Aa

Xuất lộ đá ong, gạch Bát Tràng trong khảo cổ ngôi điện lớn nhất triều Nguyễn

Thứ Sáu, 11/06/2021 - 12:55

Công tác khảo cổ tại điện Thái Hòa, ngôi điện lớn nhất của triều Nguyễn thuộc Đại nội Huế bước đầu đã xuất lộ một số dấu tích, công trình quan trọng.

Sáng 10/6, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế (TTBTDTCĐ) cho biết, đến ngày 10/6, công tác khảo cổ đã xuất lộ nền móng bậc cấp, xuất lộ hệ thống đá ong bó vỉa sát nền móng ở chái Đông và chái Tây; xuất lộ lớp gạch Bát Tràng trên lớp đá ong bó vỉa sát nền móng dọc theo bậc cấp chái Tây; xuất lộ hệ thống đá ong bó vỉa sát chân móng chái Đông, bậc cấp lên xuống của điện Thái Hòa; xuất lộ chân móng chái Tây, góc phía Tây Bắc của điện Thái Hòa.

Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi
Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi (Ảnh: Đình Huân)

Các kết quả bước đầu nói trên có được sau khi TTBTDTCĐ Huế tiến hành việc khảo cổ theo Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ tại Quyết định số 86/2008/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra TTBTDTCĐ Huế cũng thành lập tổ giám sát khảo cổ, với các thành viên gồm lãnh đạo Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Ban Quản lý dự án Di tích Cố đô Huế, Ban Tư vấn Bảo tồn di tích. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho Phòng Quản lý bảo vệ trực bảo vệ phạm vi, vị trí khảo cổ và phối hợp với cán bộ tham gia thực hiện tốt công tác khảo cổ tại di tích điện Thái Hòa.

Trước đó thực hiện Quyết định số 1743/QĐ-BVHTTDL, ngày 28/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, TTBTDTCĐ Huế đã triển khai khảo cổ học tại di tích điện Thái Hòa theo kế hoạch đã ban hành; trong đó, thời gian khảo cổ từ ngày 5/6/2021 đến 20/6/2021 với diện tích 66m2 tại hai chái Đông và Tây.

Hệ thống đá ong xuất lộ sau khi khảo cổ bước đầu ở điện Thái Hòa
Hệ thống đá ong xuất lộ sau khi khảo cổ bước đầu ở điện Thái Hòa (Ảnh: TTBTDTCĐ Huế)

Đợt khảo cổ này nhằm mục đích làm phát lộ các dấu vết của nền móng tường thành, bậc cấp, kết cấu móng ở phần chái Đông và chái Tây của điện Thái Hòa, đồng thời phục vụ cho việc nghiên cứu và bổ sung hồ sơ dự án: Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa.

Sau khi kết thúc đợt khai quật khảo cổ, Trung tâm sẽ có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khảo cổ và báo cáo khoa học gửi về Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch theo quy định tại Điều 3 Quyết định số 1743 /QĐ-BVHTTDL, ngày 28/5/2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ. Việc công bố kết quả khai quật khảo cổ sẽ được thực hiện theo quy định.

Quá trình thực hiện khảo cổ học tại di tích nói trên do bà Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học TTBTDTCĐ Huế chủ trì. Tham gia khảo cổ có các thành viên của phòng Nghiên cứu Khoa học cùng Tổ giám sát khảo cổ là lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị chuyên môn trực thuộc TTBTDTCĐ Huế.

Điện Thái Hòa là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn, từ vua Gia Long đến vị vua cuối cùng là vua Bảo Đại. Dưới triều vua Nguyễn, cung điện này được coi là trung tâm của đất nước.

Theo sử liệu, quá trình xây dựng và trùng tu điện Thái Hòa được chia làm 3 thời kỳ chính; mỗi thời kỳ đều có những thay đổi lớn, cải tiến về kiến trúc và trang trí. Vua Gia Long khởi công xây dựng vào ngày 21/2/1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại nội, trong đó có việc cho dời điện về mé Nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn. Năm 1923 dưới thời vua Khải Định để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng vua tròn 40 tuổi) diễn ra vào năm 1924, điện Thái Hòa đã được “đại gia trùng kiến”.

Thềm móng bậc cấp chái Tây điện Thái Hòa
Thềm móng bậc cấp chái Tây điện Thái Hòa (Ảnh: TTBTDTCĐ Huế)

Qua các đợt trùng tu lớn nói trên và nhiều lần trùng tu sửa chữa nhỏ khác dưới thời vua Thành Thái, Bảo Đại và trong thời gian sau này các năm 1960, 1970, 1981, 1985 và 1992, điện Thái Hòa đã ít nhiều có thay đổi, vẻ cổ kính ngày xưa đã giảm đi một phần. Tuy nhiên, cốt cách cơ bản của nó thì vẫn còn được bảo lưu, nhất là phần kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật. Hiện nay, điện Thái Hòa là một trong những di tích thuộc Đại nội Huế du khách tham quan bên trong bị cấm việc quay phim, chụp hình.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng từng thực hiện một số ít cuộc tiếp đón, trao giấy phép đầu tư tại điện Thái Hòa, trong đó lần trao gần đây nhất là năm 2019 khi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế trao quyết định chủ trương đầu tư cho nhà đầu tư dự án Khu Liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tuy nhiên, những hoạt động này vấp phải sự phản ứng của dư luận, lãnh đạo tỉnh đã cầu thị, tiếp thu nên từ bấy đến nay chưa thấy diễn ra các hoạt động tương tự.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top