Aa

“Vua Mèo” thua “vua đất” chăng?

Thứ Tư, 22/08/2018 - 21:40

Theo sự hiểu biết dân gian thì “vua” là nhất, là đứng đầu, là quyền sinh quyền sát, là bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, dân gian vẫn có câu “vua thua thằng liều”. Thế đời mới có nhiều chuyện phải bàn.

Thực hiện: Đức Anh

Thực hiện: Đức Anh

Hôm mới đây, một chuyện hy hữu ồn ào dư luận là tòa dinh thự họ Vương (còn được gọi là dinh thự "vua Mèo") đã được “công hữu hóa” bởi “vua đất” tại tỉnh Hà Giang.

Nói là “vua đất” là cách nói theo dân gian ngày nay, bởi nơi này được pháp luật quy định có quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

Đúng ra, theo pháp luật, họ không phải là “vua” bởi họ không hề có quyền sinh, quyền sát, không phải là bất khả xâm phạm, thế nhưng trong thực tiễn, họ vẫn là đứng đầu, vẫn là nhất, vẫn cấp đất và thu hồi đất như “vua” vậy. Sự việc diễn ra ở khắp nơi, nhiều đến mức không thể thống kê nên thiết nghĩ không cần chứng minh. Chỉ biết rằng cả nước hiện nay có khoảng hơn 700 “ông vua” như vậy.

 
Dinh thự của

Dinh "vua Mèo".

Trở lại chuyện chuyển chủ sở hữu một cách “hồn nhiên” khu dinh thự "vua Mèo", mà theo sử liệu, tên dùng trong các văn bản là Dinh thự họ Vương. Tòa dinh thự này tọa lạc trong một thung lũng thuộc địa bàn xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Toàn bộ dinh thự có diện tích gần 3.000m2, được khởi công vào năm 1919 và hoàn thành vào 9 năm sau đó, tức 1928. Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay. Khu dinh thự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào hạng di tích quốc gia ngày 23/7/1993.

Theo giải thích của “vua đất” ở tỉnh Hà Giang (đơn vị cấp sổ đỏ) thì tỉnh đã dựa trên các căn cứ pháp lý, trong đó có Quyết định 937/QĐ-BT năm 1993 về việc công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà họ Vương và khoản 1, điều 54, Nghị định số 181/2004 về việc thi hành luật Đất đai. Theo đó, khoản 1 nêu: “Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho tổ chức trực tiếp quản lý di tích lịch sử - văn hóa danh lam thắng cảnh”.

Giời ạ, một tài sản giá trị cỡ 150 tỷ kia nếu là của nhà ông thì ông có giải thích một cách nhẹ nhàng thế không nhỉ? Dinh thự của "vua Mèo" từ trước đến nay chưa hề có quyết định của cấp thẩm quyền về trưng mua hoặc quốc hữu hóa. Con cháu dòng họ Vương vẫn cư ngụ tại đây hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó, về cả đạo lý và pháp lý của nước nhà, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân luôn luôn được thượng tôn.

Sự vô lý không thể xảy ra nhưng nay nó đã xảy ra trong quyền hành của những ông “vua”!

Chuyện đã rõ ràng, chỉ xin trích lời nhận xét của một chuyên gia uy tín hàng đầu trong lĩnh vực này là GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường: “Cấp giấy sổ đỏ dinh "vua Mèo" như vậy là sai cả Luật Di sản văn hóa và Luật Đất đai. Luật Di sản văn hóa quy định, nếu di sản đó của tư nhân thì phải công nhận quyền sở hữu của tư nhân. Nhà nước chỉ có trách nhiệm hỗ trợ, trợ giúp để bảo vệ di sản. Công nhận di sản không đồng nghĩa với quốc hữu hóa”.

Lời kết bài viết này chỉ với mong muốn rằng, đừng để dân gian coi các cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ của Nhà nước biến thành những “ông vua không ngai”, khiến dân chúng nhiều nơi khốn khó, khiến tham nhũng tràn lan khắp nơi, khiến con cháu của “vua Mèo” cũng phải kêu cứu như câu chuyện lãng xẹt trên đây.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top