Đây cũng là lời cảnh báo cho xi măng Việt Nam trong bối cảnh xi măng cung vượt cầu.
Trông người, ngẫm ta
Hiện nay, sản lượng xi măng Việt Nam đang đứng thứ 8 trên thế giới và nếu phát triển theo đúng lộ trình đã quy hoạch thì vị trí thứ 5 sẽ vào khoảng năm 2020.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ông Nguyễn Quang Cung: Trong quý I/2018 sản xuất và tiêu thụ xi măng Việt Nam đạt 118% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là lần đầu tiên mức tăng trưởng của ngành sản xuất xi măng Việt Nam đạt đến 18%, một con số chưa từng có (từ trước đến nay thường dao động trên dưới 10%). Bên cạnh đó, xuất khẩu xi măng của Việt Nam trong quý I/2018 cũng tăng 68% so cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân của mức tăng trưởng mạnh này do những cải thiện trong chính sách của Chính phủ. Từ cuối năm 2017 đã quyết định đưa thuế xuất khẩu xi măng về 0% và cho phép hoàn thuế giá trị gia tăng.
Cùng với đó là sự thay đổi chính sách của Chính phủ Trung Quốc. Theo đó, hàng loạt nhà máy xi măng của nước này phải đóng cửa từ ngày 15/11/2017 đến 15/3/2018 vì ô nhiễm môi trường và hao tổn điện năng. Điều này khiến Trung Quốc đang từ một nước xuất khẩu clinker số 1 thế giới năm 2016, đã trở thành nước nhập khẩu từ cuối năm 2017. Mà nguồn clinker nước này nhập khẩu chính là từ Việt Nam, mỗi tháng khoảng hơn 1,5 triệu tấn. Do đó năm 2017, xuất khẩu clinker của Việt Nam tăng vọt lên tới 21 triệu tấn. Và theo tin vừa nhận được thì nhiều khả năng Trung Quốc tiếp tục gia hạn lệnh đóng cửa các nhà máy xi măng, không chỉ ở khu vực chung quanh Bắc Kinh mà còn ở nhiều TP khác của nước này. Có nghĩa Trung Quốc sẽ rơi vào thời kỳ thiếu xi măng, thiếu clinker.
Tình hình này sẽ khiến ngành xi măng Việt Nam “dễ thở” hơn trong cạnh tranh, có điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn. Nhưng đây cũng là lời cảnh báo cho xi măng nói riêng, ngành vật liệu xây dựng Việt Nam phải tự nhìn lại mình để tránh đi vào vết xe đổ của Trung Quốc.
Không tăng sản lượng tràn lan mà tăng giá trị gia tăng
Theo ông Lương Quang Khải – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem, Vicem sẽ không tăng sản lượng tràn lan mà gia tăng giá trị hiệu quả cho sản phẩm.
Ông Khải cũng cho biết doanh thu gần đây không tăng song lợi nhuận 4 năm qua đã tăng thêm 20% mỗi năm.
Mới đây, tại cuộc làm việc của tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, Vicem đã báo cáo Thủ tướng chấp thuận kế hoạch cổ phần hóa Vicem hoàn thành trong năm 2018.
Vicem mong Chính phủ, Bộ Xây dựng ủng hộ Vicem trong chiến lược đầu tư phát triển tăng năng lực sản xuất hoặc mua lại theo hình thức mua bán, sát nhập để tăng quy mô sản xuất, đáp ứng tăng trưởng của ngành, giữ vai trò trụ cột của ngành Xi măng Việt Nam.
Để giải quyết tình trạng xi măng cung vượt cầu, Vicem kiến nghị Chính phủ xem xét lại quy hoạch phát triển nhà máy xi măng, trong đó không quy hoạch đầu tư xây dựng phát triển thêm nhà máy xi măng, đồng thời giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng trong quy hoạch theo Quyết định 1488/QĐ-TTg ngày 19/8/2011 cho phù hợp với tình hình phát triển của ngành.