Trước tiên cần thống nhất, bể cá được đề cập đến trong bài viết này là loại bể xây chìm dưới đất, chứ không phải loại bể cá bằng thủy tinh đặt trong nhà. Bởi bể cá bằng thủy tinh thì thường chỉ có hình chữ nhật, hình vuông hoặc cùng lắm là những chiếc bình nhỏ hình tròn, vì đây là những dạng hình học dễ tạo hình khi sử dụng chất liệu thủy tinh.
Bể cá có tác dụng về phong thủy
Việc xây bể cá trước nhà có nhiều cái lợi. Trước tiên là tạo tiểu cảnh cho khuôn viên, tạo không gian thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên.
Ở nông thôn phía Bắc, cấu trúc mô hình khuôn viên truyền thống thường là nhà + sân + vườn + ao. Theo phong thủy truyền thống, mảnh đất đẹp là có thế tọa sơn hướng thủy, nghĩa là trước nhà có ao hồ, mặt nước, sau lưng tựa vào khu đất cao hay có thể là các tòa nhà cao cũng được coi là sơn…
Tuy nhiên, ở thành phố đất chật người đông, ít người có đủ diện tích để xây dựng khuôn viên như trên thì việc tạo không gian mặt nước, dù nhỏ, trước nhà cũng là một hình thức rút gọn của mô hình truyền thống. Theo các kiến trúc sư, bể cá trước nhà sẽ tạo vẻ đẹp, tính thẩm mỹ và điểm nhấn cho ngôi nhà.
Về tâm sinh lý, bể cá trước nhà sẽ giúp con người có được sự thư thái vào mỗi buổi sáng trước khi bắt đầu một ngày làm việc mới và nhất là vào buổi chiều kết thúc một ngày làm việc. Tiền nhân đã dạy: Chơi cá dưỡng tâm, chơi cây dưỡng chí.
Sau một ngày làm việc, được ngắm nhìn đàn cá bơi lội tung tăng trong làn nước mát lành sẽ nhanh chóng làm tiêu tan những áp lực căng thẳng trong công việc và cuộc sống, giúp con người lấy lại sự cân bằng và năng lượng sống. Khi có được sự thư thái, đầu óc sẽ trở nên minh mẫn, dễ nảy sinh những ý tưởng mới hay có những quyết định sáng suốt…
Đặc biệt, bể cá trước nhà sẽ rất có lợi về phong thủy. Khoa học phong thủy dựa trên hai yếu tố cơ bản là gió (phong) và nước (thủy). Gió là yếu tố tự nhiên, nước trong hoàn cảnh cụ thể nếu tự nhiên chưa có thì có thể chủ động tạo môi trường nước (nhân tạo) để có một không gian phong thủy hoàn chỉnh. Theo các nhà phong thủy, nước là đại diện cho tiền tài, vì vậy, xây bể cá là một cách để mang lại tài lộc cho gia chủ.
Hơn nữa, bản chất của phong thủy là Khí. Trong khi đó, theo nguyên lý của phong thủy, Khí gặp gió thì tán, gặp nước thì dừng. Vì vậy, nếu chỉ có phong (gió) thì Khí đến rồi lại đi mất. Nhưng nếu có môi trường thủy (nước) thì Khí sẽ “dừng”, sẽ tụ lại tạo thành sinh khí với nguồn năng lượng dồi dào tác động đến những người trong nhà, mang may mắn và tài lộc cho gia chủ. Chính vì vậy, phong thủy gọi các hồ ao hợp cách trong một khuôn viên là điểm tụ thủy, đồng thời là điểm tụ tài.
Mặt khác, trong phong thủy, môi trường nước còn có tác dụng làm Khí lưu chuyển chậm lại (để tụ) nên sẽ giảm bớt sự xung sát nếu luồng Khí quá mạnh. Đồng thời và do đó, suy cho cùng nó còn có tác dụng hấp thụ và triệt tiêu sát khí, tránh những điều bất lợi cho gia chủ.
