Aa

Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân cố tình cản trở, làm chậm tiến độ giải ngân

Thứ Năm, 26/09/2019 - 17:01

Cho rằng nguyên nhân giải ngân chậm do yếu tố chủ quan là chính, Thủ tướng nhấn mạnh, phải xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không biết làm việc, hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao.

Thủ tướng nêu rõ điều này khi kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, sáng nay 26/9.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Là một trong những bộ có nhiều công trình, dự án dùng vốn đầu tư công, Bộ Y tế cho biết, tính đến 20/9, Bộ đã giải ngân 24% dự toán, trong đó vốn đầu tư cho 2 bệnh viện tuyến cuối là Bạch Mai và Việt Đức 2 đạt 35%. “Đây là những con số mà bản thân lãnh đạo Bộ Y tế đánh giá là rất thấp trong các cuộc giao ban với các ban quản lý dự án, các đơn vị”, đại diện Bộ Y tế nhìn nhận và nêu ra vướng mắc về điều kiện, thủ tục giải ngân, năng lực ban quản lý dự án... Dự kiến tỷ lệ giải ngân đối với 2 dự án bệnh viện này đạt trên 70% vào cuối năm 2019.

Sau khi nghe đại diện Bộ Y tế phát biểu, Thủ tướng cho rằng, Bộ Y tế có nhiều dự án, công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được, cụ thể là các dự án bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức 2, “phải xử lý thế nào”, trong khi nhu cầu xã hội về y tế rất lớn. “Đây là khuyết điểm rất lớn mà Bộ Y tế phải rút kinh nghiệm, phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm. Bây giờ cứ nói thủ tục suốt thì làm sao được. Tại sao các nơi khác thủ tục giải quyết được mà chúng ta không giải quyết được”, Thủ tướng đề nghị Bộ có biện pháp rõ hơn, cần tăng cường năng lực ban quản lý dự án chuyên nghiệp hơn, hiểu biết hơn về thủ tục xây dựng cơ bản.

Đại diện cho một bộ cũng có nhiều dự án đầu tư công, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ kinh nghiệm, Bộ đã phân công các đồng chí Thứ trưởng bám sát, chịu trách nhiệm đối với mỗi dự án được phân công, đồng thời chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm về giải ngân và gắn với đánh giá thi đua cuối năm. Bộ cũng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các đơn vị, cho các cơ sở giáo dục trực tiếp làm chủ đầu tư để nâng cao trách nhiệm. Bộ trưởng cam kết sẽ bảo đảm tiến độ giải ngân trong thời gian tới.

Từ phát biểu của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thủ tướng cho rằng, có một số vấn đề mà các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm là phân cấp mạnh mẽ cho ban quản lý dự án, không ôm đồm để phải lên bộ xin; thành lập tổ công tác đặc biệt của bộ để đôn đốc, xử lý vấn đề đặt ra, “xem vướng chỗ nào để xử lý”, tránh tình trạng khi xin vốn thì rất quyết liệt nhưng khi có vốn rồi thì không quan tâm để tháo gỡ khó khăn.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Về ý kiến của lãnh đạo TP. Hà Nội, Thủ tướng nhìn nhận, thành phố có nhiều biện pháp quyết liệt mà các địa phương khác cần rút kinh nghiệm như giao ban hàng tuần về công tác giải ngân, sự chủ động của bộ máy chính quyền, nếu “nóng đâu phủi đó, bị động thì làm sao có công trình”.

Thủ tướng ghi nhận cam kết của Hà Nội là đạt tỷ lệ giải ngân 95% vào cuối năm nay.

Sau khi lắng nghe các ý kiến trao đổi, phát biểu kết luận, Thủ tướng bày tỏ hy vọng, từ Hội nghị này sẽ có một nghị quyết tốt của Chính phủ để thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công, một nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển đất nước.

Lên án sự chậm trễ, nhũng nhiễu, tiêu cực, Thủ tướng cũng chia sẻ với các bộ, ngành, địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vì có nhiều quy định chồng chéo, “quy trình, thủ tục vẫn phải làm đầy đủ, chặt chẽ, bỏ qua khâu này cũng nguy hiểm đối với sự phát triển”. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thì cần quan tâm chất lượng công trình, dự án, “đừng làm dối, làm hỏng, đừng ăn cắp định mức, rút ruột công trình”.

