Aa

Xử lý dự án nghìn tỷ thua lỗ: Phương án nào cũng rủi ro

Thứ Sáu, 14/07/2017 - 05:50

Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định các phương án đưa ra đều khó khăn, có rủi ro nên phải lựa chọn phương án nào đỡ xấu nhất.

Đến nay việc xử lý 12 dự án yếu kém thua lỗ của ngành Công Thương vẫn chồng chất khó khăn. Riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã có tới 5 đại dự án nghìn tỷ vẫn đang loay hoay xử lý, trong đó vướng mắc nhất là cơ chế tài chính. Nếu không tháo gỡ được nút thắt này, thì nguy cơ nhiều dự án phá sản hoặc khó có thể khởi động trở lại, đồng nghĩa với việc tiếp tục tăng thêm chi phí.

Hết cách cứu phải cho phá sản

Trong số 5 doanh nghiệp, dự án yếu kém, thua lỗ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thì Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ lâm vào cảnh bi đát nhất, nhiều lần đổ thêm vốn nhưng không vực dậy được. Nhà máy Ethanol Phú Thọ khởi công từ năm 2009, vốn đầu tư ban đầu hơn 1.300 tỉ đồng, sau đội lên gần 2.500 tỉ đồng. Dự án dừng thi công từ 6 năm nay vì thiếu vốn và vẫn mất hàng trăm tỉ đồng mỗi năm để trả lãi vay và quản lý.

Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)(Ảnh: dqsy).

Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS)(Ảnh: dqsy).

Đối với Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất chuyển giao từ Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sang PVN, số nợ lên tới gần 6.900 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 3.700 tỉ đồng. Theo ông Phạm Xuân Cảnh, thành viên Hội đồng thành viên của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn đang xây dựng 2 phương án và trình Bộ Công Thương. Trong đó có phương án “cứu” nhà máy, thì điểm mấu chốt là cần có hợp đồng và việc làm. Còn phương án thứ hai là phải cho phá sản nhà máy.

“Vấn đề lớn nhất là cần có việc làm mới giải quyết được câu chuyện hoạt động của nhà máy. Với cơ chế hiện nay, chỉ định thầu thì không được còn tham gia đấu thầu thì lại vướng lỗ nên cũng không được. Về phương án PVN đang xây dựng 2 phương án. Trong phương án phá sản thì đầu tiên phải định giá tài sản, thực ra năm 2014 đã có định giá rồi, giờ bổ sung hoàn thiện để làm cơ sở”, ông Cảnh nói.

Khởi động lại vẫn rủi ro

Với các dự án khác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng (PVTex), Dự án nhiên liệu sinh học Dung Quất và Dự án nhiên liệu sinh học Bình Phước đang lên phương án khởi động lại nhà máy nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là… thiếu tiền. Cụ thể, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ phải bỏ thêm vốn khoảng 256 tỉ đồng. Tuy nhiên, chủ trương của Chính phủ là không bỏ thêm vốn nhà nước vào các dự án này.

Ông Ninh Văn Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết, những người trực tiếp xử lý dự án thua lỗ muốn được đổ thêm vốn để giải quyết các tồn đọng, nhưng lại sợ vi phạm pháp luật, bởi đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, sử dụng vốn của PVN cũng được hiểu là sử dụng vốn nhà nước.

“Nếu không có cơ chế tài chính xử lý thì rất khó. Ngay như bước đầu khởi động lại dự án chạy thì phải có tiền. Nếu giải thể hoặc chuyển nhượng phần vốn, chúng tôi cũng tốn đến 5 tỉ đồng cho mỗi dự án để thuê tư vấn định giá, thuê tư vấn bán trên thị trường. Chúng tôi rất muốn khởi động lại các dự án có thể sản xuất được như xơ sợi hay nhiên liệu sinh học. Muốn vậy trước hết phải có tiền. PVN và các cổ đông 100% vốn nhà nước phải được bỏ vốn ra, trên cơ sở chịu trách nhiệm và hiệu quả”, ông Quỳnh kiến nghị.

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng (PVTex) (Ảnh: pvc)

Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng (PVTex) (Ảnh: pvc)

Tuy nhiên, ngay cả khi được tăng thêm vốn để khởi động lại dự án thì cũng vẫn có nhiều rủi ro. Như Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng dù khởi động lại thì nguy cơ thua lỗ rất cao. Nếu hợp tác với nước ngoài, trong trường hợp có lỗi gia công và vận hành, nhà máy này vẫn phải chịu và phải hạch toán chi phí, có thể dẫn tới lỗ.

