Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Năm 1959, bộ phim "Chung một dòng sông" ra đời đánh dấu viên gạch đầu tiên của dòng phim cách mạng kinh điển. Sau hơn 50 năm tồn tại, hãng đã sản xuất hơn 300 bộ phim trong đó nhiều bộ phim được ví là niềm tự hào của điện ảnh Việt như: Con chim Vành Khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười...
Tuy nhiên, 20 năm gần đây nhiều dự án phim của hãng liên tục thua lỗ. Năm 2014, phim chiến tranh "Sống chung cùng lịch sử" có kinh phí lên đến 21 tỷ đồng nhưng chỉ bán được vài vé. Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới.
Hiện "đại bản doanh" của Hãng phim truyện Việt Nam có tuổi đời hơn 50 năm tại địa chỉ số 4 Thụy Khuê đã xuống cấp, xập xệ. Chắc rằng, khá nhiều người không thể biết nơi đây tồn tại một cơ quan được coi là "cái nôi" của điện ảnh Việt Nam.
Cánh cổng vào khu làm việc chính của Hãng phim truyện Việt Nam được bảo vệ nghiêm ngặt.
Không gian trong khu làm việc chính của Hãng phim truyện Việt Nam cũ kỹ và chật hẹp.
Cánh cửa phòng hợp tác sản xuất và phát hành phim của hãng phim truyện Việt Nam cũng "ít giờ" mở cửa.
Nhìn từ ngoài vào phòng Kỹ thiết kế kỹ thuật tối om, từng mảng vữa đang bong tróc, nhếch nhác.
Nhiều phòng trong hãng phim nhìn như một không gian bỏ hoang.
Theo nhiều nghệ sĩ của hãng phim, quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam khiến các nghệ sĩ bất bình. Bởi, cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng.
Nhiều nghệ sĩ của hãng phim truyện Việt Nam bức xúc cho rằng, nếu báo chí và các nghệ sĩ không vào cuộc thì Hãng phim truyện Việt Nam - địa chỉ vàng điện ảnh cách mạng nước nhà - sẽ trở thành "nỗi nhục".
"Hãng phim truyện Việt Nam không thể trở thành nơi cho thuê, nhà hàng ăn uống, khách sạn được. Các nghệ sĩ thực sự rất nhục. Đó là địa chỉ văn hóa, là nơi các nghệ sĩ tự hào. Người ta có thể nhảy vào những chỗ khác để kinh doanh, nhưng nơi ấy thì chúng tôi không thể chấp nhận", NSND Minh Châu - Chi hội trưởng chi hội Hãng phim truyện Việt Nam nhấn mạnh.
Hiện nay, một ki ốt thuộc phần đất của hãng phim quay ra đường Thụy Khuê đang được sử dụng làm quán phở.
Phần còn lại với hàng rào sắt hoen rỉ cùng những bức tường chắp vá nhằng nhịt. Theo một số nghệ sỹ cho biết thì những cánh cửa này đã bị đóng kín từ cách đây hàng chục năm.
Được biết, vào tháng 5/2016, khi nhiều nghệ sỹ lên tiếng về sự thiếu minh bạch trong cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam thì ông Nguyễn Thủy Nguyên - Chủ tịch HĐQT Vivaso đã có bức thư ngỏ đầy xúc động gửi đến cán bộ hãng phim. Tất cả diễn giải để khẳng định: Hãng vẫn có thể phục hồi phát triển ngành nghề chính: Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm điện ảnh. Tuy nhiên, đến nay, Vivaso hoàn toàn đi ngược lại lá thư ngỏ mang tính “trấn an” mọi người.
Đồng thời, cán bộ công nhân viên hãng phim đã chỉ ra những vấn đề bất cập trong quá trình cổ phần hóa như: Công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp cho hãng phim đã tính giá trị thương hiệu, giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí của Hãng phim truyện Việt Nam bằng không với sự đồng ý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL). Việc chọn cổ đông chiến lược duy nhất là Vivaso khiến dư luận đặt câu hỏi về sự minh bạch.
Ngày 28/12/2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành Công ty cổ phần. Tuy nhiên Bộ VHTT&DL vẫn giữ nguyên Ban cổ phần cũ.
Ngày 23/6/2017 Bộ VHTT&DL ra quyết định thành lập công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam mà giá trị thương hiệu của hãng vẫn chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng.
|