Từ kinh nghiệm của những TP khác trong khu vực Đông Nam Á đang bị quá tải bởi tình trạng dân cư tăng nhanh, Chính phủ Malaysia đã chú trọng tới việc xây dựng một TP xanh, sạch, đẹp hơn để dần thay thế cho thủ đô hiện tại.
Từ năm 1995, Malaysia đã bắt đầu khởi công xây dựng TP Putrajaya tại khu vực đầm lầy hoang hóa ở Sepang, Selangor, theo sáng kiến của Thủ tướng lúc đó là Mahathir Mohammad với mức đầu tư ban đầu 11 tỷ USD. Đến nay, hầu hết các công trình kiến trúc cơ bản của Putrajaya đã hoàn thành. Hàng nghìn quan chức, nhân viên Chính phủ thuộc văn phòng Thủ tướng và nhiều Bộ, ngành Malaysia lần lượt chuyển đến trung tâm hành chính mới để giảm áp lực cho thủ đô Kuala Lumpur.
Nhiệm vụ tạo ra TP mới được trao cho Công ty cổ phần Putrajaya. Dưới bàn tay và khối óc của các kiến trúc sư, từ một khu đất trống đã xuất hiên một TP được thiết kế chuẩn chỉnh với những tòa cao ốc, khu nhà ở kết hợp sân vườn, công viên phủ xanh TP. Kiến trúc của Putrajaya hiện đại song vẫn mang âm hưởng chính của Ả-rập với các mái nhà hình củ tỏi màu hồng và xanh ngọc, bao gồm Giáo đường Putra (Putra Mosque), cầu Putra, quảng trường Độc lập Putrajaya, tượng đài Thiên niên kỷ…
Giữa TP là hồ nhân tạo Putrajaya rộng 650 ha, được ví như trái tim của TP, đóng vai trò điều hòa khí hậu. Nước hồ tinh khiết, đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Bắc qua hồ là cây cầu Putra, nối liền khu hành chính quốc gia với khu dân cư. Cầu Putra dài 435m, có kiến trúc vững chãi, bề thế với những đường cong uốn lượn hai bên thành. Hàng đèn chiếu sáng hai bên cầu và dọc theo các đại lộ chính cũng thể hiện sự sáng tạo tuyệt vời trong thiết kế của các kiến trúc sư.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông công cộng hiện đại giúp việc di chuyển trong TP trở nên thuận tiện hơn và kết nối với các khu trung tâm đông dân của Malaysia. Hiện nay, Công ty cổ phần Putrajaya đang tập trung phát triển các tổ hợp khu dân cư và thương mại nhằm cung cấp những khu cao cấp và không gian mở bao gồm công viên, trường học, khu mua sắm, sân golf… Tất cả mang đến một môi trường sống và làm việc lý tưởng.
TP Putrajaya cũng rất chú trọng xây dựng mảng xanh. Nơi đây như một TP vườn kiểu mẫu, chỉ 25% diện tích dành cho nhà cửa và các công trình xây dựng, 75% diện tích còn lại dành cho hồ nước, công viên, vườn thiên nhiên… Do vậy, Putrajaya còn được gọi là “City in jungle” (TP trong rừng).
Mặt khác, việc các mảng xanh được quy hoạch theo cụm liên kết chạy dọc cùng những con đường thẳng tắp của TP cũng tạo nên nét rất riêng cho Putrajaya. Trong số đó, đóng vai trò quan trọng là khu sinh thái Taman Wetland với tổng diện tích gần 3,35 km2, gồm 12 công viên, 24 đầm lầy, rừng ngập nước… với nhiều loài chim sinh sống. Cách đó không xa là khu rừng quốc gia Taman Botani rộng khoảng 93 ha được thiết kế theo kiến trúc Hy Lạp, hội tụ 700 loài cây có nguồn gốc từ nhiều quốc gia trên thế giới, biến Putrajaya trở thành một TP xanh ấn tượng.
Điều đặc biệt, Putrajaya được xem là Thủ đô điện tử đầu tiên của châu Á. Toàn bộ TP được quản lý và hoạt động bằng tin học. Ở Putrajaya, mọi công trình từ hành chính, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, công viên… đều gắn với từ “thông minh” và được quản lý bằng công nghệ tiên tiến nhất.
Mỗi cư dân của TP được cấp một chiếc thẻ từ ghi rõ mọi thông tin cá nhân, nhóm máu, thông tin công việc, tài chính, thanh toán... Thẻ từ được sử dụng thay chìa khóa cho mọi cánh cửa, khi đi siêu thị, đến rạp hát, các câu lạc bộ, thậm chí thay giấy thông hành đến các nước như Thái Lan, Singapo. Trẻ con ở Putrajaya đi học không phải đeo cặp sách trĩu nặng mà chủ yếu học trên máy vi tính, làm bài, trả bài, các thông tin liên lạc giữa nhà trường và phụ huynh đều thông qua mạng máy tính rất nhanh chóng và kịp thời.
Có thể nói, Malaysia đã xây dựng thành công một TP mới mang nhiều nét hiện đại nhưng không tách rời truyền thống cũng như đáp ứng xu hướng mới của đô thị xanh. Đây không chỉ là một điểm đến thú vị, mà còn là một bài học quý báu về kiến thiết TP kết hợp với gìn giữ môi trường.