Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
PV: Thưa ông, tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với mục tiêu tổng quát là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, GDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5 - 7%. Trong bối cảnh hiện nay, ông suy nghĩ thế nào về việc đưa nghị quyết vào cuộc sống để 5 năm nữa, chỉ tiêu GDP không thêm một lần lỡ hẹn?
Ông Nguyễn Văn Thân: Nếu ở bối cảnh bình thường, mức tăng GDP bình quân cho 5 năm từ 6,5 - 7% là rất hợp lý vì đã có đà của 5 năm trước. Còn với tình hình hiện tại, đó là thách thức. Đại dịch Covid-19 đang diễn biến vô cùng bất thường, không có cách nào để khẳng định tình hình sẽ tốt lên hay xấu đi, như thế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế. Chỉ cần sang năm, tình hình chưa tốt lên thì sẽ ảnh hưởng đến cả 5 năm và con số 6,5 - 7% lại càng trở nên khó khăn hơn.
Theo tôi, nên đưa ra nhiều hơn một kịch bản. Mức tăng GDP bình quân từ 6,5 - 7% là kịch bản tốt nhất, bên cạnh đó, cần có thêm kịch bản tốt vừa và không tốt.
PV: Trong cả ba kịch bản đó, theo ông, ưu tiên nào cần đặt lên hàng đầu?
Ông Nguyễn Văn Thân: Mục tiêu tổng quát vẫn là tăng trưởng nhanh và bền vững, còn thời kỳ đầu phải ưu tiên tập trung chống dịch. Không phải một sớm một chiều mà qua được dịch, nên vẫn phải lo cho người lao động, cho doanh nghiệp, cho người dân vượt qua giai đoạn rất khó khăn này trước.
PV: Vậy ở giai đoạn khó khăn này, thông điệp quan trọng nhất ông muốn gửi đến cử tri là gì?
Ông Nguyễn Văn Thân: Tôi muốn nhấn mạnh thông điệp là chúng ta phải vững vàng tâm thế sống chung với dịch bệnh, phải chấp nhận phương án xấu nhất là dịch bệnh chưa sớm lui. Giải pháp quan trọng nhất là có được đủ vắc-xin để đạt miễn dịch cộng đồng, còn giãn cách chỉ là tạm thời, không phải mãi mãi.
Vì thế, chúng ta cần phát huy sức mạnh tổng hợp để mua đủ vắc-xin cho nhân dân. Thông qua con đường ngoại giao nhân dân, chúng tôi vận động Hội nghị sĩ Ba Lan - Việt Nam có thêm tiếng nói và họ cũng hứa sẽ giúp hơn 1 triệu liều, một phần thì bán giá gốc, một phần tặng Việt Nam.
PV: Nếu giữa năm 2022 đạt được miễn dịch cộng đồng, theo ông, từ giờ đến lúc đó cần tăng sức đề kháng cho nền kinh tế như thế nào, cụ thể là với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nơi ông làm Chủ tịch?
Ông Nguyễn Văn Thân: Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số doanh nghiệp, cũng là khu vực chịu ảnh hưởng rất lớn của đại dịch. Từ khi Covid-19 bùng phát, có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, cũng có một số doanh nghiệp tốt lên vì chuyển đổi số, nhưng số đóng cửa chiếm tỷ lệ nhiều hơn. Đa số vẫn cố cầm cự nhờ được vay vốn lãi suất thấp, khoanh nợ, giãn nợ, giảm lao động, cho nghỉ tạm thời..., nhưng còn phụ thuộc rất nhiều vào ứng xử của từng địa phương khi dịch bệnh các nơi không giống nhau.
Trên nghị trường, có đại biểu đã lên tiếng đề nghị các địa phương cần sự hợp tác, phối hợp để giảm bớt sự khác biệt không cần thiết để hàng hoá được thông thương. Tôi thấy đây là vấn đề cần được tập trung tháo gỡ để không làm gián đoạn chuỗi cung ứng, điều rất quan trọng với các doanh nghiệp.
Với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp hội viên cũng động viên, hỗ trợ lẫn nhau trong khả năng có thể và thể hiện trách nhiệm với xã hội thông qua các phong trào do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
PV: Khi thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nơi ông là thành viên, có lưu ý giải pháp cần xử lý hài hòa giữa lợi nhuận của ngân hàng và khó khăn của doanh nghiệp. Ông nghĩ thế nào về giải pháp này?
Ông Nguyễn Văn Thân: Tôi rất đồng tình với khuyến nghị này. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, giãn nợ, khoanh nợ, hạ lãi suất... đều cần thiết, nhưng cũng chỉ đến mức độ nào đó để ngân hàng còn tồn tại được. Nếu Chính phủ muốn hỗ trợ doanh nghiệp thêm nữa qua hệ thống ngân hàng, thì Chính phủ phải bù lãi suất ở mức độ nhất định hoặc là đứng ra bảo lãnh.
Xử lý mối quan hệ này phải có vai trò của Nhà nước. Ngân hàng là doanh nghiệp kinh doanh đặc biệt, không thể không có vai trò điều hành của Ngân hàng Nhà nước, kể cả khi không có đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, cũng không thể quá thiên về mệnh lệnh hành chính để xử lý mối quan hệ nói trên./.