Như vậy, môi trường nước nói chung và bể cá nói riêng ảnh hưởng rất lớn đến tính chất phong thủy một khuôn viên, một ngôi nhà. Nhưng sự ảnh hưởng này là tốt hay xấu còn tùy thuộc vào vị trí và hình dạng của bể cá, nếu không sẽ lợi bất cập hại.
Bể cá nên xây hình gì để hợp phong thủy?
Không nên xây bể cá hình vuông hay chữ nhật
Theo các nhà phong thủy, bể cá trước nhà nên tránh xây hình vuông hay hình chữ nhật, vì các hình này có các cạnh thẳng làm cho dòng nước lưu chuyển không hiền hòa, khi đến góc nhọn sẽ có sự va đập mạnh tạo sự xung sát, gây ra sát khí, bất lợi cho gia chủ.
Nếu vì lý do nào đó phải làm hình vuông hay hình chữ nhật, cần chú ý tránh để các góc hướng vào cổng hay cửa nhà; vì các vật nhọn và góc nhọn được coi như mũi tên, nếu chĩa vào nhà sẽ tạo xung sát lớn. Từ xưa các cụ đã dạy làm nhà phải kiêng “góc ao, đao đình” chính là xuất phát từ lý do này. Mặt khác, hình vuông mang hành Thổ, như vậy sẽ khắc nước trong hồ có hành Thủy, tạo sự xung sát cũng không tốt.
Vậy có nên xây bể cá hình tròn?
Về đại thể, hình tròn sẽ tốt hơn hình vuông, vì hình tròn mềm mại, có tính thẩm mỹ hơn, lại không tạo góc nhọn nên không sợ tạo sát khí; hơn nữa, hình tròn còn được coi là biểu tượng của sự tròn đầy, viên mãn. Tuy nhiên, quy luật của cả tự nhiên và xã hội là sự vật phát triển đến cùng cực thì sẽ bắt đầu bước vào suy thoái. Đầy rồi sẽ vơi, trăng tròn rồi sẽ khuyết. Vì vậy, hình tròn là biểu tượng của sự vật phát triển đã đến mức cùng cực và bắt đầu suy thoái, đi xuống.
Một quẻ Dịch có 6 hào xếp từ dưới lên trên từ hào 1 đến hào 6 để diễn tả sự phát triển của sự vật, đời người… từ thấp lên cao. Theo nguyên lý đó, hào 6 trên cùng là sự vật phát triển ở mức cao nhất. Tuy nhiên, Kinh Dịch lại không cho hào 6 là hào tốt, vì sự vật phát triển đến cùng cực tất sẽ biến đổi, thịnh rồi sẽ chuyển sang suy. Trái lại, Kinh Dịch coi hào 5 mới là hào có vị trí tốt nhất trong quẻ, vì sự vật phát triển đến đây đã có độ chín, nhưng lại vẫn còn có thể tiếp tục phát triển, đạt được thành quả cao hơn, nên đó là sự phát triển bền vững.
Vì vậy, hình tròn có thể tốt hơn hình vuông nhưng cũng không nên chọn hình dạng này. Như thế thì nên xây bể cá hình gì?
Bể cá nên xây hình bán nguyệt hoặc ô van
Theo phong thủy, hình bán nguyệt hoặc ô van là hình dạng thích hợp để xây hồ trước nhà, đình, chùa… nói chung hay bể cá nói riêng. Những hình dạng này vừa có sự mềm mại, có tính thẩm mỹ, vẻ đẹp riêng, vừa chưa phải là sự tròn đầy viên mãn, nên vẫn có thể tiếp tục phát triển, hay nói cách khác là vẫn còn dư địa phát triển.
Đặc biệt, theo các chuyên gia phong thủy, đây là những hình dạng chủ về sự phú quý, vì vậy sẽ đem đến tài lộc, phúc đức cho gia chủ, con cháu đầy nhà và quan vận hanh thông. Trong hai dạng đó thì hình bán nguyệt tốt hơn, chính vì vậy mà người xưa thường xây hồ hình bán nguyệt.
