Trong hội nghị phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ tại do Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) tổ chức ngày 27/2, nhiều doanh nghiệp, lãnh đạo thành phố... nêu lên những vướng mắc, tồn đọng cần tháo gỡ trong công tác xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).
Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, NƠXH được TP. HCM thừa nhận về các cản trở trong việc triển khai xây dựng NƠXH: “Sở Xây dựng phải là đầu mối một cửa giải quyết các thủ tục cho nhà ở xã hội. Vướng gì Sở Xây dựng phải giải quyết chứ doanh nghiệp không cầm hồ sơ chạy lòng vòng qua các sở, ngành khác”.
Cũng tại hội thảo, ông Khoa cho biết, hiện tại đã có ba doanh nghiệp xin làm NƠXH không cần lợi nhuận. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM muốn các doanh nghiệp tiết giảm tối đa về mặt chi phí, hạ giá thành căn hộ.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết về sự hỗ trợ của các lãnh đạo: “Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã tìm được công ty bán xi măng rẻ hơn thị trường. Tôi cũng đang liên hệ với một công ty thép để đàm phán hạ giá bán thép để xây nhà ở xã hội”.
Đứng ở góc độ các doanh nghiệp đã và đang đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ trên địa bàn thành phố, nhiều đại diện cho rằng thủ tục đầu tư quá nhiêu khê đã "bóp nghẹt" cơ hội đầu tư của họ. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, để có được một giấy phép đầu tư dự án nhà ở xã hội tại huyện Bình Chánh, nhà đầu tư phải mất ít nhất từ 2 hoặc thậm chí dài đến 7 năm.
Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT công ty Hoàng Quân, than thở: “Chúng tôi đã làm đủ mọi cách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục cần thiết, nhưng phải trải qua rất nhiều cấp, nhiều ngành nên dự án nhiều khi đi vào lãng quên". Ông Tuấn lấy ví dụ từ dự án An Phú Tây vướng thủ tục, vòng vo mãi chưa xong. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM Trần Trọng Tuấn yêu cầu ông Trương Anh Tuấn nói rõ “vướng là vướng cái gì? Riêng dự án này tôi biết, tôi đã làm việc. Vướng ở đây là vướng quy hoạch, sau 1 năm chưa giải phóng xong mặt bằng, không thể nói là vướng thủ tục”.
Tương tự, Công ty Thiên Phát cũng làm 2.500 chỗ ở cho công nhân thuê ở Khu công nghiệp Linh Trung II. Mỗi căn hộ ở đây rộng 35m2 và cho công nhân thuê 1,9 triệu đồng/tháng với đầy đủ tiện ích.
Tuy nhiên, Thiên Phát cũng có một dự án đã xin giấy phép làm nhà ở xã hội tới 7 năm nhưng vẫn chưa xong. Một dự án khác của Thiên Phát hợp tác với Thanh niên xung phong TP. HCM ở quận 12 cũng chưa thể động thổ do vướng thủ tục. “Cơ chế, thủ tục cấp phép của TP. HCM quá chậm. Trong khi đó, chúng tôi mới xin làm dự án 30ha ở Thuận An vài tháng đã được tỉnh Bình Dương hỗ trợ mọi thứ và chuẩn bị khởi công”, đại diện Thiên Phát nói.
Cùng chung ý kiến trên, ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc công ty Lê Thành cho biết thêm, đơn vị ông chuyên đầu tư nhà ở giá rẻ cho thuê bởi nhu cầu này vô cùng lớn. Tuy nhiên, để thực hiện được một dự án như vậy có khi cũng mất đến hơn 5 năm, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp không còn.
Cũng theo ông Nghĩa, việc xây dựng NƠXH vẫn còn nhiều cản trở về thủ tục hành chính, NƠXH không có một tiêu chuẩn và quy trình riêng mà áp dụng chung với nhà ở thương mại, mà những quy trình đó kéo dài từ 2 đến 3 năm, khi kéo dài như thế sẽ làm chi phí càng gia tăng. Và một vướng khác là việc tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt nếu làm NƠXH cho thuê thì rất cần sự hỗ trợ từ ngân hàng, vì nếu bỏ ra 500 tỷ mà cho thuê thì không ai đáp ứng được điều đó.
Trả lời về vấn đề này, Bí thư thành ủy Đinh La Thăng nhấn mạnh, Thành phố phải đồng hành cùng doanh nghiệp, mời các doanh nghiệp ngồi lại với nhau để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư dự án nhà ở xã hội. Tiến tới TP. HCM phải hình thành nên nhiều khu đô thị nhà ở xã hội hiện đại, nhưng muốn làm được điều này cải cách thủ tục đầu tư phải đi trước một bước.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triền dự án, đại diện Công ty Đại Quang Minh - chủ đầu tư dự án khu đô thị Sala (Quận 2) - cho biết: Dù mới tham gia thị trường BĐS với một dự án đầu tiên, còn chưa xong sản phẩm nhưng kinh nghiệm cho thấy thành phố nên giao theo gói nhà ở xã hội, minh bạch trong đấu giá đất, quy định rõ đối với quản lý cụm dân cư thuộc diện thu nhập thấp, giao cho các doanh nghiệp làm thí điểm và biến nó thành thị trường kinh doanh thực sự. Trong 3 năm, có thể hình thành thị trường ở mảng phân khúc này. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết để tránh tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối hạ tầng thì doanh nghiệp phải mua thêm quỹ đất để xây dựng hạ tầng thay vì chỉ gói gọn đất để xây nhà trong dự án.
Trong khi các nhà đầu tư còn tranh luận nhiều vấn đề về nhà ở xã hội, ông Lê Khắc Hiệp - Phó tổng giám đốc Tập đoàn VinGroup cho biết, VinGroup đang lên kế hoạch xây dựng nhà giá rẻ tại một số quận của TP. HCM như quận 9 và quận 7, giá bán từ 600 triệu đồng/căn đến trên 1 tỷ đồng tùy diện tích và vị trí. Để có mức giá rẻ nhưng đầy đủ tiện ích nội khu, dự kiến mức giá quản lý tối đa khoảng 20.000 đồng/m2. Tuy nhiên, ông Hiệp cho biết mức phí cụ thể sẽ còn thấp hơn rất nhiều.