Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp

Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp

Thứ Tư, 15/01/2025 - 09:57

Loạt nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp… xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) đang là thực trạng đáng báo động về tình trạng sử dụng đất sai mục đích, buông lỏng quản lý gây lãng phí, thiếu an toàn cháy nổ.

Lời tòa soạn!

Tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp và đất dự án thuộc quy hoạch đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, việc lấn chiếm và sử dụng đất nông nghiệp cho các mục đích phi nông nghiệp như xây dựng nhà xưởng, cơ sở kinh doanh trái phép, đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng.

Tại một số quận huyện trên địa bàn Hà Nội, hàng loạt diện tích đất nông nghiệp đã bị biến thành các khu nhà xưởng tạm bợ. Nhiều đơn vị, người dân đã tự ý san lấp, đổ trộm chất thải để tạo mặt bằng xây dựng, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về sử dụng đất.

Phân tích về tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng bất cập này, trong đó có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất là do việc triển khai các quy định của pháp luật; Thứ hai là do công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn yếu kém, thiếu sự giám sát chặt chẽ. Nhiều trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích diễn ra trong thời gian dài mà không bị phát hiện hoặc có phát hiện nhưng không xử lý.

Các chuyên gia cũng cho rằng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai không chỉ gây thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn có thể để lại những hậu quả không kém so với tham nhũng. Chính vì vậy các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải vào cuộc thật sự quyết liệt, nghiêm túc và không có vùng cấm đối với bất kể một sai phạm nào liên quan đến việc sử dụng đất sai mục đích này.

Để có góc nhìn khách quan về tình trạng trên, Reatimes khởi đăng bài viết: "Buông lỏng quản lý đất đai gây lãng phí - Góc nhìn thực tế từ xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội ".

Bài viết dựa trên việc nghiên cứu pháp lý, khảo sát thực tế, đánh giá khách quan từ ý kiến của chính quyền địa phương tới các chuyên gia để bạn đọc có thể có một góc nhìn tổng quan nhất về thực trạng tại địa phương đã và đang được đánh giá là "nóng" nhất về tình trạng sử dụng đất sai mục đích.

Khảo sát thực tế của phóng viên Reatimes trên địa bàn xã Tân Triều, huyện Thanh Trì cho thấy, dọc theo tuyến đường vành đai 3, khu vực đối diện UBND xã Tân Triều đã và đang xuất hiện hàng loạt nhà xưởng, ki ốt, trạm trộn bê tông không phép. Đáng nói những trường hợp sử dụng sai mục đích đất này đã tồn tại từ rất lâu nhưng chưa được xử lý dứt điểm, cá biệt còn phát sinh thêm cả trường hợp vi phạm mới.

Theo nghiên cứu pháp lý về nguồn gốc đất tại khu vực này của phóng viên Reatimes cho thấy, một phần diện tích tại đây nằm trong khu vực quy hoạch dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I. Khu vực này đang tồn tại hàng loạt nhà xưởng, ga ra ô tô, sân chơi thể thao (pickleball)... 

Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp- Ảnh 1.
Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp- Ảnh 2.
Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp- Ảnh 3.
Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp- Ảnh 4.

Loạt nhà xưởng, kho bãi sử dụng đất sai mục đích ven đường vành đai 3 thuộc địa bàn xã Tân Triều. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Tương tự, tại ngõ 300 Nguyễn Xiển, ngoài những ki ốt, nhà xưởng được xây dựng trái phép còn có một trạm trộn bê tông hoạt động từ năm 2015 đến nay nhưng vẫn chưa có giấy phép.

Đi sâu vào khu vực đường 25m của xã Tân Triều, hàng loạt nhà xưởng, kho bãi trên đất nông nghiệp cũng đã vây kín toàn bộ một bên đường, thậm chí nhiều nhà xưởng mọc đan xen trong khu vực nghĩa trang.

Có thể nhận thấy, tình trạng sử dụng đất sai mục đích trên địa bàn xã Tân Triều đã đang khá phổ biến suốt nhiều năm qua, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại các cấp chính quyền sở tại vẫn chưa có giải pháp nhằm tháo gỡ, xử lý dứt điểm. Nguyên nhân chính của thực trạng trên có thể xuất phát từ việc đất đã có quy hoạch nhưng dự án "treo", chậm triển khai, dẫn tới việc lấn chiếm sử dụng trái phép và cơ quan chức năng thì chậm vào cuộc xử lý.

Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp- Ảnh 5.