Do đó, PVN đề xuất các nhà máy phải có thời gian “lỗ kế hoạch” và được hưởng các cơ chế như giãn khấu hao, bao tiêu sản phẩm, cơ cấu lại vốn, giãn trả nợ gốc...Còn với nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất có thể lỗ tới 150 tỷ mỗi năm nếu không được ưu đãi. Nếu có ưu đãi thì lỗ ít hơn, còn dừng hoạt động thì mỗi năm vẫn tiêu tốn 200 tỷ đồng.

Chọn phương án nào…ít xấu nhất

Theo ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), với những dự án thua lỗ triền miên mà không tìm được giải pháp khắc phục thì phải buộc cho phá sản, thu hồi lại tài sản, còn hơn là cứ tiếp tục mà gây thua lỗ thêm và giá trị tài sản ngày càng giảm đi thì còn thiệt hại nhiều hơn. Với những dự án tính phương án khởi động lại cũng cần thận trọng với việc đổ thêm vốn vào bởi vẫn tiềm ẩn rủi ro, nhất là khi đầu ra sản phẩm bấp bênh.

“Dự án phá sản cũng phải làm sao thu hồi được tài sản cho nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Doanh nghiệp mặc dù phải thúc đẩy quyết liệt, nhưng cũng có nhiều khó khăn, ngay cả định giá tài sản, chuyển nhượng… không phải cứ tuyên bố phá sản xong là hết chuyện. Những dự án muốn khởi động lại không dùng ngân sách cũng cần xem xét có khoản tiền nào, chẳng hạn như thu hồi tài sản từ chỗ khác có được từ vốn doanh nghiệp nhà nước, từ cổ phần hóa. Tuyệt đối không thể tiếp tục vay vốn để làm vì càng vay vốn, càng xa lầy và thiệt hại hơn”, ông Lưu Bích Hồ nói.

Riêng 5 dự án của ngành dầu khí này vốn đầu tư lên tới 23.000 tỉ đồng và đều là những dự án trì trệ nhất trong việc xử lý. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, các phương án đưa ra đều khó khăn, có rủi ro nên phải lựa chọn phương án nào...“đỡ xấu nhất”. PVN cần đặt mình vào vị trí là chủ đầu tư dự án, đang phải tự bỏ tiền ra để xử lý mới có hiệu quả, còn nếu né tránh trách nhiệm thì sẽ không giải quyết được vấn đề.

Cụ thể với Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và Dự án Nhà máy Ethanol Phú Thọ xem xét phương án dừng và phá sản. Với các dự án còn lại, phương án ưu tiên là khởi động lại rồi thoái vốn, chuyển nhượng trong trạng thái nhà máy đang hoạt động, như vậy sẽ có lợi hơn là bán nhà máy ở trạng thái “bất động”. Các công ty cần họp lại cổ đông xem xét việc rót thêm vốn để khởi động lại dự án và báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, nếu Chính phủ không đồng ý cổ đông bổ sung thêm vốn thì chuyển phương án 2 là chuyển nhượng, bán dự án.

“Nếu thấy có giải pháp tốt nhất cho dự án mà còn vướng các quy định của luật, cần báo cáo lên cấp trên, chẳng hạn với vấn đề tài chính. Nhà nước không bỏ thêm vốn nhưng doanh nghiệp có thể huy động nhiều nguồn khác nhau, có thể trích lập từ quỹ dự phòng để triển khai dự án. Khi có hiệu quả, dự án được bán, chuyển nhượng, có thể thu lại và trả về quỹ. Việc xử lý các dự án này rất hệ trọng. Nhìn vào 12 dự án của ngành tổng vốn đầu tư 63.000 tỉ đồng, vay đến hơn 40.000 tỉ đồng. Riêng lãi vay thôi cũng bao nhiêu tiền, do đó phải tập trung xử lý”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nêu rõ.

Cùng với 5 dự án của PVN, ngành Bộ Công Thương còn 7 dự án khác cần phải xử lý. Hiện Bộ Công thương đang lấy ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt phương án theo ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trong trường hợp phá sản với một số dự án, việc thực hiện phải có lộ trình, từng bước. Mục tiêu đặt ra là trong năm 2018 các dự án sẽ có chuyển biến căn bản và năm 2020 sẽ xử lý xong các dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top