Aa

Cần xử lý nghiêm hành vi gian lận hồ sơ đấu thầu

Thứ Sáu, 30/07/2021 - 18:00

Theo quy định, hành vi gian lận trong đấu thầu bị xử lý rất nặng. Tuy nhiên, không phải nhà thầu gian lận nào cũng bị xử phạt nghiêm minh.

Có thể cấm dự thầu trên phạm vi cả nước

Theo quy định, gian lận là một trong những hành vi vi phạm nguyên tắc cạnh tranh công bằng của đấu thầu và bị cấm trong hoạt động đấu thầu. Hành vi này đã bị nhiều bên mời thầu (BMT) hay chủ đầu tư (CĐT) vào cuộc kiểm tra, có biện pháp xử lý và công khai vi phạm. Mới đây, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) đã cấm Công ty CP PoliLand tham gia đấu thầu 3 năm tại các gói thầu do Viện và các đơn vị trực thuộc tổ chức mời thầu.

Nguyên nhân là bởi Công ty CP PoliLand đã có hành vi gian lận, cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không có thực khi tham dự gói thầu số 8 "Thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật" thuộc dự án “Nâng cấp hệ thống sân, đường bê tông nhựa, hệ thống phòng cháy chữa cháy”. Điều này đã vi phạm quy định tại điểm c Khoản 4 Điều 89 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13.

Được biết, gói thầu số 8 “Thi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật” thuộc dự án “Nâng cấp hệ thống sân, đường bê tông nhựa, hệ thống phóng cháy chữa cháy” có giá dự toán 18.676.558.000 VND, thực hiện qua hình thức đấu thầu qua mạng, phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ thuộc dự án đầu tư phát triển. Loại hợp đồng trọn gói, thực hiện trong 240 ngày.

poliland bị cấm đấu thầu 3 năm
Viện Khoa học và Công nghệ quân sự cấm Công ty CP Poliland tham dự thầu 3 năm kể từ ngày ký quyết định.

Đánh giá về hành vi trên, một luật sư nhận định, việc nhà thầu cố ý trình bày sai, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu nhằm thu được lợi ích, trốn tránh nghĩa vụ hoặc cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ dự thầu (HSDT) làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, đều bị coi là gian lận trong đấu thầu theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu. Căn cứ Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, nhà thầu có các hành vi gian lận này bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm.

Về trình tự xử lý vi phạm, theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 90 Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng, đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trong phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước.

Thực tế cho thấy, việc kê khai thông tin không trung thực, “làm đẹp”, “mông má” HSDT không phải là xa lạ đối với nhiều nhà thầu, thế nhưng rủi ro về mặt pháp lý của những việc này là rất rõ ràng. Vậy, tại sao nhiều nhà thầu vẫn bất chấp quy định để thực hiện hành vi vi phạm? Có chăng cũng chỉ vì lợi nhuận “khủng” thu được từ việc triển khai trót lọt hành vi gian lận đó.

Các nhà thầu cần ý thức được rằng, hành vi vi phạm ở một gói thầu không chỉ bị xử lý đối với gói thầu đó. Bởi khi người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham dự thầu đối với các gói thầu thuộc phạm vi quản lý của mình, việc tham dự thầu của nhà thầu đối với các gói thầu tiếp theo trong 3 - 5 năm cũng trở nên không còn ý nghĩa. Rủi ro hơn, khi xét thấy cần thiết, nhà thầu có thể bị người có thẩm quyền đề nghị cấm tham dự thầu ở một phạm vi rộng hơn như bộ, ngành, một tỉnh hoặc trên cả nước.

Cần xử lý nghiêm minh hành vi gian lận đấu thầu

Hiện nay, nhiều BMT, CĐT đã mạnh dạn đề xuất với người có thẩm quyền ban hành văn bản cấm thầu đối với nhà thầu có hành vi gian lận. Theo thống kê, phần lớn nhà thầu bị cấm thầu có hành vi gian lận dẫn tới làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.

Khảo sát cho thấy, hành vi gian lận của nhà thầu hiện nay rất đa dạng và tinh vi. Những hành vi gian lận như kê khai nhân sự chủ chốt, hợp đồng tương tự, báo cáo tài chính không trung thực…

Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều hành vi được xác định nghiêm trọng, nhưng BMT hay CĐT không đề xuất cấm thầu do nhà thầu đã bị loại hoặc không có cơ sở đề xuất cấm thầu, có trường hợp chỉ dừng ở mức độ nhắc nhở.

