Aa

Xây "siêu" đô thị rộng gấp 22 lần Thủ Thiêm trong 4 năm: Kế hoạch không tưởng của "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển?!

Thứ Hai, 06/03/2017 - 06:31

Sau gần 1 thập kỷ triển khai xây dựng, đến nay Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) với 657ha tại TP. HCM mới đang dần dần thành hình. Tuy nhiên, mới đây, "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển lại bất ngờ tuyên bố, sẽ xây dựng siêu đô thị Thành phố Mới tại huyện Củ Chi rộng gấp 22 lần KĐTMTT chỉ trong vòng 4 năm. Đây liệu có phải là một tuyên bố “điên rồ” nữa của ông hay đơn giản chỉ là trò “cắm cọc” giữ đất vàng?

Những ngày cuối tháng 2 vừa qua, giới đầu tư BĐS bàn tán xôn xao về việc "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tuần Châu, xin xây một siêu đô thị Thành phố Mới (New City) tại huyện Củ Chi (TP. HCM), với diện tích khoảng 15.000 ha, rộng gấp 22 lần KĐTMTT hiện tại.

Được biết theo lời vị "chúa đảo", với quy mô này, khi dự án hoàn thiện, nơi đây sẽ hình thành trung tâm đô thị mới của thành phố, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đặc biệt, trong Thành phố Mới, sẽ hình thành nên các khu NƠXH, thương mại giá rẻ, tạo được công ăn việc làm cũng như có đầy đủ dịch vụ và tiện ích phục vụ cư dân.

Đáng chú ý, trong một văn bản gửi đến Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM vào hồi đầu tháng 2/2017, Tập đoàn Tuần Châu cho biết, đơn vị này đang thực hiện một loạt dự án như Sài Gòn Marina tại Cần Giờ; Sài Gòn New City và hồ điều hòa nước tại Củ Chi; Đại lộ ven sông Sài Gòn; di dời “chợ tử thần” Kim Biên... ước tính số dự án này có tổng giá trị đầu tư lên đến 65.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có của doanh nghiệp là 50%. Ngoài ra, đồng hành với chủ đầu tư sẽ có các tập đoàn, công ty, tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Để thực hiện các "siêu dự án" trên, ông Tuyển khẳng định đến nay đơn vị này đã hợp nhất thiết bị thi công và nhân lực của 8 công ty hàng đầu về xây dựng giao thông đủ năng lực đáp ứng tiến độ dự án dưới sự chỉ đạo, điều hành và cung cấp tài chính của Tập Đoàn Tuần Châu.

"Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn 20.000 tỷ VNĐ tiền mặt đủ để phát triển dự án theo từng giai đoạn; 1,5 triệu tấn xi măng và 1 triệu tấn thép...", ông Đào Hồng Tuyển khẳng định.

Chúa đảo Tuần Châu ông Đào Hồng Tuyển.

"Chúa đảo" Tuần Châu ông Đào Hồng Tuyển.

Theo "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển, nếu được chấp thuận, Tập đoàn Tuần Châu cam kết, thời gian hoàn thành dự án là 4 năm kể từ khi hoàn tất thủ tục pháp lý và mặt bằng sạch được bàn giao.

Cụ thể, 18 tháng sẽ cơ bản hoàn tất việc san lấp tạo mặt bằng và mở cửa giai đoạn 1 đối với dự án Sài Gòn Marina; cơ bản xong phần thô đường ven sông từ Củ Chi về cầu Phạm Văn Đồng; hoàn thành một số đoạn khoảng 40% cầu cạn; san lấp và đào xong phần thô của hồ điều hòa nước, san lấp và đầu tư các đường xương cá cho khu đô thị thông minh nối Đại lộ ven sông Sài Gòn – dự án Sài Gòn New City.

Riêng dự án Sài Gòn New City và hồ điều hòa nước tại Củ Chi, có diện tích gấp 15 lần dự án Phú Mỹ Hưng và Thủ Thiêm cộng lại. "Chúa đảo" Tuần Châu cho rằng, dự án này hình thành trên ý tưởng từ 70% nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu của mô hình đô thị thông minh trên thế giới như Mỹ, Tây Ban Nha, Singapore, Nhật Bản...; 30% áp dụng những thành công từ mô hình đô thị thông minh Bắc Ninh.

