Thành phố thông minh với hạ tầng thông minh
Với hơn 4,8 triệu hành khách nhảy lên tàu mỗi ngày, không có gì ngạc nhiên khi một cuộc đình công 24 giờ trên Tàu điện ngầm Luân Đôn có thể gây ra sự hỗn loạn như vậy cho hành khách.
Hầu hết chúng ta có ít tình yêu cho cơ sở hạ tầng thành phố và không biết rằng cuộc sống nơi thành phố sẽ trở nên dễ chịu hơn nhiều nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ. Đặc biệt, khi nhiều quốc gia bắt đầu đầu tư vào thành phố thông minh và các dự án cơ sở hạ tầng thông minh.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Công nghệ người tiêu dùng Mỹ (CTA), sẽ có ít nhất 88 thành phố thông minh được phát triển đầy đủ trên thế giới trong 10 năm tới. Nhưng chính xác thì điều gì sẽ tạo ra một thành phố thông minh? Lưới điện thông minh, tiện ích kết nối và liên kết giao thông công cộng thông minh là một trong những khía cạnh đáng chú ý nhất của một thành phố thông minh. Hơn nữa, bằng cách sử dụng dữ liệu được thu thập từ chính các thành phố, công nghệ có thể thực hiện để làm cho không gian công cộng trở nên hiệu quả hơn, thân thiện với môi trường và quan trọng nhất là làm cho cuộc sống của người dân đơn giản hơn nhiều.
London là một ví dụ điển hình khi đã sử dụng công nghệ thông minh để giúp giải quyết tắc nghẽn giao thông. Cụ thể, thành phố đã sử dụng công nghệ giao thông thông minh để đảm bảo đèn giao thông phản ứng linh hoạt, tự động và có lợi cho giao thông công cộng. Được biết, London cũng đã cam kết đầu tư 4 tỷ bảng Anh vào mạng lưới đường thông minh và 200 triệu bảng Anh sẽ được đầu tư vào mạng lưới xe buýt của thành phố. Sáng kiến giao thông thông minh của London chỉ là một trong hàng trăm dự án thành phố thông minh hiện đang được triển khai trên toàn cầu.
Tuy nhiên, khi số lượng các chương trình thí điểm thành phố thông minh tiếp tục tăng lên thì cần phải xem xét thực tiễn của các sáng kiến này. Trước hết, phát triển một thành phố thực sự thông minh đòi hỏi một khoản đầu tư lớn vào cả công nghệ, thu thập dữ liệu và chi phí xây dựng. Hơn nữa, ở các quốc gia phát triển có cơ sở hạ tầng sẵn có, cần có một kế hoạch và chuẩn bị lâu dài mới có thể thực hiện được.
Ví như Anh là một trong những quốc gia đầu tiên công nghiệp hóa, là nơi có cơ sở hạ tầng dân dụng hơn ba thế kỷ. Cơ sở hạ tầng “già cỗi” của nước Anh đang khiến giao thông công cộng trở nên đông đúc hơn, các con đường đang bị tắc nghẽn hơn bao giờ hết và cơ sở hạ tầng đang gặp khó khăn do nhu cầu gia tăng từ người dân. Với cơ sở hạ tầng rộng lớn như vậy, Chính phủ nước này cũng đã phải vất vả huy động nhiều nguồn lực để giữ cho hệ thống giao thông truyền thống vẫn di chuyển nhung vẫn có thể đầu tư cơ sở hạ tầng mới thông minh hơn.
Thành phố thông minh yêu cầu xây dựng thông minh
Một số chuyên gia cho rằng khái niệm thành phố thông minh đã bị các tập đoàn công nghệ thúc đẩy quá mức. Đương nhiên, các tổ chức công nghệ rất muốn thảo luận về các thành phố thông minh, để phần cứng và phần mềm của họ có thể được sử dụng trong các dự án này. Tuy nhiên, một bộ phận như kiến trúc sư, nhà xây dựng, nhà quy hoạch và kỹ sư dường như không tham gia vào cuộc thảo luận xung quanh các thành phố thông minh - mặc dù đây là những cá nhân cuối cùng sẽ đưa những ý tưởng thành phố thông minh thành hiện thực. Cuối cùng, những ông lớn doanh nghiệp công nghệ từ các lĩnh vực phần cứng và phần mềm đã “chiến đấu” để phân biệt mình là những người dẫn đầu trong công nghệ thành phố thông minh.
Trên thực tế, không thể phủ nhận rằng các doanh nghiệp có công nghệ ấn tượng để cung cấp năng lượng cho một thành phố thông minh song tạo ra các thành phố thông minh là một quá trình phức tạp và lâu dài, và thành công của các thành phố này phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác giữa các chuyên gia công nghệ và những người làm trong lĩnh vực xây dựng.
Ví như một doanh nghiệp công nghệ có thể phát triển công nghệ thông minh để tăng hiệu quả của mạng lưới đường sắt ngầm của thành phố. Tuy nhiên, công nghệ này trở nên vô dụng nếu việc cài đặt gây ra nhiều tháng chậm trễ và gián đoạn cho hệ thống giao thông hiện có. Do đó, bằng cách hợp tác với những người chịu trách nhiệm cài đặt công nghệ và những người có kiến thức về mạng lưới xây dựng, dự án có thể được lên kế hoạch và hoàn thành với tất cả các khía cạnh của kỹ thuật dân dụng và cơ sở hạ tầng hiện có.
Tương tự, điều quan trọng là các nhà xây dựng và nhà thầu phải hiểu các mục tiêu của các nhà quy hoạch và thiết kế thành phố thông minh khi thực hiện bất kỳ dự án nào liên quan đến một sáng kiến thông minh. Không giống như các công việc hợp đồng dự án truyền thống, một dự án thành phố thông minh phải được thiết kế với một bức tranh lớn hơn mang tính kết nối chứ không phải là một nhiệm vụ riêng lẻ. Toàn bộ tiền đề của các thành phố thông minh được xây dựng dựa trên sự kết nối, do đó phương pháp truyền thống quản lý các dự án xây dựng riêng lẻ phải được xem xét lại.
Có thể nói, phát triển thêm 88 thành phố thông minh được kết nối đầy đủ trong 10 năm tới là một tham vọng lớn và chỉ có sự hợp tác giữa các nhà công nghệ, các kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch và xây dựng thì giấc mơ thành phố thông minh mới có thể được thực hiện.