Một loạt vấn đề “nóng” của Thủ đô thời gian qua như thiếu trường lớp, thiếu bãi đỗ xe, tiến độ, hiệu quả của Dự án đầu tư công trong đó có các Dự án đường Vành đai Thủ đô đã được dư luận, cử tri, chuyên gia phản ánh, góp ý nhằm nhanh chóng tháo gỡ mọi “nút thắt” để tạo đà phát triển cho Hà Nội.
Đáng chú ý, mới đây Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng làm “nóng” dư luận, cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, khi so sánh: 1km Vành đai 4 chỉ 328 tỷ đồng mà 1km Vành đai 1 lên đến 7.600 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài 112km đi qua 3 tỉnh với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng. Dự án đi qua Hà Nội với chiều dài 58,6km. Theo phương án được duyệt thì giải phóng mặt bằng cho toàn bộ đường Vành đai 4 bao gồm đường cao tốc, đường song hành 2 bên mỗi bên 2 làn xe, kể cả 30 m chiều ngang dự trữ cho đường sắt Quốc gia tổng kinh phí giải phóng mặt bằng tái định cư trên 13.000 tỷ đồng. Chi phí làm đường song hành 2 bên, mỗi bên 2 làn xe là 5.400 tỷ đồng. Theo tính toán, cộng lại chia ra chi phí 328 tỷ đồng/km đường.
Mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ là đến 30/6/2023 phải bàn giao cơ bản 70% mặt bằng và tổ chức khởi công được dự án Vành đai 4. Đến 31/12/2023 phải bàn giao 100% mặt bằng.
Đến nay, Hà Nội đã bàn giao được khoảng 50% diện tích đất của dự án Vành đai 4. Gần 60% mồ mả được di chuyển, cụ thể có khoảng 11.000 ngôi mộ đến nay đã chuyển được khoảng 6.000 ngôi. Việc di dời mồ mả được các quận huyện tích cực vận động thực hiện trong 2 tháng cuối năm 2022.
Việc xây dựng và phát triển đường Vành đai cùng với các công trình giao thông là con đường tốt nhất, hiệu quả nhất, tạo đà “cất cánh” cho Thủ đô, đơn giản vì “đại lộ sinh đại phú”!
Nhìn lại, đường Vành đai 4 kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2011, đến nay cũng 12 năm mới được chính thức triển khai. Tức là, các dự án Vành đai của Hà Nội dù có ý nghĩa lớn với sự phát triển của Thủ đô, nhưng rất nhiều năm được phê duyệt nó vẫn “nằm trên giấy”.
Lâu nay, dư luận vẫn thường hay lấy Hà Nội ra để so sánh với TP.HCM về tốc độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường Vành đai khá hoàn chỉnh. Song Thủ đô Hà Nội cũng không thoát khỏi nỗi khổ đường vành đai: Chậm tiến độ, nguy cơ tăng vốn đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá việc chậm trễ Vành đai 4, 5 tại Hà Nội khiến nhiều tuyến đường đô thị phải đảm nhận chức năng vừa là đường đô thị, vừa là đường đối ngoại cho các phương tiện vận tải của các tỉnh xung quanh, dẫn đến ùn tắc tại Vành đai 3.
Theo một khảo sát của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, lưu lượng xe trên tuyến Vành đai 3 bình quân hiện khoảng 5.000 lượt xe/giờ, cao gấp khoảng 2,5 lần lưu lượng tiêu chuẩn. Đây cũng là tuyến đường thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm hoặc gia tăng đột biến phương tiện dịp lễ, tết. Một tuyến khác cũng đang phải gồng gánh phương tiện rất lớn và thường xảy ra ùn tắc là cầu Thanh Trì, đã vượt quá lưu lượng thiết kế tới 8 lần, khoảng 120.000 xe/ngày đêm trong khi lưu lượng thiết kế chỉ là 15.000 xe/ngày đêm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) từng cho biết về nguyên nhân dẫn tới việc chậm đầu tư tuyến Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội chủ yếu do khả năng huy động nguồn lực của các địa phương khó khăn, trong khi tổng mức đầu tư các dự án lớn.
“Nguồn lực từ khai thác quỹ đất ngày càng khó khăn, điều kiện thủ tục đầu tư các dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng phức tạp, không khả thi đối với các địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, các địa phương chủ yếu tập trung hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh, thành phố, chưa chú trọng đến giao thông kết nối vùng và phối hợp đầu tư giao thông liên vùng để đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư chung của tuyến đường”, ông Nguyễn Danh Huy nói.
Khi Hà Nội trình vành đai 4 ra Chính phủ, Quốc hội đều được yêu cầu khép kín các vành đai 1, 2, 3. Để đẩy nhanh tiến độ, để lấy động lực, thúc đẩy triển khai nhanh các dự án đường Vành đai, trong đó có Vành đai 4, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng so sánh với đường Vành đai 1 - Dự án được phê duyệt từ 12/2017, dự kiến hoàn thành năm 2020, nhưng đến nay chưa xong.
“Đường Vành đai 1 đoạn từ Hoàng Cầu - Voi Phục cũng trên 1km, chi phí tới 7.600 tỷ đồng. Nói để thấy chúng ta làm đường sớm ngày nào, đồng bộ ngày nào thì rẻ ngày đấy. Ngoài mặt kinh tế, điều quan trọng hơn nếu làm đồng bộ thì sớm ổn định đời sống nhân dân”, Bí thư Hà Nội so sánh.
Có thể nói, điểm chung của các dự án đường Vành đai ở Hà Nội hiện nay là bị chậm và càng kéo dài chi phí đội vốn càng lớn, trong khi hạ tầng nội đô đang quá tải, nhiều khu vực thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm. Hơn thế việc chậm triển khai dự án làm tâm lý người dân ở khu vực luôn bất an, khó đảm bảo sinh kế, an ninh trật tự địa bàn.
Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới, sẽ được Quốc hội thông qua. Chúng ta cùng kỳ vọng, dự án đường vành đai này sẽ tạo ra sự kết nối toàn vùng Thủ đô phát triển theo đúng mục tiêu đã được đề ra trong Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050./.