Aa

Xây dựng thành phố thông minh: Vì chất lượng cuộc sống

Thứ Tư, 07/11/2018 - 09:30

Xây dựng thành phố thông minh (smart city) đang là mục tiêu được các đô thị ở nước ta hướng tới, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thủ đô Hà Nội đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng để trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, thông minh, có bản sắc, một đô thị phát triển năng động, hiệu quả. Lợi thế, tiềm năng nhiều, nhưng cũng không ít thách thức đang đặt ra đối với Hà Nội.

Nhân viên hướng dẫn lái xe sử dụng phần mềm gửi xe iParking. Ảnh: VŨ HOÀNG

Nhân viên hướng dẫn lái xe sử dụng phần mềm gửi xe iParking. Ảnh: VŨ HOÀNG

Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 21, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng thành phố thông minh. Trong năm nay lãnh đạo thành phố có nhiều động thái mạnh mẽ để thúc đẩy nhanh tiến trình này. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, thành phố tập trung ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong các lĩnh vực: chính quyền điện tử, giao thông, giáo dục, y tế và môi trường và đạt được kết quả bước đầu.

Bắt đầu từ giao thông thông minh

Trong lộ trình xây dựng thành phố thông minh, lĩnh vực giao thông được Hà Nội ưu tiên xây dựng đầu tiên. Ngày 1-5-2017, thành phố triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô-tô qua điện thoại di động (iParking) trên hai tuyến phố Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) với 17 điểm đỗ, sức chứa 248 xe. Với giao diện thân thiện, tích hợp nhiều tính năng tiện ích trên hệ thống điện thoại thông minh dành cho khách hàng có nhu cầu gửi xe, sau hơn một tháng triển khai thí điểm, đã có hơn 56 nghìn giao dịch tìm kiếm, thực hiện ứng dụng.

Tất cả các giao dịch thanh toán dịch vụ này thực hiện qua tin nhắn hoặc qua thẻ ngân hàng, điều này mang đến sự minh bạch và thuận tiện cho cơ quan quản lý, cũng như người tiêu dùng, khắc phục tình trạng “chặt chém” phí trông giữ xe như từng xảy ra trước đây. Anh Nguyễn Văn Dũng, nhà ở đường Láng Hạ, quận Đống Đa nhận xét: Tôi nhiều lần sử dụng dịch vụ iParking trên hai tuyến phố này và thấy dịch vụ rất văn minh. Dịch vụ giúp người dân rút ngắn thời gian tìm chỗ đỗ xe, tạo ra sự minh bạch trong hoạt động trông giữ xe. Thành phố nên triển khai rộng rãi tại các điểm trông giữ ô-tô khác trên địa bàn.

Với những tiện ích từ ứng dụng iParking mang lại, mới đây Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất với UBND thành phố cho tiếp tục mở rộng dịch vụ tại 161 điểm trông giữ và chín tuyến trên địa bàn bốn quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Thành phố xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông đô thị với 500 ca-mê-ra trên các tuyến giao thông trọng điểm để giám sát xử phạt các vi phạm, hệ thống đèn kết nối tại 179 nút. Đồng thời, triển khai ứng dụng quản lý hành trình hơn 100 tuyến xe buýt với 1.600 xe tạo điều kiện cho các công ty xe buýt quản lý, điều hành tốt mạng lưới xe, cung cấp thông tin chính xác cho người dân về hành trình của từng tuyến xe.

Trong năm 2017 và 2018, thành phố Hà Nội tập trung triển khai xây dựng Trung tâm Giám sát, điều hành tập trung, bao gồm các chức năng: Điều hành giao thông; phân tích dữ liệu kinh tế xã hội phục vụ quản lý, điều hành của thành phố; giám sát bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; hỗ trợ khắc phục sự cố, hỗ trợ kỹ thuật công nghệ thông tin; Tiếp nhận phản ánh và cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp; Tích hợp, điều hành các tổng đài 113, 114, 115 xử lý sự cố khẩn cấp; kết nối hệ thống ca-mê-ra giám sát an toàn, an ninh…Trong tương lai không xa, khi hệ thống giao thông thông minh được xây dựng hoàn thiện, người dân chỉ cần thông qua ứng dụng di động sẽ được cung cấp về tình trạng giao thông, sự cố, ùn tắc đường, các tuyến đường tránh...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Sau nhiều nỗ lực, thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân và khai thác hiệu quả để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và công tác quản lý. Thành phố từng bước khai thác cơ sở dữ liệu dân cư, cung cấp dịch vụ công trực tuyến ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực hướng tới xây dựng thành phố thông minh.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Ngô Anh Tuấn cho biết: 2017 được Hà Nội xác định là năm đột phá căn bản về công nghệ thông tin, bảo đảm triển khai ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng đồng bộ, sử dụng thống nhất trên một hệ thống. Đến nay, thành phố triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến cung cấp các dịch vụ công mức độ 3 các lĩnh vực: Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông trên một nền tảng thống nhất tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ hồ sơ giao dịch qua mạng đạt của một số dịch vụ công đạt kết quả cao: lĩnh vực tư pháp khối xã, phường, quận, huyện đạt hơn 90%, đăng ký kinh doanh đạt hơn 70%, thuế đạt 97%. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2018, các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đạt hơn 80%.

Trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội hoàn thành cơ bản việc xây dựng chính quyền điện tử. Giao dịch với người dân và giao dịch trong cơ quan chính quyền đều thực hiện trên môi trường mạng, tạo thuận lợi cho mọi đối tượng. Đồng thời đặt ra mục tiêu sẽ có chính quyền điện tử tốt nhất trên cả nước và xếp thứ hạng cao trong khu vực Đông - Nam Á. Đây là những tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành thành phố thông minh sau năm 2020.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top