Khu vực ven đường 25m xuất hiện nhiều nhà xưởng đan xen với khu nghĩa trang. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Nhà nước cần chế tài đến từng cấp chính quyền địa phương khi để xảy ra tình trạng trên, bởi chính quyền địa phương là đơn vị gần nhất giám sát, đôn đốc, theo dõi. Các cấp chính quyền phải vào cuộc, nếu là do yếu tố khách quan thì phải tìm cách tháo gỡ và thay đổi sao cho phù hợp với thực trạng chung.

Trao đổi với phóng viên Reatimes về tình trạng sử dụng đất sai mục đích tại xã Tân Triều, ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I đến nay đã gần 20 năm nhưng chưa triển khai được nhiều, ngoại trừ một số tòa chung cư đã hoàn thiện, còn lại nhiều diện tích đất tại dự án chưa được giải phóng mặt bằng. Nguyên nhân là do nhiều hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng không chấp nhận phương án đền bù, cho là đền bù không thỏa đáng và muốn giữ lại đất ruộng để canh tác. 

Ông Lăng cũng cho biết, UBND xã đã có nhiều văn bản báo cáo huyện để tháo gỡ công tác giải phóng mặt bằng. Phía huyện Thanh Trì cũng phản hồi lại là phải chờ báo cáo lên Thành phố và Thủ tướng Chính phủ. "Nhìn chung, dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang 1 là trường hợp phức tạp của Hà Nội, có khiếu kiện kéo dài", ông Lăng nhấn mạnh.

Về tình trạng nhà xưởng mọc trên đất dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang I, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cho biết, thực tế, các nhà xưởng đã bắt đầu xuất hiện từ khi chưa có dự án. Qua các năm, số lượng nhà xưởng mọc lên ngày càng nhiều.

Để xử lý kho xưởng sai phép trên địa bàn, xã Tân Triều đang thực hiện theo chỉ đạo của huyện Thanh Trì, cũng như theo kế hoạch, lộ trình xã đã xây dựng đến năm 2025. Riêng tháng 11 vừa qua, xã đã xử lý gần 4.000 m2 kho xưởng.

Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp- Ảnh 6.
Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp- Ảnh 7.
Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp- Ảnh 8.
Xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội): Tràn lan nhà xưởng dựng trái phép trên đất quy hoạch dự án, đất nông nghiệp- Ảnh 9.

Các loại nhà xưởng, trạm trộn bê tông không phéptiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ rất đáng báo động (Ảnh: Trọng Hiếu)

"Trên thực tế, xã Tân Triều đã nhiều lần xử lý các trường hợp nhà xưởng sai phép này, nhưng xử lý xong, khu vực đó trở lại thành đất hoang thì phát sinh tình trạng xe rác đổ trộm rác vào ban đêm, và xã lại phải xử lý vấn đề đó. Nói chung, để quản lý được đất cần phải có người trông giữ. Chúng tôi đã đề xuất các cấp giao việc quản lý đất cho các đơn vị có năng lực. Còn để xử lý dứt điểm việc này, quan điểm của xã là khi nào TP giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án thì khi đó, xã sẽ xử lý theo dự án", ông Lăng nói.

Đối với trạm trộn bê tông ngõ 300 Nguyễn Xiển, ông Lăng thừa nhận, trạm trộn này đã hoạt động từ năm 2015 nhưng chưa có giấy phép. Đơn vị được giao đất ở đó đã có văn bản xin phép thuê đất làm trạm trộn bê tông, mục đích là cung cấp bê tông thương phẩm cho dự án Khu đô thị Tây Nam Kim Giang. Tuy nhiên, đơn vị này chưa làm thủ tục cấp phép. UBND xã cũng đã có văn bản báo cáo huyện về việc này.

Xác nhận khu vực đường 25m là đất nông nghiệp nhưng xuất hiện nhiều kho xưởng là trái phép, ông Lăng thông tin: Để đối phó tình trạng nhà xưởng mọc lên một cách ồ ạt, thực tế, xã đã làm mọi cách để ngăn chặn, đồng thời cũng đã thành lập tổ công tác gồm công an, địa chính, thanh tra xây dựng… "Hàng ngày, chúng tôi đều yêu cầu tổ công tác tăng cường kiểm tra, tuần tra, phát hiện để có biện pháp xử lý kịp thời nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để".

Theo ông Lăng, tuy nguồn gốc đất là đất nông nghiệp, được giao cho người dân để sản xuất nông nghiệp nhưng hiện tại, trên địa bàn không còn hệ thống mương tưới tiêu, không còn hệ thống thủy lợi, dẫn đến người dân không thể sản xuất nông nghiệp được nữa.

