có, còn doanh nghiệp có hạn ngạch thì chưa chắc đã xuất gạo ngay như đã nêu ở trên, mục đích không phải để đổ lỗi cho ai, mà với mong muốn chỉ ra nguyên nhân để từ đó khắc phục tình trạng lộn xộn như đã xảy ra, nếu tiếp tục duy trì hạn ngạch xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Để tìm ra câu trả lời cho vấn đề trên, đầu tiên phải hiểu, bản chất của hạn ngạch nói nôm na là giới hạn một mức nhất định lượng hàng hóa được xuất, nhập khẩu. Cụ thể trong trường hợp này, Bộ Công Thương công bố trong tháng 4 chỉ được xuất khẩu 400.000 tấn gạo. Tuy nhiên trong thực tế, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất gạo rất lớn, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn có gạo chờ sẵn ở cảng, kể cả đã xếp lên tàu. Vì vậy, việc tranh nhau được xuất khẩu gạo là điều không có gì lạ.

Tuy nhiên, thông thường đã có hạn ngạch thì đương nhiên phải phân bổ hạn ngạch mới không diễn ra “chen lấn xô đẩy” như kiểu mua hàng hay mua vé tàu xe thời bao cấp ngày trước. Việc phân bổ hạn ngạch, cái mà Bộ Công Thương đã quá thạo, có thể là xem xét nhu cầu, năng lực của doanh nghiệp để cấp hạn ngạch, cũng có thể đấu thầu hạn ngạch. Nếu được phân bổ công bằng và khoa học, hạn ngạch như cái tích kê, ai có thì được xuất khẩu, ai không có thì chờ tháng sau. Như vậy sẽ không có cảnh lộn xộn như đã diễn ra. Việc xuất khẩu gạo, kể cả theo hạn ngạch, sẽ diễn ra trong trật tự và được quản lý chặt chẽ.

Đằng này, Bộ Công Thương chỉ tung ra gói hạn ngạch tổng thể 400.000 tấn trong tháng 4 rồi mặc cho các doanh nghiệp “tự chiến đấu với nhau”, ai nhanh chân thì được, "trâu chậm phải uống nước đục", thậm chí không còn nước mà uống. Tình trạng lộn xộn đương nhiên sẽ xảy ra.

Cái gốc của vấn đề, theo ý kiến cá nhân tôi, là ở chỗ đó.

  Ảnh minh họa: Internet

Còn câu hỏi thứ hai, tại sao hải quan lại cho mở tờ khai lúc nửa đêm để doanh nghiệp nào biết thì vớ bẫm, còn doanh nghiệp nào biết muộn thì đành về tay không?

Được biết, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa đến nay đã được hiện đại hóa, làm trực tuyến và thực hiện đăng ký tờ khai điện tử. Điều này doanh nghiệp xuất nhập khẩu nào cũng đều nắm rõ và vẫn thực hiện từ trước đến nay. Theo đó, việc đăng ký và tiếp nhận tờ khai hải quan hoàn toàn tự động, không có sự can thiệp của con người. Điều đó đồng nghĩa, ai đăng ký trước thì được tiếp nhận trước và số lượng gạo đăng ký sẽ được trừ lùi vào hạn ngạch cho đến khi hết 400.000 tấn. Đây cũng chính là nguyên tắc quản lý hạn ngạch được Bộ Công Thương quy định khi công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4.

Quyết định 1106 của Bộ Công Thương công bố hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4 được ký ngày 10/4 và có hiệu lực từ 0h ngày 11/4. Tuy nhiên, theo Tổng cục Hải quan thì đến 9h30 ngày 11/4, Tổng cục mới nhận được bản chụp quyết định này qua thư điện tử. Do đó, thời gian sớm nhất để thực hiện quyết định chỉ có thể là ngày 12/4 và đương nhiên phải bắt đầu từ 0h.

Từ trước đến nay, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, việc đăng ký tờ khai hải quan điện tử được tiến hành 24/24h. Điều này doanh nghiệp nào cũng đều nắm rõ. Vì vậy, việc các doanh nghiệp mở tờ khai lúc nửa đêm là bình thường. Vấn đề còn lại ở đây là câu hỏi tại sao hải quan lại không thông báo thời điểm bắt đầu được mở tờ khai xuất khẩu gạo theo hạn ngạch tháng 4/2020?

Về vấn đề này, với hiểu biết hạn hẹp, tôi cũng không biết có quy định nào bắt buộc phải công bố thời điểm mở tờ khai hải quan hay không. Theo tôi, nếu có mà hải quan không công bố thì rõ ràng là vi phạm và dư luận có quyền đặt dấu hỏi về sự công khai, minh bạch của hải quan.

Nhưng có một thực tế, với nhu cầu xuất khẩu gạo lớn mà hạn ngạch chỉ… có hạn, trong khi hạn ngạch ấy lại không được phân bổ mà để mạnh ai nấy chen, thì cho dù có công bố thời điểm bắt đầu mở tờ khai cũng vẫn diễn ra cảnh “chen lấn xô đẩy” như thường, thậm chí còn diễn ra quyết liệt hơn. Viết đến đây, tôi hình dung ra như cảnh các hãng hàng không bán vé máy bay giá rẻ, thậm chí 0 đồng, nhiều người phải thức đêm thức hôm, chầu chực đợi đúng lúc mở bán để đăng ký, vậy mà nhiều khi vẫn về tay không là chuyện bình thường.

Nói như thế không phải để bao che cho cái sai (nếu có), mà để chốt lại một điều rằng, tình trạng lộn xộn, thậm chí có thể có tiêu cực trong việc thực hiện hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn gạo vừa qua mấu chốt là ở việc điều hành thiếu khoa học. Cụ thể ở đây là có hạn ngạch mà không phân bổ, để mặc cho doanh nghiệp “tự phân bổ” với nhau bằng cách chen lấn xô đẩy như cảnh mua hàng thời bao cấp.

Việc tìm ra nguyên nhân mấu chốt không chỉ để quy rõ trách nhiệm, mà quan trọng hơn là để điều hành hạn ngạch xuất khẩu gạo thời gian tới (nếu có) được công khai, minh bạch, và nhất là khoa học hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top