Aa

Xây dựng bến xe Yên Sở: Thêm kết nối hay thành điểm rối?

Thứ Bảy, 08/12/2018 - 14:01

Vừa qua HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua nghị quyết về quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Phối cảnh bến xe Yên Sở sau khi hoàn thành.

Phối cảnh bến xe Yên Sở sau khi hoàn thành.

Hiện nay đang có nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch các bến xe Thủ đô hiện nay đi ngược với thế giới, nhất là sau khi thành phố quyết tâm xây dựng bến xe Yên Sở. Theo quy hoạch, bến xe mới sẽ cách nút giao Pháp Vân – vành đai 3, một điểm nghẽn giao thông Hà Nội, khoảng 1km và cách bến xe Nước Ngầm hơn 1km.

Đồng thời, dù chỉ là bến xe tạm nhưng bến xe Yên Sở sẽ hoạt động trong vòng 50 năm và có công suất 1.000 xe hoạt động ngày đêm. Cùng với đó, các bến xe lớn nằm trong trung tâm đô thị như bến xe Gia Lâm, Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước Ngầm tiếp tục khai thác trong giai đoạn quá độ thực hiện quy hoạch và chỉ nâng cấp, cải tạo trên cơ sở quy mô hiện có.

"Với việc bố trí các điểm bến xe dày đặc như vậy, đồng thời trên điểm nghẽn vành đai ba tồn tại cùng lúc hai bến xe sẽ gây thêm áp lực cho tuyến đường này", ông Ths Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng bộ môn Quy hoạch và quản lý Giao thông vận tải (Đại học Giao thông vận tải) cho biết. Chưa tính đến trong dài hạn, Hà Nội sẽ quy hoạch mới 7 bến xe khách liên tỉnh phục vụ đô thị trung tâm và bến xe Yên Sở sau một thời gian hoạt động sẽ di dời đi nơi khác, dẫn đến việc xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp, người dân và bố trí lại phân bổ giao thông, tuyến đường.

Do đó, cho đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia giao thông và Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, đây là một dự án lãng phí vốn đầu tư và ảnh hưởng đến quỹ đất của thành phố khi Hà Nội sẽ mất hàng nghìn tỷ đồng để di chuyển các bến xe cũ tới vị trí mới, trong khi các bến này đều được đầu tư khang trang và hiện đại; đồng thời đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách chạy theo quy hoạch, dẫn đến hoạt động không ổn định, dễ dẫn đến phá sản.

Có thể thấy, bức tranh quy hoạch giao thông hiện tại của Hà Nội đang trở nên vô cùng hỗn loạn khi cùng một thời điểm, các tuyến giao thông đang được triển khai nhưng thiếu sự kết nối, chồng chéo dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày một gia tăng và các phương tiện giao thông đô thị không được sử dụng đúng công năng, gây lãng phí.

Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, trong đó có các nước châu Âu, các bến xe, nhà ga, metro, xe buýt đều tập trung ở một khu đầu mối trong nội đô. Thông thường các bến xe liên tỉnh sẽ được đặt ở những điểm đầu mối giao thông với mục đích không làm ảnh hưởng đến giao thông nội đô nhưng vẫn phải đảm bảo có sự kết nối với khu vực này.

Ông Tuấn nhận định, đặc điểm của bến xe là điểm tập trung đầu mối hành khách, nếu không có các phương tiện giao thông chuyển tiếp mà chỉ có phương tiện cá nhân sẽ rất dễ gây ùn tắc.

"Các bến xe mới phải có kết nối với phương tiện giao thông nội đô bao gồm phương tiện giao thông công cộng, taxi và cá nhân, các tuyến đường sắt đô thị và BRT... để đảm bảo được giao thông chuyển tiếp giữa giao thông đối ngoại và giao thông nội đô", ông Tuấn cho biết. Hệ thống bến xe mới này đều là những điểm đấu nối với các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai, đây là điểm mạnh cần khai thác để thành phố xem xét quy hoạch các bến xe hiện nay.

Hiện tại Hà Nội đang có nhiều dự án hạ tầng giao thông công cộng đang cùng triển khai trên một thời điểm. Tuy nhiên, các dự án này đều rời rạc và tách biệt với nhau, vô hình chung tạo thành nút rối khó gỡ của giao thông Hà Nội. Nếu có sự điều chỉnh kết nối với nhau, các điểm rối này sẽ trở thành điểm kết nối chặt chẽ, hoàn thiện thành một hạ tầng giao thông đô thị kết nối chặt chẽ, liên kết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top