Chị Nguyễn Thị Hồng Xuân, chủ Căn hộ 1002 thuộc tòa nhà 8B Lê Trực cho hay: “Hôm nay chúng tôi có mặt ở đây để phản đối việc UBND phường Điện Biên đưa cẩu tháp vào phá dỡ nhà chúng tôi khi chưa có phương án. Tầng 17, 18 trong GPXD và trong Quy hoạch 1/500 đều có, nhà đã là của người dân, những cái này chúng tôi đã kiến nghị rất nhiều lần rồi. Ngày 20/4 vừa rồi, Thủ tướng có ý kiến yêu cầu xử lý dứt điểm Tòa nhà 8B Lê Trực nhưng phải đảm bảo quy hoạch, đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo quyền lợi đúng mức của các nhà đầu tư.
Muốn phá dỡ phải có phương án được kiểm duyệt, phê duyệt. Chúng tôi cảm thấy rất bức xúc vì cả nước đang gồng mình để chống dịch Covid-19. Trong khi đó, chính quyền lại đi phá bỏ công trình, việc phá dỡ sẽ rất tốn kém. Tại sao không có một giải pháp nào đó để vẫn có thể giữ tòa nhà mà vẫn đảm bảo tính thực thi pháp luật. Khi đó sẽ tránh được thiệt hại cho người dân mà vẫn có tính răn đe đối với chủ đầu tư”.
“Nếu tòa nhà có vấn đề gì thì những người ở tầng dưới như chúng tôi sẽ ảnh hưởng, lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm? Bất kể tòa nhà còn tồn tại nhưng 5 - 10 năm sau mới có sự cố hoặc vấn đề gì đó thì lúc đó chúng tôi biết kêu ai?", chị Xuân bức xúc cho biết.
Bác Phạm Quang Lung (80 tuổi), chủ căn hộ 1604 thuộc tòa nhà 8B Lê Trực cũng nêu quan điểm: “Ngày 20/4 vừa rồi Thủ tướng vừa có ý kiến về 8B Lê Trực, đây là vụ việc lớn thứ 2 sau Đồng Tâm và yêu cầu làm dứt điểm. Chúng tôi thấy đơn vị chức năng huy động một lực lượng rất lớn đến, để tổ chức lắp đặt cẩu tháp, điều đó là không hợp lý, vì vẫn chưa hết lệnh giãn cách xã hội. Chúng tôi yêu cầu phải có phương án phá dỡ để đảm bảo an toàn cho tài sản của những người mua nhà”.
Là một người có mặt ở khu vực này từ rất sớm, chị Dương Thị Thu Nga (chủ căn hộ 1802 thuộc tòa nhà 8B Lê Trực) cho hay: “Vào khoảng 16h30 chiều, tôi nhận được tin báo của mọi người nên đã lên đây từ rất sớm, khi đó, lực lượng chức năng đã tiến hành quây rào chắn để lắp đặt cẩu tháp để phá dỡ giai đoạn 2. Theo tôi, thay vì đập phá nhà của chúng tôi thì hãy lên phương án phạt chủ đầu tư, lấy tiền đó để hỗ trợ những người khó khăn thì sẽ tốt hơn là việc phá dỡ”.
Một số hình ảnh được PV Reatimes ghi nhận vào tối ngày 22/4 tại tòa nhà 8B Lê Trực:
Quá trình tháo dỡ phần vi phạm của công trình nhà 8B Lê Trực được TP. Hà Nội chấp thuận cho thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, tháo dỡ tum thang và tầng 19, được thực hiện từ tháng 11/2015, đến nay đã hoàn thành. Giai đoạn 2 sẽ là công việc xử lý cắt ngọn phần cao vượt phép tại tầng 17 và 18 tòa nhà và khôi phục các khoảng lùi, giật cấp, diện tích sàn so với Giấy phép xây dựng./.