Aa

“Vũng bùn lầy“ sẽ thêm sâu nếu tiếp tục dồn trọng tâm vào chính sách tiền tệ

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Chủ Nhật, 26/11/2023 - 06:00

Theo VIRES, khó khăn của các doanh nghiệp và nền kinh tế hiện đã vượt khả năng của chính sách tiền tệ. Sự hồi phục về tăng trưởng tín dụng theo đó cũng không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực duy nhất của ngành ngân hàng.

Bất động sản là một trong những ngành bấp bênh nhất khi nền kinh tế rơi vào vòng xoáy tăng trưởng thấp sau tác động của dịch Covid-19 và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi khi nền kinh tế toàn cầu biến động. Các doanh nghiệp bất động sản đang phải chống chọi với những khó khăn, thách thức lớn, thậm chí còn khốc liệt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng vào những năm 2010 - 2013.

Theo Tổng cục Thống kê, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10 cả nước có 1.067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, mỗi tháng có 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Trong khi đó, số doanh nghiệp bất động sản thành lập mới trong 10 tháng qua lại giảm 50,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Trước tình hình tài chính khó khăn, không chỉ doanh nghiệp bất động sản mà nhiều lĩnh vực khác trong nền kinh tế dường như đang trông chờ nhiều hơn vào sự hỗ trợ của chính sách tiền tệ. Tăng trưởng tín dụng và tiếp cận vốn tín dụng trở thành một vấn đề được bàn luận sôi nổi trên hầu khắp các diễn đàn, hội nghị lớn, nhỏ.

Những tín hiệu mới dạng như “nới room”, “tăng room bất động sản”, “khơi thông điểm nghẽn tín dụng”, “tăng trưởng tín dụng khởi sắc”... được thị trường đón nhận như một tâm lý tích cực.

Song, chính sách tiền tệ, dù liên tục được thúc đẩy cải cách linh hoạt và điều chỉnh thời gian qua, liệu có phải là công cụ tối ưu nhất để “cứu” các doanh nghiệp bất động sản nói riêng thoát khỏi khủng hoảng và nền kinh tế nói chung thoát ra khỏi đà suy giảm? Việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, tín dụng tăng trưởng thấp, lỗi có nằm ở chính sách tiền tệ?

 Chính sách tiền tệ đang “quá sức” 

Báo cáo: Đổi mới chế phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ, một vài hàm ý với thị trường bất động sản” của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) mới đây cho biết, dư địa của chính sách tiền tệ được thể hiện chủ yếu ở việc giảm lãi suất, tuy nhiên dù lãi suất đã giảm nhưng nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản vẫn không hấp thụ được vốn. Loại trừ các doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn thì hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vay, bởi không có cơ hội kinh doanh, không có “đầu ra”, làm liều vay vốn sẽ không trả được nợ, lại càng khó khăn hơn. Trong bối cảnh này, thay vì dựa vào đòn bẩy tài chính ngân hàng như thường lệ, nhiều doanh nghiệp chủ động chọn giải pháp tiết giảm chi phí, thu gọn quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng các tổ chức tín dụng muốn cho vay nhưng không cho vay được.

Theo VIRES, vấn đề của nền kinh tế Việt Nam hiện nay nằm nhiều ở sự suy yếu của tổng cầu. Hoạt động xuất - nhập khẩu hiện phụ thuộc rất nhiều vào sự phục hồi của các nền kinh tế lớn nhập khẩu hàng hoá dịch vụ từ Việt Nam. Cho tới thời điểm này, thị trường xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực, nhưng chưa đủ để đưa tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trở lại như năm 2022.

Đối với thị trường bất động sản, thanh khoản, niềm tin thị trường chưa thực sự hồi phục; nhiều dự án vẫn đang xếp hàng chờ tháo gỡ thủ tục pháp lý. Sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở, nhà cho thuê trong thời gian qua là một nguyên nhân quan trọng khiến tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP.

Theo VIRES, không gian cho chính sách tiền tệ không còn nhiều. (Ảnh: Vietnamnet)

“Trong bối cảnh như vậy, việc gia tăng tín dụng để doanh nghiệp hay các cơ sở kinh tế mở rộng sản xuất, đầu tư kinh doanh trong khi tổng cầu không đảm bảo hấp thụ được năng lực sản xuất mở rộng và nguồn cung gia tăng đó chắc chắn sẽ chứa đựng nhiều rủi ro đối với chính doanh nghiệp và kế tiếp là đối với chất lượng tín dụng”, VIRES nhận định.