Thêm một tuyên bố "điên rồ" hay chỉ là trò "cắm cọc" giữ "đất vàng"?

Có thể thấy việc ông Đào Hồng Tuyển quyết định chuyển hướng đầu tư vào phía Nam đã khiến nhiều người bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi ông xin đầu tư vào một huyện ngoại thành của TP. HCM, nơi cơ sở hạ tầng vẫn còn đang thiếu và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng ngập lụt do triều cường lên. Hơn nữa, dự án của ông không đơn thuần là một khu đô thị bình thường mà là một "siêu đô thị" rộng gấp 22 lần KĐTMTT. Chính vì vậy, trong khi nhiều người thán phục ý tưởng táo bạo của ông, thì cũng không ít người tỏ ra ngờ vực "siêu dự án" có diện tích lớn chưa từng có tại Việt Nam.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại Hà Nội, dự án Tuần Châu với diện tích chỉ chưa đầy 200 ha mà vị "chúa đảo" còn mất đến 9 năm vẫn chưa thể xây xong, thì liệu siêu dự án 15.000 ha của ông tại TP. HCM nếu được chấp nhận thì không biết phải mất bao nhiêu năm mới hoàn thiện. 

Phối cảnh tổng thể dự án siêu thành phố ở Củ Chi, TP. HCM do Chúa đảo Đào Hồng Tuyển đề xuất xây dựng.

Phối cảnh tổng thể dự án siêu thành phố ở Củ Chi, TP. HCM do Chúa đảo Đào Hồng Tuyển đề xuất xây dựng.

Không đâu xa, ngay KĐTMTT cũng vậy, sau gần 1 thập kỷ triển khai, đến nay mới dần dần hình thành, hệ thống hạ tầng được đầu tư xây dựng, một số dự án BĐS mới đang rục rịch được triển khai do thiếu vốn.

Cũng do việc thiếu vốn này, TP. HCM đã có một loạt kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ xin phép được lựa chọn nhà đầu tư thay cho việc đấu thầu. Và đến thời điểm hiện nay, đã có 3 dự án quy mô lớn được thành phố chỉ định đầu tư vào KĐTMTT. Chính vì vậy mà việc ông Đào Hồng Tuyển lại tuyên bố sẽ xây xong siêu đô thị Thành phố Mới ở Củ Chi rộng gấp 22 lần KĐTMTT chỉ trong vòng 4 năm được nhiều chuyên gia nhận định là điều không tưởng.

Theo một số chuyên gia, dù cho ông Tuyển có chuẩn bị sẵn nguồn vốn đủ tới 65.000 tỷ đồng tiền mặt thì việc xây dựng một siêu đô thị như ông đề xuất ít nhất cũng phải mất trên 10 năm mới có thể hoàn thành. Đằng này, ông mới có 1/3 số vốn cần thiết, còn lại phụ thuộc vào việc kêu gọi các doanh nghiệp khác vào cuộc. Như vậy, có thể thấy, "siêu đô thị" khó có thể "về đích" đúng hẹn như lời tuyên bố của "chúa đảo" Tuần Châu.

Bởi, không phải cứ được giao đất là có thể phăng phăng xây dựng ngay mà còn phải khảo sát địa chất, nghiên cứu thủy văn, thủy triều, trị thủy, lập phương án đầu tư, thiết kế khu đô thị... những công việc như vậy có triển khai nhanh cũng mất hơn 2 năm.

Ngọn hải đăng được cho là cao nhất

Ngọn hải đăng được tập đoàn Tuần Châu cho là có một không hai ở Việt Nam. 

