Mới đây, Bộ Tài chính đã có buổi họp báo chuyên đề về Nghị định số 69 quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao (gọi tắt là Dự án BT).
Đáng lưu ý là những quy định trong việc xác định quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT và các xác định giá trị quỹ đất thanh toán.
Cụ thể, Nghị định nêu rõ, việc sử dụng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT trong thời gian qua về cơ bản đã phát huy được hiệu quả thông qua việc huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân và việc cung cấp các dịch vụ công, giảm áp lực lên nguồn ngân sách nhà nước. Tiếp tục kế thừa và phát huy hiệu quả của cơ chế thanh toán Dự án BT bằng quỹ đất, tại Nghị định này quy định 02 nhóm quỹ đất được sử dụng để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án BT, bao gồm: Đất chưa giải phóng mặt bằng và đất đã giải phóng mặt bằng. Nhà nước thực hiện giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định của pháp luật đất đai để thanh toán cho Nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT.
Đồng thời, việc lựa chọn quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư phải đảm bảo đúng quy định như sau: (i) Đất thuộc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; (ii) Việc thu hồi đất đối với quỹ đất thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật về đất đai; (iii) Trường hợp sử dụng quỹ đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện Dự án BT thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi quyết định chủ trương đầu tư Dự án.
Liên quan đến xác định giá trị quỹ đất thanh toán, Nghị định nêu rõ:
Thứ nhất, giá trị quỹ đất thanh toán là tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất nộp một lần cho cả thời gian thuê được xác định theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước; đồng thời, không thực hiện miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi xác định giá trị quỹ đất thanh toán.
Thứ hai, giá trị quỹ đất thanh toán được xác định tương đương với giá trị Dự án BT và không thay đổi kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định; trừ Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng theo đúng quy định của pháp luật dẫn đến thay đổi giá trị quỹ đất thanh toán;
Thứ ba, giá trị quỹ đất thanh toán thực tế là giá trị quỹ đất thanh toán sau khi đã được điều chỉnh theo các Phụ lục Hợp đồng BT và đảm bảo ắc nguyên tắc ngang giá, giá trị Dự án BT tương đương với giá trị tài sản công thanh toán.
Những quy định của Nghị định 63 được kỳ vọng sẽ “vá lỗ hổng” liên quan đến thất thoát tài sản mà các dự án BT trước đó để lại.
Thực tế, trước đó, hầu hết các dự án BT, tiền sử dụng đất đã được tạm tính ngay tại thời điểm ký hợp đồng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện song song cả 2 dự án BT và dự án quỹ đất đối ứng. Khi dự án hoàn thành, quy định phải thực hiện kiểm toán kỹ thuật và kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị, làm cơ sở cho việc “thanh toán” bằng quỹ đất. Song thực tế, chưa có dự án BT nào được kiểm tra, kiểm toán mà chỉ là quyết toán.
Chưa kể, trong quá trình xác định quỹ đất khi giao dịch mua hàng là công trình hạ tầng thì giá cả được xác định ngay. Nhưng vấn đề đặt ra, nếu công trình hạ tầng kéo dài thời gian thì giá cả của công trình gia tăng, quỹ đất cũng buộc phải tăng theo độ mở rộng nhưng giá cả/m2 đất lại tính ở thời điểm thanh toán ban đầu. Tức là, giá đất đã không đáp ứng đúng sự vận động hiện tại của thị trường và sự biến đổi, tăng giá của thị trường.
Nghị định 69 sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại tại các dự án BT cũng như ngăn chặn được tình trạng thất thoát tài sản công.
Ngoài ra, thất thoát còn xảy ra khi sự trượt giá gia tăng, tất yếu dẫn theo khoản chi phí gia tăng nhưng cán cân thiệt hại nghiêng về Nhà nước còn phía nhà đầu tư lại được hưởng trọn.
Khẳng định từ phía Bộ Tài chính, Nghị định 69 sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại tại các dự án BT cũng như ngăn chặn được tình trạng thất thoát tài sản công. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, dự án BT luôn phức tạp khi nguồn lợi kép lớn. Đáng lo nhất vẫn là tình trạng lách luật của chính sách.