Quyết tâm “giãn ra bên ngoài”
Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị, Nghị quyết đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình TP trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); Xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ Sông Hồng và Sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng; Quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị; khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn kết hợp với phát triển du lịch xanh.
Mới đây, tại Hội nghị tiếp xúc cử tri tại quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, TP sẽ xây dựng các cực tăng trưởng mới, điển hình là việc tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển 2 TP trực thuộc Thủ đô. Bởi nhiều năm qua, TP phát triển hướng vào trung tâm. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, việc xây dựng 2 TP trực thuộc Thủ đô là định hướng lớn, đã được đưa vào Nghị quyết 15 của Bộ chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự kiến TP sẽ xây dựng một TP ở phía Bắc sông Hồng, gồm huyện Mê Linh, Đông Anh và Sóc Sơn. Đây sẽ là TP dịch vụ, TP hội nhập quốc tế. Hà Nội lấy sân bay Nội Bài là trung tâm phát triển của TP này. TP thứ 2 trong lòng Thủ đô Hà Nội dự kiến được xây dựng ở phía Tây, khu vực Hoà Lạc hiện nay. Hà Nội định hướng đây sẽ là TP khoa học công nghệ và giáo dục - đào tạo...
Tránh việc dự án chỉ “nằm trên giấy”
Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, về lý thuyết phát triển chùm đô thị vệ tinh là tốt nhưng nếu xét tình hình thực tế của Hà Nội thì nên thực hiện trọng tâm, trọng điểm. Nếu cứ dàn trải thì đô thị vệ tinh sẽ mãi chỉ “nằm trên giấy”. Tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội được phát triển theo mô hình chùm đô thị (1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh là Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn, 3 đô thị sinh thái).
Thông tin từ Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, Hà Nội đang lập quy hoạch 31 đồ án quy hoạch phân khu tại các đô thị vệ tinh. Trong đó, một số quy hoạch phân khu đô thị đã được ủy quyền cho các huyện, thị xã nghiên cứu lập, trình TP xem xét. Riêng 3 quy hoạch phân khu đô thị Xuân Mai và 3 quy hoạch đô thị Phú Xuyên đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, trình UBND TP xem xét phê duyệt trong năm 2022. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh nhìn chung vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu. Lý do được nêu ra là do nguồn vốn dành cho quy hoạch còn nhiều khó khăn. Vì thế, việc tập trung vào 2 TP như 2 cực tăng trưởng cũng sẽ giúp Hà Nội giảm áp lực về nguồn lực.
Được biết, hiện nay, mô hình TP trong TP tương đương như một quận, huyện, phân cấp, ủy quyền tương tự, tuy nhiên, hiện đã xuất hiện những đòi hỏi cao hơn, thậm chí độc lập với TP trực thuộc TƯ. Một số tiêu chí lên quận ở trong đô thị trung tâm còn cao hơn tiêu chí lên TP. Vì thế, vẫn là câu chuyện nguồn lực, cần ưu tiên nguồn lực thực hiện, đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng xã hội đi trước một bước. Phải chú ý xây dựng hệ thống quản lý, năng lực cán bộ phù hợp, đáp ứng được yêu cầu khi hình thành các đô thị này.
Theo Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”, 5 huyện sẽ lên quận giai đoạn 2021 - 2025 gồm Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng và 3 huyện lên quận giai đoạn 2026-2030 gồm Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 xác định Hà Nội sẽ có 5 đô thị vệ tinh gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Trong đó, 4 đô thị vệ tinh: Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn, Sơn Tây được TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch chung từ năm 2015 với tổng diện tích khoảng 20.388,3ha, riêng đô thị vệ tinh Hòa Lạc có diện tích 17.274ha được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch chung vào tháng 5/2020. Các đô thị vệ tinh được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội một cách độc lập và hỗ trợ, giảm tải nhiều chức năng cho đô thị trung tâm.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, TP luôn xác định công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng là một trong những vấn đề chiến lược, phải đi trước một bước, nhằm tạo nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị, tạo ra hệ thống hạ tầng khung giao thông quan trọng, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và lợi thế kết nối đa chiều của các đô thị trong khu vực và cả nước.
Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng như xây dựng cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường xuyên tâm, vành đai: QL 1A, QL 6, Vành đai 1, Vành đai 2, Vành đai 2.5, Vành đai 3, Vành đai 3.5...; xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các cầu qua sông Hồng.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tạo động lực mới để phát triển đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh; mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội./.