Ngoài ra, việc đẩy tín dụng vào nền kinh tế khi năng lực hấp thụ của nền kinh tế còn hạn chế, doanh nghiệp, người dân hay các cơ sở kinh tế chưa sẵn sàng về năng lực sử dụng, khi đó cũng khó đảm bảo rằng tín dụng với tư cách là nhân tố đầu vào sẽ được chuyển hoá hiệu quả thành tăng trưởng.

Cũng theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, dù giải pháp giảm lãi suất chưa mang lại hiệu quả để kéo nền kinh tế đi lên như kỳ vọng nhưng việc có tiếp tục giảm lãi suất nữa hay không cũng là vấn đề quan trọng. Đặc biệt, hạ lãi suất để đưa giá tín dụng xuống thấp hơn nữa sẽ gặp những trở ngại như rủi ro về lạm phát vẫn chực chờ, tác động đối với tỷ giá hối đoái khi lãi suất của đồng USD tại nhiều nền kinh tế lớn khác vẫn chưa giảm hoặc thậm chí vẫn có khả năng được gia tăng.

Cùng với đó, việc gia tăng tín dụng chỉ bằng biện pháp giảm lãi suất mà không song hành với các biện pháp hồi phục, củng cố và phát triển tổng cầu, đồng thời tìm mọi cách để đẩy vốn ra thị trường sẽ khiến nguồn vốn tín dụng gia tăng và được chuyển tải đến các dự án sản xuất kinh doanh thiếu bền vững về tài chính, không chắc chắn về phương án trả nợ. Do thiếu các dự án sản xuất kinh doanh có tính khả thi, có khả năng hoàn trả nợ vay, các nỗ lực đẩy mạnh vốn ra thị trường thậm chí có thể dẫn đến tình trạng vốn tín dụng được chuyển tới các lĩnh vực có tính đầu cơ, từ đó khiến một số thị trường tăng giá bong bóng trở lại.

Đó là chưa kể, tăng trưởng mạnh tín dụng sẽ hỗ trợ cho thị trường, nhưng lại làm suy yếu các nỗ lực của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng trong việc đa dạng hóa nguồn vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án.

Ngoài ra, VIRES cho rằng, không nên đánh đồng giữa vai trò của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Cần phân biệt rành mạch khả năng về chính sách của Ngân hàng Nhà nước và hoạt động của các ngân hàng thương mại. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ khôn khéo, linh hoạt, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Còn các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường.

“Thực tế, các số liệu về tăng trưởng tín dụng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đã cho thấy thực trạng của các doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay đã vượt khả năng của chính sách tiền tệ. Sự hồi phục về tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đó cũng không thể chỉ xuất phát từ nỗ lực duy nhất của ngành ngân hàng", VIRES nhận định.

Tăng cường mở rộng tài khóa, kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ

Theo bà Nguyễn Liên, Trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, then chốt của một nền kinh tế ổn định và phát triển lành mạnh là phải có sự kết hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ trên nền tảng môi trường đầu tư kinh doanh luôn được cải thiện theo hướng thuận lợi.

Trên thực tế, từ đầu năm đến nay, mở rộng tài khoá, đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, giảm lãi suất, mở rộng room tín dụng... là những nét chính trong các giải pháp hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, kết hợp giữa chính sách tài khoá và tiền tệ vẫn còn những khoảng trống hoặc chưa ăn khớp khiến nền kinh tế vẫn chưa có những biến chuyển mạnh mẽ, thị trường bất động sản cũng vậy.

Bà Liên cho biết, khảo sát của VIRES với 10 chuyên gia kinh tế, tài chính, phần lớn các chuyên gia đều đánh giá, trong năm 2023, chính sách tiền tệ được thực hiện nhiều cho mục tiêu kích thích tăng trưởng, trong đó đáng chú ý nhất là việc thực hiện các đợt giảm lãi suất. Nhưng trong bối cảnh thực tế hiện nay, chính sách tiền tệ nếu đi một mình có thể sẽ không còn nhiều hiệu quả nữa, chính sách tài khóa còn nhiều dư địa để phát huy tác dụng tốt hơn so với chính sách tiền tệ, nên được ưu tiên hơn cho giai đoạn cuối năm 2023. 

Đối với việc kết hợp của chính sách tiền tệ và tài khóa, ưu tiên hàng đầu vẫn là sự ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và chú trọng đến hiệu quả của các chính sách này đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân và nền kinh tế. Doanh nghiệp, người dân cần cảm nhận được lợi ích, tác động đối với chính họ từ việc kết hợp này không chỉ ở cấp độ vĩ mô mà còn đối với chính bản thân doanh nghiệp hay đối với chính người dân, ví dụ như khả năng tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý hơn, các hỗ trợ giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí sẽ đến trực tiếp với họ.

Những biến động của nền kinh tế thế giới có thể có tác động trực tiếp tới các quyết định của chính sách tiền tệ như việc giảm lãi suất điều hành hay duy trì tỷ giá hối đoái. Sự khó khăn của nền kinh tế cũng có thể ảnh hưởng tới nguồn thu NSNN và yêu cầu phải duy trì các biện pháp hỗ trợ dài hơn. Nguồn lực để duy trì mức hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế cũng có hạn.

Do đó, sự đồng bộ và linh hoạt của hai chính sách là điều các chuyên gia nhấn mạnh tới. Không để tình trạng chính sách tài khóa và tiền tệ lại độc lập theo kiểu một bên chống lạm phát là ưu tiên, còn bên kia lại là kích cầu nền kinh tế. Có thể đặt mục tiêu hiện tại là tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát ở mức vừa phải. Tài khoá phải hướng đến tạo việc làm thì tiền tệ mở rộng ra mới hấp thụ được. Còn nếu đơn thuần chỉ mở rộng tiền tệ và kêu doanh nghiệp đi vay thì doanh nghiệp cũng sẽ không vay vì không có cơ hội để đầu tư phát triển.

Đề xuất giải pháp cụ thể để mở rộng chính sách tài khoá, VIRES cho rằng cần tập trung vào 3 vấn đề chính, gồm: Tiếp tục giảm thuế, phí; đẩy mạnh đầu tư công và kích cầu tiêu dùng nội địa.

Cụ thể, nên đẩy mạnh hơn vấn đề giảm thuế, phí đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2022 và năm 2023 với các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong kỳ tính thuế năm 2022, đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thuế giá trị gia tăng... để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Về đầu tư công, chính sách tài khóa cần đưa dòng tiền vào những dự án mà doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận, thay vì chỉ đưa vào những công trình trọng điểm để các doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội sản xuất, kinh doanh trong dòng chi tiêu của Chính phủ. Các bộ, ngành cũng phải có sự kết hợp để giải quyết được những khó khăn, thiếu thốn về nguyên vật liệu; những vướng mắc trong cơ chế chính sách.

Ngoài ra, nên ưu tiên và thực hiện có hiệu quả các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, đặc biệt đối với ngành du lịch và bất động sản để bù đắp cho tăng trưởng từ nay đến cuối năm và sang năm 2024. Đối với bất động sản, cần đẩy mạnh khơi thông nguồn cung các dự án, đặc biệt là các dự án nhà ở bình dân, nhà cho thuê để đáp ứng một lượng cầu tương đối mạnh ở trong nước. Kích thích tiêu dùng nội địa là cách để tăng trưởng nguồn thu dài hạn, ‘thả con tép bắt con tôm' thay vì chú trọng vào thu ngân sách, khiến doanh nghiệp kiệt quệ nguồn lực. 

Mặt khác, cầu bất động sản (nhà ở, cho thuê) chiếm cấu phần quan trọng trong tổng cầu của nền kinh tế. Theo kết quả khảo sát của VIRES, các chuyên gia cho rằng, chính sách tiền tệ nên có sự ưu tiên hỗ trợ thị trường bất động sản trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người mua nhà và đầu tư. Tuy nhiên, cần ưu tiên tín dụng ở mức độ phù hợp cho các dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, người mua/thuê có nhu cầu ở thực, như tạo mặt bằng lãi suất cho vay thấp - khoảng 6% trong dài hạn cho người mua nhà lần đầu; tập trung vào thị trường sơ cấp, không cấp tín dụng cho thị trường thứ cấp (mua đi bán lại nhiều lần) nhằm tránh tình trạng đầu cơ, đẩy giá bất động sản. Cần có chương trình cho vay đặc biệt do Chính phủ chỉ đạo xây dựng đối với các dự án nhà ở thương mại giá rẻ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top