Cụ thể, bằng việc bổ sung dự án PPP thuộc đối tượng áp dụng quản lý chi phí đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư của dự án sẽ được tính đúng, tính đủ và phù hợp với mặt bằng giá thị trường nơi xây dựng, đảm bảo đồng bộ mục tiêu quản lý các dự án đầu tư công, khắc phục những tồn tại trong các báo cáo kiểm toán các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư, đặc biệt là dự án BOT giao thông, đồng thời xác lập khung chính sách rõ ràng về quản lý chi phí để nhà đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước làm cơ sở thực hiện.
Việc điều chỉnh một số nội dung về nguyên tắc, phương pháp xác định và cơ cấu khoản mục chi phí tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, đảm bảo được yêu cầu về mức độ chính xác cần thiết của tổng mức đầu tư theo yêu cầu quản lý về tính đúng, tính đủ, nhất là các dự án có quy mô lớn, các dự án xác định giá gói thầu trên cơ sở tổng mức đầu tư được duyệt để thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, EC… qua đó khắc phục thực trạng nhiều dự án phải điều chỉnh chi phí nhiều lần do xác định tổng mức đầu tư không đủ so với yêu cầu thực tế hoặc vốn Nhà nước bị thất thoát do tổng mức đầu tư được xác định cao hơn yêu cầu.
Quy định nguyên tắc, phương pháp xác định, cập nhật và sử dụng chi phí dự phòng trong giá gói thầu xây dựng, cho phép xác định giá gói thầu trên cơ sở dự toán được phê duyệt mà không cần thêm bước lập, thẩm định, phê duyệt lại dự toán gói thầu, cắt giảm được thời gian, chi phí và thủ tục cho việc phải lập lại dự toán gói thầu xây dựng để xác định giá gói thầu, đồng thời loại bỏ lạm quyền của chủ đầu tư điều chỉnh chi phí các công việc trong dự toán được duyệt trong quá trình lập lại dự toán gói thầu.
Quy định về lập, thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng phù hợp với dự án thực hiện theo phương thức hợp đồng EPC, EC, EP chấm dứt thực trạng nhiều dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC, EC đã hình thành giá hợp đồng trên cơ sở tổng mức đầu tư được duyệt nhưng đến giai đoạn dự toán vẫn phải thực hiện thẩm định gây mất thời gian và công sức nhưng không phục vụ mục tiêu quản lý chi phí.
Quy định thời điểm điều chỉnh và phê duyệt tổng mức đầu tư thực hiện ngay tại thời điểm phát sinh chi phí nhằm mục tiêu tăng cường hiệu quả công tác quản lý chi phí, tránh thực trạng các dự án đều điều chỉnh và phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh tại thời điểm kết thúc dự án, khi đó thủ tục điều chỉnh và phê duyệt không còn phục vụ quản lý chi phí mà mang ý nghĩa hợp thức hóa.
Quy định việc sử dụng dự phòng phí và thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng thuộc người quyết định đầu tư khắc phục chủ đầu tư lạm quyền trong sử dụng dự phòng phí sai mục đích, chấm dứt tình trạng hầu hết các dự án được chủ đầu tư phân bổ và điều chỉnh sử dụng hết dự phòng phí không đúng với bản chất của chi phí này.
Quy định ban hành định mức, giá và chỉ số giá xây dựng để áp dụng đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước, dự án PPP khắc phục việc vận dụng định mức, giá và chỉ số giá tùy tiện, nhiều trường hợp cố tình vận dụng sai làm tăng chi phí đầu tư xây dựng, gây thát thoát, lãng phí. Quy định này là cơ sở để tiêu chuẩn hóa, số hóa trong áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Quy định quản lý sử dụng báo giá và quy định xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu định mức và giá xây dựng sẽ khắc phục tình trạng sử dụng báo giá tùy tiện, theo ý chí chủ quan của người lập dự tính chi phí. Quy định này sẽ tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu định mức, giá xây dựng thống nhất trên toàn quốc phục vụ mục tiêu quản lý chi phí minh bạch, hiệu quả và khách quan, khắc phục tồn tại về giá chênh lệch giữa địa giới hành chính hai tỉnh, phục vụ quản lý Nhà nước và dự báo thị trường, xây dựng chiến lược phát triển Ngành.
Quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý chi phí đầu tư xây dựng nhằm mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý thông qua quy định cụ thể về trách nhiệm và chế tài xử lý đối với các chủ thể khi gây nên phát sinh chi phí bất hợp lý, chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí cho công trình do không thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ quản lý chi phí.
Đồng thời, việc ban hành Nghị định số 68/2019/NĐ-CP (Nghị định 68), Chính phủ điều chỉnh một số chính sách chủ yếu trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng như: Bổ sung dự án PPP thuộc đối tượng áp dụng quản lý chi phí đầu tư xây dựng; Điều chỉnh một số nội dung về nguyên tắc, phương pháp xác định và cơ cấu khoản mục chi phí tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng; Quy định nguyên tắc, phương pháp xác định, cập nhật và sử dụng chi phí dự phòng trong giá gói thầu xây dựng; Quy định về lập, thẩm định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng phù hợp với dự án thực hiện theo phương thức hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm thiết bị và thi công xây dựng công trình), EC (thiết kế và thi công xây dựng công trình), EP (thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ); Quy định thời điểm điều chỉnh và phê duyệt tổng mức đầu tư thực hiện ngay tại thời điểm phát sinh chi phí; Quy định việc sử dụng dự phòng phí và thẩm quyền điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây dựng thuộc người quyết định đầu tư; Quy định ban hành định mức, giá và chỉ số giá xây dựng để áp dụng đối với dự án sử dụng vốn Nhà nước, dự án PPP; Quy định quản lý sử dụng báo giá và quy định xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu định mức và giá xây dựng; Quy định trách nhiệm của các chủ thể tham gia quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Các chính sách mới về quản lý chi phí đầu tư xây dựng sẽ bảo đảm việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng các dự án công (dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư PPP), phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, tạo thị trường xây dựng minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng.