Aa

Xu hướng nào cho nền kinh tế sau đại dịch Covid-19?

Thứ Năm, 26/03/2020 - 19:20

Hệ thống tài chính và thị trường của Việt Nam cần chuẩn bị một kịch bản có thể xấu đi nếu dịch bệnh kéo dài vượt sang quý III, quý IV. Như vậy chúng ta sẽ có những biện pháp ứng phó kịp thời, chủ động hơn.

Tại buổi trò chuyện trực tuyến với chủ đề “Giải pháp cho kinh tế Việt Nam thời Covid-19 và câu chuyện nhìn từ nước Pháp” ngày 24/3, GS.TS Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu, IPAG Business School (Paris), & Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã có những đánh giá, dự báo về tình hình phát triển và những xu hướng lớn sẽ xuất hiện trên nên kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam sau đại dịch Covid-19.

Cầm cự qua cơn dịch

Nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông Khương cho rằng, nguy cơ suy thoái kinh tế thể hiện rõ ràng tình trạng của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Hệ thống tài chính và thị trường của Việt Nam cần chuẩn bị một kịch bản có thể xấu đi nếu dịch bệnh kéo dài vượt sang quý III, quý IV. Như vậy chúng ta sẽ có những biện pháp ứng phó kịp thời, chủ động hơn.

Theo ông Khương, về bản chất, doanh nghiệp vẫn trong khoảng thời gian cầm cự được bởi gói hỗ trợ của Chính phủ. Các quốc gia đang nỗ lực ngăn chặn, phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Những nỗ lực này sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực trong tháng 4, tháng 5. Do đó, thời gian này doanh nghiệp cần bình tĩnh để tìm ra giải pháp, sáng kiến trong quy trình vận hành, thích ứng với điều kiện kinh tế hiện nay.

“Covid-19 như một thách thức, nhưng cũng tạo ra cơ hội mới để doanh nghiệp hoàn thiện mô hình kinh doanh, cũng như khả năng ứng phó của mình với sự thay đổi của các cơ hội kinh doanh quốc tế. Bởi trong tương lai, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều biến động của nền kinh tế ở quy mô lớn hơn”, ông Khương nhận định.

GS.TS Nguyễn Đức Khương

Theo ông Khương, Việt Nam đã có sự điều phối nhịp nhàng giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ. Cụ thể, ngày 16/3, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 11 đưa ra những giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội trong tình hình dịch bệnh phức tạp. Trọng tâm của chỉ thị là gói hỗ trợ tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói hỗ trợ tài khoá 30.000 tỉ đồng.

Về chính sách tiền tệ, ngày 17/3, NHNN đã công bố những quyết định quan trọng về lãi suất. Trong đó, tất cả lãi suất điều hành đã được giảm cùng một lúc. Cụ thể, lãi suất trần cho vay ngắn hạn bằng VNĐ được giảm 0,5%/năm; các mức lãi suất điều hành như lãi suất tái cấp vốn, vay vốn qua đêm trong thanh toán điện tử giữa các NHTM với nhau hay cho vay bù đắp thiếu hụt vốn giữa NHNN và NHTM đã giảm 1%/năm.

Phó giám đốc IPAG đánh giá, những điều chỉnh này vẫn phù hợp với chính sách tiền tệ cẩn trọng của Việt Nam. Tức là sử dụng và huy động những nguồn vốn có sẵn trong nền kinh tế mà không phải bơm tiền. Việt Nam đã không tung ra một gói kích cầu như những năm 2007 - 2008 khi khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, tạo dựng niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư.

Theo vị này, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng hiệu quả nhất các kênh hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời thực hiện chiến lược giảm các chi phí không cần thiết. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống làm việc an toàn, số hoá, để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ người lao động.

“Chúng ta vẫn phải tự vươn lên, sống sót qua kỳ khủng hoảng nền kinh tế như thế này. Nhìn vào doanh nghiệp trong nước đang vận hành cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn có sự tăng trưởng tốt trong dịch bệnh. Điều này thể hiện khả năng ứng phó, nắm bắt, khai thác cơ hội mới của doanh nghiệp do khủng hoảng đặt ra khá tốt”, ông Khương nhận xét.

Theo ông Khương, điều quan trọng là mỗi doanh nghiệp phải có khả năng tìm ra cơ hội, phương pháp sáng tạo cho mình, từ đó hoàn thiện mô hình kinh doanh, làm sao trong dịch bệnh vẫn tăng trưởng, đảm bảo an toàn cho người lao động. Bởi những sự kiện mang tính tác động lớn như Covid-19 sẽ thường xuyên xảy đến với tần suất ngày một nhiều hơn.

Ba xu hướng ngành nghề lớn

Dự báo về những xu hướng ngành nghề sau đại dịch Covid-19, ông Khương dự báo sẽ có ba xu hướng lớn xuất hiện trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Thứ nhất là phát triển các lĩnh vực, ngành nghề gắn chặt với đổi mới, sáng tạo công nghệ. Đặc biệt là những nền tảng phục vụ cho việc kết nối làm việc trực tuyến.

Thứ hai là phát triển nguồn hàng sản xuất theo hướng thu hẹp lại, khiến nguồn hàng và các doanh nghiệp chế biến xích lại gần nhau hơn. Xu hướng này sẽ dẫn đến việc các quốc gia sẽ quan tâm hơn đến thị trường nội địa, thay thế nhiều sản phẩm nhập khẩu. Điều này không đi ngược lại với xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá kinh tế mà là đảm bảo hiệu quả nền kinh tế nội địa, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng trong nước trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, thiên tai…

Cuối cùng là xu hướng phát triển các ngành nghề liên quan đến sự biến đổi của khí hậu thông qua công nghệ như AI, big data... Những ngành nghề này rồi sẽ trở thành thời thượng.

Dịch bệnh cũng là hệ quả tất yếu từ thay đổi sinh thái, môi trường. Do đó, xu hướng này phát triển mô hình kinh doanh hướng theo sự cân đối giữa môi trường, kinh tế và xã hội, là mô hình bền vững mà các chủ thể có thể hưởng lợi từ đó.

Trước mắt, theo ông Khương, ưu tiên của chúng ta vẫn là ngăn chặn dịch trong thời gian ngắn nhất và đưa các hoạt động kinh tế và xã hội trở lại mức bình thường trước đó.

Hiện nay, các giải pháp của Chính phủ đã tiếp cận được các lĩnh vực, khu vực gặp khó khăn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể là những đối tượng dễ tổn thương ngay khi dịch bệnh bùng phát lại chưa được nhắc đến và chưa được tiếp cận với các gói hỗ trợ của Chính phủ.

Riêng hộ kinh doanh thì không có điều kiện trực tiếp tham gia vào gói cứu trợ và cũng không có quỹ hỗ trợ thất nghiệp như doanh nghiệp.

Do đó, vị này đề xuất Chính phủ có thể xem xét việc giảm một số loại chi phí cho nhóm này, như mặt bằng, điện, nước... Ngoài ra, nên hỗ trợ việc làm mới cho người lao động trong ngành du lịch, hàng không… đảm bảo vừa hỗ trợ, thúc đẩy, vừa kiểm soát tốt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top