Aa

Xin rút gọn thủ tục giải phóng mặt bằng: TP.HCM vẫn phải chờ

Thứ Năm, 03/10/2019 - 06:00

Hàng loạt dự án lớn tại TP.HCM bị treo cả chục năm nay do vướng công tác GPMB. Để tháo gỡ vướng mắc này, TP.HCM đã kiến nghị cho thực hiện cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng, nhưng đến nay vẫn chưa được chấp thuận.

Dự án “đắp chiếu” vì khó giải phóng mặt bằng

Năm 2002, TP.HCM chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Thái Sơn phát triển dự án Khu dân cư Phước Kiển 2, có diện tích dự kiến là 303.730 m2 tại huyện Nhà Bè. Dự án do Công ty tự thỏa thuận với người dân để bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tới nay, dù Công ty Thái Sơn bán hết nền đất cho khách hàng, nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Lý do vì người dân không chấp nhận giá bồi thường.

Cách dự án này không xa là khu đất của Công ty cổ phần Địa ốc Phú Long. Theo Phú Long, Công ty đã trúng đấu giá 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè từ ngày 1/12/2004. Công ty đã thanh toán toàn bộ tiền trúng đấu giá theo quy định và đã được UBND TP.HCM cấp sổ đỏ. Công ty đã đầu tư xây dựng hình thành Khu đô thị mới Dragon City văn minh, hiện đại, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị trục đường Nguyễn Hữu Thọ (huyện Nhà Bè).

Hơn 15 năm triển khai và bán hết đất nền cho khách hàng, nhưng Dự án Thái Sơn đến nay vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, cho đến nay, tại phân khu số 15 của dự án nói trên vẫn còn tồn tại một căn nhà và đất của một số hộ dân không chịu di dời, thậm chí còn xây dựng, mở rộng nhà trái phép, chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, cản trở không cho Công ty triển khai đầu tư xây dựng dự án.

Ngoài ra, Công ty Phú Long cũng cho rằng, doanh nghiệp này được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư dự án ngầm hóa đường điện 220kV đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè bằng nguồn vốn của Công ty. Doanh nghiệp đã chuyển 160 tỷ đồng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để đền bù. Tuy nhiên, gần 10 năm qua vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng để giao đất cho Công ty thực hiện dự án.

Một dự án nữa cũng “đứng hình” hơn 10 năm nay vì vướng đền bù giải tỏa, đó là dự án Khu đô thị Sing - Việt với diện tích hơn 300ha tại huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Ngoài ra, còn có thể kể đến hàng loạt dự án lớn khác cũng bị treo cả thập kỷ do vướng công tác đền bù, giải phóng mặt bằng như dự án Khu nhà ở trường Đại học Quốc gia TP.HCM (quận 9); dự án xây mới Quốc lộ 13 nối TP.HCM với tỉnh Bình Dương đi trục kinh tế Tây Nguyên; tuyến Quốc lộ 50 nối TP.HCM với tỉnh Long An đi Tiền Giang; hệ thống đường vành đai 2, 3, 4; tuyến Metro số 2 Bến Thành đi Tham Lương...

Tháo gỡ vướng mắc: Vẫn phải chờ

Trước tình trạng hàng ngàn dự án đang bất động vì vướng đền bù giải tỏa, ngày 21/9/2019, UBND TP.HCM có văn bản gửi Thường trực HĐND Thành phố, Ban pháp chế HĐND Thành phố báo cáo về việc thí điểm rút gọn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao mặt bằng để rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, văn bản do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan ký nêu rõ, từ quý III/2017, UBND TP.HCM đã thông qua Chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM”. Theo đó, đã xác định rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án có thu hồi đất thì phải đảm bảo 4 vấn đề:

Đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và tuyên truyền vận động để người dân bị thu hồi đất đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.

Đảm bảo tuân thủ chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật và có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật; có chính sách hỗ trợ thuộc thẩm quyền của UBND Thành phố, nhất là vấn đề thực tiễn trong công tác quản lý nhà nước về đất.

Đảm bảo 6 điều kiện cần và đủ khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và thu hồi đất để thực hiện các dự án có thu hồi đất.

Đảm bảo tuân thủ trình tự, thủ tục về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định pháp luật.

Cũng theo văn bản này, ngày 1/4/2019, Thường trực UBND TP.HCM đã tổ chức họp để thông qua nội dung dự thảo văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.

Sau đó, UBND Thành phố đã gửi dự thảo tới các bộ, ngành, Ban Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND Thành phố để có ý kiến góp ý, đồng thời gửi Thủ tướng Chính phủ để báo cáo.

Ngày 11/4/2019, UBND TP.HCM có Công văn số 1345/UBND-ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố.

Ngày 12/4/2019, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã có buổi làm việc với TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2019 và cơ chế đặc thù để xây dựng quy trình thí điểm rút ngắn thời gian thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.

Kết luận chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với UBND TP.HCM, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ các vấn đề mà Thành phố kiến nghị, gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tiếp thu, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định; Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa vào chương trình phiên họp thường kỳ của Chính phủ gần nhất.

Sau khi có Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị Chính phủ sửa đổi các Nghị định liên quan.

Ngày 31/5/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Tờ trình số 28/TTr-BTNMT trình Chính phủ về cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình rút gọn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM.

Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ vẫn chưa bàn hành Nghị quyết chấp thuận cho phép UBND TP.HCM áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng các dự án có thu hồi đất trên địa bàn Thành phố, nên UBND TP.HCM chưa thể triển khai các bước tiếp theo để thực hiện áp dụng thí điểm cơ chế quy trình này.

Theo ông Hoan, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết cho phép áp dụng thí điểm cơ chế, quy trình rút gọn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn TP.HCM, UBND Thành phố sẽ công bố và thực hiện quy trình thí điểm để rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top