Aa

Xuất hiện nhân tố thay đổi cục diện thị trường BĐS 2017

Thứ Hai, 19/12/2016 - 03:00

Những tháng cuối năm 2016, thị trường BĐS có dấu hiệu chững lại song cũng ghi nhận sự xuất hiện của những nhân tố mới được dự đoán có khả năng làm thay đổi cục diện thị trường BĐS trong tương lai.

Chững lại ở một số phân khúc

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia BĐS, thị trường năm 2016 bên cạnh nhịp chảy sôi động do vào dịp cận Tết, đâu đó vẫn xuất hiện dấu hiệu chững lại ở một số phân khúc.

Ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch Cen Group cho biết, thị trường BĐS từ năm 2014 đến tháng 8/2016 phục hồi, tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên, từ tháng 8/2016 đến nay thị trường bắt đầu gặp khó khăn.

Thống kê của Cen Group cho thấy, trong quý III và quý IV/2016, giao dịch BĐS giảm so với cùng kỳ năm 2015. Mặc dù số lượng căn hộ giao dịch có vẻ không thay đổi, nhưng giá trị giao dịch giảm, do lượng giao dịch chủ đạo là căn hộ giá rẻ.

Cùng nhận định trên, đại diện JLL cho rằng, thị trường BĐS từ năm 2014 đến giữa năm 2016 rất tốt, nhưng đến giữa năm 2016 có vẻ hụt hơi. Nguyên nhân của thực trạng này được phía JLL giải thích, do nguồn cung căn hộ cao cấp rất lớn. Chỉ trong quý III/2016, Hà Nội đã đón nhận 11 nghìn căn hộ cao cấp. Trong khi TP. HCM đón nhận khoảng 8 nghìn căn hộ cao cấp.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Xuất hiện nhân tố mới

Trong năm 2016, thị trường BĐS xuất hiện nhiều loại hình nhà ở phục vụ đầu tư, như: Condotel, Hometel, officetel… thu hút các nhà đầu tư mạnh tay “chi tiền”. Với những loại hình BĐS này, nhà đầu tư có thể cho thuê lại, hoặc được cam kết về lợi tức hấp dẫn, giúp nhà đầu tư đạt được lợi nhuận tương đương lãi suất tiết kiệm.

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, điểm nhấn của thị trường BĐS 2016 chính là BĐS nghỉ dưỡng với những cam kết về lợi nhuận hấp dẫn. Điều này tạo nên sức hút khiến các nhà đầu tư tham gia vì nhận thấy lợi nhuận thực sự.

Mới đây, tại Hội thảo "Thị trường BĐS Việt Nam 2016 – 2017: Toàn cảnh và dự báo", các chuyên gia cũng nhận định trong năm tới, phân khúc này có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh theo hình thức phi truyền thống. Thậm chí, đà tăng trưởng của BĐS nghỉ dưỡng được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong khoảng 20 năm nữa.

Gây xôn xao nhất cho thị trường BĐS mấy ngày gần đây phải kể đến thông tin Vingroup tuyên bố tổng tấn công thị trường nhà ở giá rẻ. Theo đó, Vingroup sẽ xây dựng từ 200.000 - 300.000 căn hộ VinCity có mức giá trung bình 700 triệu đồng/căn trong vòng 5 năm tới, tạo điều kiện cho đông đảo người tiêu dùng tiếp cận và sở hữu cuộc sống chất lượng và tiện ích tại các khu đô thị do tên tuổi hàng đầu thị trường BĐS này phát triển. Thông tin này được giới kinh doanh BĐS ví như một nhân tố đột biến có tác động lớn đến thị trường trong tương lai.

Đại diện JLL, ông Đặng Văn Quang nhận định, hiện thu nhập người dân chỉ đạt 2.300 USD. Vì vậy, những căn hộ có giá khoảng 1 tỷ đồng, tương đương với 5 năm thu nhập của cặp vợ chồng trẻ là phù hợp nhất.

Do đó, động thái của Vingroup được cho là sẽ mang đến hứng khởi cho thị trường BĐS trong thời gian tới bởi theo nhận định của Bộ Xây dựng, từ năm 2017, khoảng 70% nhu cầu thị trường lại tập trung vào phân khúc nhà ở có giá tầm trung trở xuống.

Vì vậy, doanh nghiệp địa ốc tập trung vào dòng sản phẩm này thường sẽ không phải lo tồn hàng, thậm chí có dự án hàng ra đến đâu sẽ hết đến đó, đặc biệt là với dòng sản phẩm giá mềm nhưng chất lượng cao cấp.

Tuy nhiên, phát triển dòng sản phẩm giá “mềm” dành cho giới trẻ không phải là điều dễ dàng, bởi dòng sản phẩm này biên độ lợi nhuận không cao, đòi hỏi doanh nghiệp phải có tâm huyết, chiến lược bài bản, tiềm lực cũng như có được quỹ đất rộng lớn, quy hoạch, hạ tầng đồng bộ…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top