Aa

Xuất khẩu khởi sắc trở lại 

Thứ Hai, 11/09/2023 - 16:48

Tổng cục Hải quan vừa báo cáo Bộ Tài chính về tình hình công tác của ngành hải quan trong tháng 8/2023, trong đó có thông tin về xuất nhập khẩu.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 năm 2023, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 62,08 tỷ USD, tăng 8,8% so với tháng trước (tương ứng tăng 5,01 tỷ USD).

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 32,76 tỷ USD, tăng 9% (tương ứng tăng 2,69 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 29,32 tỷ USD, tăng 8,6% (tương ứng tăng 2,32 tỷ USD). 

Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong 8 tháng năm 2023 đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8%, tương ứng giảm 64,21 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt 228,17 tỷ USD, giảm 9,8% (tương ứng giảm 24,79 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu đạt 208,27 tỷ USD, giảm 15,9% (tương ứng giảm 39,42 tỷ USD).

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 8 năm 2023 thặng dư 3,44 tỷ USD. Qua đó, nâng mức thặng dư lũy kế trong 8 tháng năm 2023 lên 19,9 tỷ USD.

Về tình hình thu ngân sách, Tổng cục Hải quan cho biết, số thu ngân sách Nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ 01/8-31/8/2023 đạt 27.771 tỷ đồng, tăng 0,54% so với tháng trước. Lũy kế từ 01/01 - 31/8/2023 số thu NSNN đạt 240.390 tỷ đồng, bằng 56,6% dự toán, giảm 19,2% (tương đương giảm 57.077 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm trước.   

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) trong tháng không phát sinh điểm nóng về buôn lậu, GLTM và hàng giả. Các địa bàn phát sinh các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có số vụ việc, trị giá tang vật lớn như: Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, TP.HCM, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang… tập trung vào một số hành vi như: không khai báo, khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng nhằm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm như pháo nổ, ma túy, động vật hoang dã, lâm sản, thuốc lá, đường kính, dầu D/O...

Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhưng giảm so với tháng trước... Các đối tượng lợi dụng loại hình H11 (hàng nhập khẩu khác) để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới về Việt Nam và chuyển tiếp đi các nước khác tiêu thụ. Thủ đoạn cất giấu của chúng thường ngụy trang ma túy trong các gói kẹo, thực phẩm chức năng, thức ăn chó mèo, mỹ phẩm... Trong đó, xuất hiện hiện tượng mới các chất ma túy từ các nước quá cảnh đi Lào.

Trước tình hình trên, với vai trò cơ quan tham mưu, giúp việc cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo, cảnh báo cho các Cục Hải quan tỉnh thành phố, hướng dẫn thực hiện công tác chống buôn lậu, GLTM: Cảnh báo đối tượng, tuyến đường, thủ đoạn cất giấu chất ma tuý; Cảnh báo thủ đoạn vận chuyển hàng hoá vi phạm pháp luật qua tuyến hàng không; trao đổi kinh nghiệm và hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát ma túy.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tổ chức Hội nghị trao đổi về công tác nghiệp vụ kiểm soát hải quan; phòng, chống ma túy và kỹ thuật, tàu thuyền tại Đà Nẵng và tổ chức lớp Tập huấn công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ do chuyên gia Hải quan Cuba giảng dạy.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Lãnh đạo Bộ Tài chính trong công tác phòng, chống rửa tiền; chống tài trợ, phòng chống khủng bố, Tổng cục Hải quan đã thực hiện các nhiệm vụ của Tổ giúp việc Ban chỉ đạo PCRT quốc gia, Tổ giúp việc sau đánh giá đa phương APG, Nhóm đánh giá rủi ro quốc gia về PCRT trong việc tổng hợp số liệu, báo cáo, tham gia ý kiến, đánh giá rủi ro của ngành Hải quan liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ, phòng, chống khủng bố./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top