Đó là khẳng định của Chính phủ tại báo cáo trước thềm phiên thảo luận của Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh năm 2019, chiều 3/6.
Theo báo cáo, để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và thực hiện chương trình 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật, pháp lệnh.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, Chính phủ cho biết.
Về tình hình chuẩn bị, nội dung, tiến độ xây dựng của các dự án luật được cơ quan có thẩm quyền giao, Chính phủ báo cáo, Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng chủ trì đề xuất, sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở để thực hiện nghị Trung ương 7 về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức, hoàn thành trong năm 2019. Bộ Xây dựng đã tích cực triển khai nhiệm vụ này.
Theo báo cáo, trong Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định 100/2015 của Chính phủ đã có nhiều quy định về cơ chế chính sách ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội (miễn tiền đất, giảm các loại thuế, hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án, cho vay tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà ở hiện có và đã có quy định trong quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp, các dự án phát triển đô thị, dự án nhà ở thương mại phải dành quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội,…) nhằm hỗ trợ cho 10 nhóm đối tượng chính sách xã hội cải thiện nhà ở, trong đó đã có các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và các quy định, chính sách này đang được triển khai thực hiện, đến nay mới được gần 4 năm.
Hiện nay, đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị đang được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nội dung của đề án này có liên quan chặt chẽ đến nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở. Bên cạnh đó, chính sách nhà ở, đất ở đối với cán bộ, công chức, viên chức không chỉ liên quan đến Luật Nhà ở mà còn liên quan tới các quy định của Luật Đất đai, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Do đó, để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức đồng thời với sửa đổi, bổ sung các nội dung khác sau khi cơ quan có thẩm quyền thông qua đề án về chính sách nhà ở đối với cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Liên quan đến các luật để triển khai thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) Chính phủ cho biết sẽ nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự sau 3 năm khi Hiệp định có hiệu lực (bảo đảm theo đúng cam kết).
Chính phủ đề nghị không sửa là Luật An toàn thực phẩm vì theo quy định tại khoản 4 điều 52 luật này thì thẩm quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp về an toàn thực phẩm đối với các đối tác thương mại đã được quy định trong luật và có đủ cơ sở để thực hiện quyền được quy định tại điều 7.14 Hiệp định.
Nội dung 9 phụ lục 2 nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội cho phép áp dụng trực tiếp quy định Điều 7.14 Hiệp định. Các biện pháp SPS của CPTPP chỉ có phạm vi áp dụng với 11 nước thành viên. Trong khi đó, Luật An toàn thực phẩm áp dụng đối với tất cả các đối tác thương mại thực phẩm với Việt Nam nên nếu bổ sung quy định "biện pháp liên quan đến SPS ban hành trong trường hợp khẩn cấp phải được rà soát lại cơ sở khoa học của biện pháp trong 6 tháng" sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi của Việt Nam về thời hạn cung cấp bằng chứng khoa học.
Bên cạnh đó, điểm 7 điều 5 Hiệp định SPS của WTO mà Việt Nam là thành viên đã quy định: "Các thành viên thu thập thông tin bổ sung cần thiết để có sự đánh giá rủi ro khách quan hơn và rà soát các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật một cách tương ứng trong khoảng thời gian hợp lý". Do đó, nếu sửa đổi Luật An toàn thực phẩm theo hướng giới hạn 6 tháng là khó khăn hơn cho Việt Nam.