Đó là chưa kể ông Tuyển nói sẽ xây dựng dự án này trên ý tưởng từ 70% nghiên cứu và ứng dụng những thành tựu của mô hình đô thị thông minh trên thế giới, như Mỹ, Tây Ban Nha, Singapore, Nhật Bản... và 30% áp dụng những thành công từ mô hình đô thị thông minh Bắc Ninh. Như vậy, nếu không được nghiên cứu bài bản và có một bản phối phù hợp, "siêu thành phố" ông Tuyển định xây dựng sẽ trở thành một mớ tạp nham, hỗn loạn, rất khó hoàn thành sớm.

“Từ thời Pháp thuộc các nhà quy hoạch đô thị đã tránh phát triển thành phố Sài Gòn về hướng Nam, Đông Nam mà chọn hướng Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc ở khu vực Củ Chi để làm hướng phát triển chính. Việc chọn các hướng trên sẽ giúp hạn chế phải đầu tư hạ tầng, tránh được nhiều rủi ro, như sạt lở, lún đất và nhất là ngập lụt. Vì thế, việc đầu tư vào Củ Chi của 'chúa đảo' Đào Hồng Tuyển ngoài tham vọng tạo lập một thành phố mới cho TP. HCM còn có thể chỉ là trò “cắm cọc” giữ “đất vàng”, trước cảnh TP. HCM mỗi ngày đang càng chật chội”, một chuyên gia cho biết.

Tuy nhiên, từng được giới BĐS biết đến là người có những ý tưởng "điên rồ", cũng có thể "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển sẽ một lần nữa làm sáng tên tuổi cá nhân và doanh nghiệp của mình bằng "siêu" đô thị Thành phố Mới ở Củ Chi, như thời gian năm 1997. Khi ông từng bán toàn bộ tài sản và "ôm" hàng triệu USD "Bắc tiến”, lấy đất lấp biển, xây dựng con đường độc đạo dài hơn 2km dẫn từ đất liền ra đảo Tuần Châu đổi lại sẽ được khai thác 98ha đất trên đảo.

Sau gần 3 năm kiên trì, tháng 2/1999 con đường ra đảo chính thức hoàn thành. Tiếp đến, ông Tuyển cho xây dựng 110 km đường quanh đảo, 55 công trình giải trí và biệt thự, bến du thuyền lớn nhất thế giới, đưa diện tích khai thác trên đảo từ 98 ha lên gần 700 ha.

Từ một vùng đất hoang sơ, không mấy ai để ý, từ một làng chài nghèo nhất Việt Nam lúc bấy giờ, đến nay, hòn đảo này thành khu du lịch quốc tế đẳng cấp không chỉ ở Việt Nam mà còn trên tầm quốc tế. Đó cũng chính là lý do vì sao ông Đào Hồng Tuyển được người dân mến tặng biệt danh "chúa đảo", và cũng có thể trở thành căn cứ khiến nhiều người thêm tin tưởng vào "siêu" dự án 4 năm của ông. 

Tập đoàn Tuần Châu cũng đang triển khai dự án Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Tây (Xã Sài Sơn, Huyện Quốc Oai). Dự án đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 24/5/2007. Sau nhiều lần điều chỉnh, dự án có tổng diện tích 198ha, vốn đầu tư hơn 5 nghìn tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án bao gồm sân golf (93 ha); vui chơi giải trí (22 ha); trung tâm thương mại quốc tế; khu biệt thự (54 ha); còn lại là khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế và chung cư cao cấp.

Ngày 25/2/2008, lễ khởi công dự án diễn ra rầm rộ với mục tiêu sẽ hoạt động vào cuối năm 2010 để cùng cả nước nhiệt liệt chào mừng sự kiện Thăng Long Hà Nội 1.000 năm tuổi. Những tưởng dự án sẽ nhanh chóng hoàn thiện giúp hàng nghìn người dân Sài Sơn có công ăn việc làm tuy nhiên sau lễ khởi công hoành tráng, dự án này bỗng “ngủ quên” suốt 8 năm trời.

Đầu năm 2016, dự án chính thức bắt đầu được khởi công lại và dự tính sẽ hoàn thành sau 6 tháng nhưng dù được được ưu tiên triển khai trước nhưng khu vực vui chơi giải trí của dự án vẫn chưa thể được đưa vào sử dụng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top