Thủ tướng nhấn mạnh, giải ngân thấp là căn bệnh trầm kha cần tiếp tục tháo gỡ. “Mình có nói nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, nhất là khâu điều hành dự án, trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư”. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tập trung chỉ đạo công tác này. “Nếu tuần nào cũng họp đôn đốc kiểm tra xây dựng cơ bản thì không để tình trạng chậm trễ như hiện nay”.

Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân chủ quan nữa là tình trạng không sát sao chỉ đạo, không trực tiếp tháo gỡ, chưa phân cấp, giao quyền, bệnh nhũng nhiễu, gây khó ở một số cấp, một số ngành, một số cơ quan.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về căn bệnh này, khi xem xét thi đua khen thưởng, đề bạt cán bộ thì xem xét nhiệm vụ đầu tư xây dựng mà cán bộ đó từng phụ trách có chậm trễ, gây thất thoát hay không.

Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị đã thống nhất cao với quan điểm chỉ đạo là tập trung thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm cấp bách của các cấp, các ngành, từng cơ quan, đơn vị liên quan từ nay đến cuối năm 2019 và trong năm 2020, năm cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn là 2016-2020. Vốn thiếu và ít nên phải được giải ngân hiệu quả, kịp thời.

Các bộ, ngành, địa phương nhận thức sâu sắc, thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo này. Phải kỷ luật kịp thời nghiêm minh đối với những vi phạm, làm chậm, kém hiệu quả, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không biết làm việc, hoặc cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ được giao.

Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, các Bộ trưởng, trưởng ngành, các đơn vị phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, các giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nỗ lực phấn đấu tối đa để giải ngân hết số vốn kế hoạch theo đúng tinh thần Nghị quyết 01 đã đề ra.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Đối với những bộ, ngành, địa phương có số vốn đầu tư công lớn như Bộ Giao thông vận tải, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án trọng điểm cấp bách.

“Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể để đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, yêu cầu các Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân”, Thủ tướng nói và nêu trường hợp dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã có khoản vốn trên 11.000 tỷ đồng chuyển về tài khoản, nhưng đến nay “các đồng chí vẫn nói để tháng 10 sang năm mới làm”. Thủ tướng đề nghị tỉnh Đồng Nai rút kinh nghiệm. Hay dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương rất quan trọng, kiên quyết không để tái diễn tình trạng "quyền anh, quyền tôi", đổ lỗi cho nhau như vừa qua, vì lợi ích của bộ, ngành, địa phương mình mà không hợp tác.

Thủ tướng lưu ý hợp tác tốt hơn nữa giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, giữa Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với các bộ, ngành để giải quyết các vướng mắc trong triển khai dự án đầu tư công thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. “Ông làm tập đoàn, tổng công ty Nhà nước mà không tiếp tục đầu tư phát triển thì sẽ xẹp dần thôi”. Thủ tướng tin rằng các đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ngồi lại với nhau trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng, tất cả vì lợi ích chung thì nhất định có phương án tốt, đồng thuận cao, hiệu quả để trình Thủ tướng Chính phủ, tuyên bố rõ cái gì Nhà nước làm, cái gì tư nhân làm, không để tình rạng “công không ra công, tư không ra tư” kéo dài như một số công trình vừa qua.

Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý để giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn lại trước ngày 5/10/2019. Báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/10/2019 việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân thêm để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. “Tôi được biết các bộ như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế báo cáo khả năng không sử dụng hết kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 với số tiền lên đến 60.000-70.000 tỷ đồng, trong khi đó rất nhiều dự án ở các bộ, ngành khác đang cần vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng điều chỉnh”. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “tiêu không hết là điều chỉnh vốn”.

Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 giữa các dự án trong nội bộ ngành, lĩnh vực, chương trình theo đề xuất của bộ, ngành và địa phương phải được thực hiện trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất.

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top