Chính việc áp dụng chưa quyết liệt, nghiêm minh theo quy định hiện hành về xử lý hành vi gian lận của nhà thầu từ phía BMT hay CĐT, đã vô tình khiến nhà thầu cố tình gian lận, bất chấp pháp luật để dự thầu bằng những hồ sơ có năng lực, kinh nghiệm "ảo".

Theo quy định, trách nhiệm của tổ chuyên gia đấu thầu là phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong đấu thầu. Bởi vậy, khi phát hiện hành vi gian lận, tổ chuyên gia cần đề xuất để BMT, CĐT, người có thẩm quyền xem xét, có hình thức xử lý thích đáng với nhà thầu. Có như vậy, nhà thầu mới nghiêm túc dự thầu bằng năng lực, kinh nghiệm thật.

Một chuyên gia đấu thầu nhận định, nếu hiểu rằng chỉ khi làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu bằng những tài liệu gian lận thì nhà thầu mới bị cấm thầu là chưa đúng tinh thần của Luật Đấu thầu và coi nhẹ các yếu tố giám sát trong đấu thầu. Nếu các tổ chuyên gia đấu thầu làm đúng trách nhiệm quy định, người có thẩm quyền không có tâm lý nể nang, công tác chấn chỉnh đấu thầu sẽ quyết liệt hơn và hành vi gian lận của nhà thầu sẽ không còn tồn tại.

Quay trở lại vấn đề xoay quanh câu chuyện PoliLand bị Viện Khoa học và Công nghệ quân sự (Bộ Quốc phòng) cấm tham gia đấu thầu trong vòng 3 năm, đây không phải là lần đầu tiên giới doanh nghiệp chuyên tham gia đấu thầu bàn tán về "ông lớn" PoliLand. Bởi theo thống kê từ mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, Công ty Cổ phần Poliland đã tham gia tổng số 149 gói thầu, trong đó trúng 6 gói, trượt 108 gói và 35 gói thầu chưa có kết quả.

Một doanh nghiệp cũng từng là BMT chia sẻ, con số thể hiện tỷ lệ trượt thầu như trên của PoliLand là cao bất thường. Khiến dư luận phải đặt câu hỏi việc một doanh nghiệp tham gia hàng trăm gói thầu với vai trò là nhà thầu, mà lại trượt thầu nhiều như vậy là sự vô tình hay cố ý? Bởi nếu là một nhà thầu có năng lực và quyết tâm tham gia thực hiện triển khai các gói thầu, thì không chỉ PoliLand mà bất kỳ nhà thầu nào khác cũng phải trang bị cho mình đầy đủ về hồ sơ năng lực đồng thời đáp ứng được bài thầu do BMT, CĐT đưa ra.

Nếu phía nhà thầu tham gia bỏ thầu chỉ vì thiếu sót những lỗi sơ đẳng và có tỷ lệ trượt thầu cao bất thường như PoliLand thì thật khó để không đặt ra nghi vấn về câu chuyện có "bắt tay" hoặc "thông thầu" hay không? Điều này càng có cơ sở khi Công ty CP PoliLand bị khẳng định đã có hành vi gian lận, cố tình cung cấp tài liệu dự thầu không có thực khi tham dự gói thầu số 8 như đã nêu trên.

Trên thực tế, có rất nhiều vụ việc bị phanh phui liên quan đến việc nhà thầu tham gia dự thầu với vai trò "quân xanh - quân đỏ" và "bắt tay" để thông thầu với nhóm lợi ích nhằm ăn chia phần trăm. Để ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn, cơ quan chức năng cần có một cuộc tổng thanh tra toàn diện các gói thầu có nhà thầu PoliLand tham gia, rà soát toàn bộ quá trình đấu thầu và vạch rõ các lỗi khiến công ty này trượt thầu là gì. Đặc biệt, Cục Quản lý Đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cần có động thái vào cuộc quyết liệt và xử lý nghiêm minh, kiên quyết loại bỏ các doanh nghiệp gian lận trong đấu thầu như Công ty PoliLand, tránh tiền lệ và làm trong sạch hoạt động đấu thầu trên cả nước.

Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định về Các hành vi bị cấm trong đấu thầu:

“4. Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư".

Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ban hành ngày 27/11/2015 có hiệu lực thi hành ngày 1/7/2016, đối với các hành vi vi phạm về hoạt động đấu thầu, căn cứ theo Điều 122 có những mức phạt cụ thể như sau:

"1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu; Thông thầu; Gian lận trong đấu thầu; Cản trở hoạt động đấu thầu; Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu; Tổ chức lựa chọn nhà thầu khi nguồn vốn cho gói thầu chưa được xác định dẫn đến nợ đọng vốn của nhà thầu; Chuyển nhượng thầu trái phép".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top