Cụ thể, trong kỳ, lợi nhuận gộp của công ty ghi nhận tăng trưởng đáng kể ở mức 51,6% so với cùng kỳ, đạt mức 60,53 tỷ đồng, tương đương tăng thêm 20,61 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu tài chính giảm sâu, ghi nhận âm 22,26 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 30,81 tỷ đồng, tức giảm tới 53,07 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, chi phí tài chính lại tăng vọt 133,8%, từ 30,81 tỷ đồng lên 72,03 tỷ đồng, tức tăng thêm 41,22 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ghi nhận âm 44,16 tỷ đồng, giảm mạnh tới 130,62 tỷ đồng so với mức 86,46 tỷ đồng cùng kỳ. Các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Theo báo cáo giải trình của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, nguyên nhân dẫn đến doanh thu tài chính âm trong quý III/2024 là do khoản lãi tiền gửi và tiền cho vay ghi nhận âm 22,58 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức dương 3,6 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh là cũng liên quan đến khoản hoàn nhập dự phòng nợ phải thu khó đòi là 86,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ Hòa Bình đã phải trích lập 22,5 tỷ đồng cho khoản dự phòng này.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Xây dựng Hòa Bình đạt doanh thu 4.787,12 tỷ đồng, giảm 10,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại đạt 842,34 tỷ đồng, tăng ấn tượng so với khoản lỗ 883,57 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, tức tăng thêm 1.725,91 tỷ đồng. Kết quả này đưa Hòa Bình vượt xa kế hoạch lợi nhuận sau thuế của cả năm, hoàn thành 194,5% chỉ trong 9 tháng.
Điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình là mặc dù đã có lãi trở lại trong 9 tháng đầu năm 2024, song tính đến ngày 30/9/2024, lỗ lũy kế của công ty vẫn ở mức 2.424,1 tỷ đồng, tương đương 69,8% vốn điều lệ hiện tại là 3.472,1 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền trong giai đoạn 9 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình ghi nhận âm 49,5 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức dương 1.124,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, dòng tiền từ hoạt động đầu tư lại ghi nhận dương 190,2 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động tài chính tiếp tục ghi nhận âm 384,9 tỷ đồng, cho thấy áp lực tài chính của Hòa Bình vẫn còn hiện hữu và có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì dòng tiền ổn định trong tương lai.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình ghi nhận mức tăng nhẹ 0,4% so với đầu năm, đạt 15.303,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 10.884,3 tỷ đồng, chiếm 71,1% tổng tài sản; tồn kho ghi nhận 1.787,3 tỷ đồng, chiếm 11,7% tổng tài sản.
Về biến động tài sản, trong 9 tháng đầu năm, các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ 2%, tương ứng tăng 214,5 tỷ đồng; ngược lại, tồn kho giảm đáng kể 21,5%, tương đương giảm 490,8 tỷ đồng, về mức 1.787,3 tỷ đồng. Đặc biệt, tài sản dở dang dài hạn của công ty ghi nhận tăng vọt 15,94 lần so với đầu năm, đạt 787,8 tỷ đồng, tăng thêm 741,3 tỷ đồng. Công ty lý giải, sự gia tăng đáng kể ở chi phí dở dang dài hạn này chủ yếu là do hạch toán dự án bất động sản, ghi nhận khoản 741,7 tỷ đồng, trong khi đầu năm chưa có con số tương ứng.
Xét về nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của HBC tính đến cuối quý III/2024 giảm 8,2% so với đầu năm, về mức 4.333,1 tỷ đồng và bằng 263,3% tổng vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, công ty chỉ sở hữu 158 tỷ đồng tiền mặt. Nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn với 3.745,7 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 587,4 tỷ đồng, cho thấy áp lực tài chính vẫn khá nặng nề.
Trên sàn chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/10, cổ phiếu HBC ghi nhận mức tăng 300 đồng, đóng cửa ở mức 5.200 đồng/cổ phiếu, giảm khoảng 36,4% từ đầu năm đến nay. Đáng chú ý, ngày 30/10 là lần đầu tiên cổ phiếu HBC đạt khối lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị (2.062.200 cổ phiếu) sau chuỗi 10 phiên chỉ giao dịch với khối lượng vài trăm nghìn đơn vị.