Tuy nhiên, đối với bể cá, không nhất thiết và không nên xây theo hình bán nguyệt hay hình ô van nguyên thủy như trong hình học, mà nên có sự biến cách, tạo dáng để hồ có hình dạng mềm mại và có tính thẩm mỹ cao.
Cụ thể, đối với hình bán nguyệt, không nhất thiết cứ phải là một cạnh thẳng và một cạnh cung tròn, mà các cạnh này có thể biến tấu uốn lượn dạng sóng để tạo tính thẩm mỹ; đối với hình ô van cũng thế, các đường tròn nên có sự biến tấu, miễn là cuối cùng nhìn tổng thể hồ có hình bán nguyệt hoặc ô van là được.
Các bờ hồ uốn lượn dạng sóng ngoài việc tạo dáng thẩm mỹ thì điều quan trong hơn trong phong thủy là hình dạng sóng này sẽ làm cho Khí lưu chuyển mềm mại hơn, không tạo sự xung sát.
Một sự biến tấu của hồ hình bán nguyệt là có dạng hạt đậu hay quả thận, có đường cong hướng ra bên ngoài. Khi đó ngôi nhà như được bao bọc, che chở, tránh được những hiểm họa từ bên ngoài. Còn sự biến tấu khác của hình ô van là xây bể cá hình nghiên mực, với quan niệm con cháu sẽ học giỏi, thi cử đỗ đạt, vinh hiển.
Ở đây cũng cần lưu ý một điều rất quan trọng, hồ hình bán nguyệt nhìn tựa một cây cung, có cạnh thẳng là dây cung và cung tròn là cánh cung. Khi xây hồ phải chú ý hướng cánh cung, đồng nghĩa với hướng mũi tên ra bên ngoài, tuyệt đối không hướng cánh cung vào phía trong nhà, vì như thế là vô tình bắn mũi tên vào nhà tạo sát khí rất bất lợi.
Hơn nữa, hình bán nguyệt là mô hình rút gọn của một khúc sông cong, có bên bồi là đường thẳng của dây cung và bên lở là cánh cung tròn. Vì vậy, nếu đặt cạnh thẳng, tức bên bồi về phía nhà (bên trong) sẽ có tác dụng tụ Khí, tụ tài và gia chủ được hưởng sinh khí; ngược lại, hướng cánh cung vào trong, tức bên lở, sẽ làm tán khí, gia chủ không những sa sút mà còn tạo ra sát khí ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể cả tính mệnh.
Một điểm nữa cũng cần lưu ý là nên đặt bể cá về phía bên trái ngôi nhà theo hướng từ trong nhìn ra hoặc ở phía trước nhà hơi chếch trái, mà không nên đặt bên phải. Theo phong thủy, địa thế một ngôi nhà được xác định là tả Thanh long, hữu Bạch hổ, tiền Chu tước, hậu Huyền vũ gọi là Tứ tượng.
Nghĩa là bên trái có Thanh long (Rồng xanh), bên phải có Bạch hổ (Hổ trắng), phía sau có Huyền vũ (hay còn gọi Hắc quy - Rùa đen) và phía trước là Chu tước (chim sẻ đỏ). Nếu đặt hồ cá về bên trái, tức phía Thanh long, thì rồng sẽ có nước để vùng vẫy; ngược lại nếu đặt về bên phải, tức phía Bạch hổ, thì hổ vốn quen sống trên núi cao gặp nước sẽ chết chìm hoặc chí ít cũng không có đất dụng võ. Nếu vì lý do nào đó buộc phải xây hồ về bên phải, thì nên hóa giải bằng cách đặt thêm trên bờ các tảng đá làm giả sơn (núi giả) để Bạch hổ có núi để ở, không bị chết chìm dưới nước./.