Ngoài ra, theo ông Lăng, Triều Khúc vốn là làng nghề cổ, nhiều người dân trong làng kiếm sống bằng các nghề truyền thống nhưng do đô thị hóa, người ở nơi khác về đây thuê trọ, mua đất sinh sống ngày càng đông khiến cho diện tích đất để người dân làng nghề sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp. Những người này buộc phải chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh ra những diện tích đất nông nghiệp mà gia đình được giao.

"Thời điểm trước năm 2000, dân số của xã Tân Triều chỉ khoảng 17.000-18.000 người nhưng đến nay, dân số là hơn 80.000 người. Dân số tăng quá nhanh dẫn đến không còn đủ diện tích đất để sản xuất nữa, nên bà con phải tận dụng đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình làm nơi sản xuất", ông Lăng cho hay.

Vị Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều cũng nhấn mạnh: "Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục công tác xử lý, lộ trình mỗi quý xử lý một khu vực".

Có thể thấy rằng, Tân Triều đang là một trong số những điểm nóng về tình trạng sử dụng đất sai mục đích, mặc dù tình trạng này đã hiện hữu từ khá lâu, có những trường hợp hoạt động không phép đến nay đã gần 10 năm, thế nhưng UBND xã Tân Triêu, huyện Thanh Trì vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.

Vậy, nguyên nhân là do cơ chế chính sách trong việc quản lý đất đai, xử lý vi phạm chưa đầy đủ, chưa đủ sức răn đe? Hay phải chăng do chính quyền đang buông lỏng quản lý, hoặc thiếu năng lực?

Liên quan đến tình trạng trên, các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường quản lý và giám sát là giải pháp quan trọng hàng đầu. Chính quyền địa phương cần chủ động hơn trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm. Đặc biệt, cần có các biện pháp giám sát thường xuyên và đột xuất, không để cho các đối tượng vi phạm có cơ hội lách luật. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực của các cơ quan chức năng trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

"Điều 208 Luật Đất đai 2013 có quy định về trách nhiệm của Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Do đó, cần quy trách nhiệm cụ thể với địa phương, trách nhiệm của người đứng đầu nơi xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai" - luật sư Bùi Đình Ứng nói và nhấn mạnh, đây là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ đất nông nghiệp, đất thuộc quy hoạch dự án không bị sử dụng sai mục đích.

Tiếp đến là hoàn thiện khung pháp luật về đất đai. Cần bổ sung, sửa đổi các quy định hiện hành để tạo ra một khung pháp luật chặt chẽ, minh bạch, đảm bảo việc quản lý, sử dụng đất đai được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt là đối với những hành vi cố ý chiếm dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép.

Dưới góc độ pháp lý, các chuyên gia của Viện nghiên cứu Bất Động sản Việt Nam cũng cho rằng: Luật Đất đai năm 2013 quy định rất rõ những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực đất đai bao gồm việc không sử dụng đất hoặc sử dụng đất sai mục đích. "Rõ ràng việc sử dụng không đúng mục đích đất nông nghiệp, đất thuộc quy hoạch dự án là hành vi vi phạm pháp luật về đất đai. Các quy định pháp luật hiện hành đều quy định rõ hình thức xử phạt đối với những hành vi này".

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong những trường hợp đất nông nghiệp, đất thuộc quy hoạch dự án bị đem ra sử dụng sai mục đích, ngoài đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi thì chính quyền địa phương mà trực tiếp là Chủ tịch UBND các cấp nơi xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai phải chịu trách nhiệm.

Rõ ràng chính quyền địa phương, lãnh đạo UBND các cấp không thể vô can khi để xảy ra tình trạng đất nông nghiệp, đất quy hoạch dự án bị sử dụng sai mục đích trên địa bàn. Sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, thậm chí là tiếp tay cho sai phạm.

Kế tiếp từ Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai 2024 vừa có hiệu lực hồi tháng 8/2024 cũng quy định chặt chẽ về việc xử lý các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất. Đơn cử như, trường hợp người có quyền sử dụng đất sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm thì bị thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với hành vi sử dụng đất không đúng mục đích sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Điều 241 Luật Đất đai 2024 quy định:

Trách nhiệm trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai

1. Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm sau đây:

a) Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương theo thẩm quyền;

b) Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích; chuyển, nhận quyền sử dụng đất không đúng pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật đất đai khác của người sử dụng đất...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top