Aa

Hạ giải và trùng tu?

Thứ Bảy, 29/06/2019 - 06:01

Mỗi lần về quê, mấy mươi năm nay, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ về cái ngày người ta hô hào đi phá Đình. Và mỗi lần tôi đi ngang qua ngôi nhà Hợp tác xã này, nhìn vào hàng cột này là thấy đau đớn.

Làng Thi bên dòng sông Vĩnh là nơi tôi lớn lên. Tôi không sinh ra ở đây, nhưng đã lớn lên từ ấu thơ.

Thuở tôi lớn lên chạy nhảy, vui đùa, tắm mát với dòng sông là thời kỳ đẹp và lành, hiền hòa của một vùng miền quê Việt yêu dấu thánh thiện làm sao. Giờ, nó không trở lại, mà có lẽ sẽ không bao giờ còn nữa. Nó đã chết. Một quê hương hiền hòa đã chết đi từ đó, từ khi con người không còn nhìn nhận quê hương có tổ tiên.

Tôi muốn nói đến những cây cột gỗ bên ngôi nhà Hợp tác xã Vĩnh Lợi. Ngôi nhà này vẫn còn, giờ làm kho chứa thóc Hợp tác xã.

Năm 1976, nó được các ông hưu trí đi tập kết ở Bắc về, là thành phần Đảng viên cốt cán lúc bấy giờ đi phá ngôi Đình làng Thi Ông để làm nhà Hợp tác xã. Ngôi Đình làng hiện hữu cùng tuổi với ngày cha ông tổ tiên chúng tôi vào lập ấp khai hoang để có ra ngôi làng Thi Ông.

Đình làng bằng gỗ rất lớn nằm sát sông Cổ Hà. Cột hiên mà tôi muốn nói đến ở đây là các đòn tay. Cột người ta sẽ lấy ván. Mỗi lần về quê, mấy mươi năm nay, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ về cái ngày người ta hô hào đi phá Đình. Và mỗi lần tôi đi ngang qua ngôi nhà Hợp tác xã này, nhìn vào hàng cột này là thấy đau đớn.

Tại sao người ta lại ấu trĩ đến vậy? Chỉ có 1 điều để nói về hành động này: Họ không nhìn nhận quê hương có tổ tiên. Những người hô hào phá Đình, họ đã chết từ lâu. Nhưng dấu tích của một thời điêu linh của dân tộc để lại vẫn khó xóa nhòa.

Bố tôi kể, trước 1975, ông cùng ông nội tôi về Đình, ông còn nhớ là Đình làng có 25 bát hương cổ. Ngôi Đình uy nghi linh thiêng nằm bên dòng Cổ Hà. Thuở khai canh, tổ tiên làng Thi Ông vào đây sống ven sông Cổ Hà. Đến thời Vua Tự Đức cho đào con sông Vĩnh Định, dân làng mới lần lượt về sống hai bên sông Vĩnh.

Dòng sông Vĩnh Định

Dòng sông Vĩnh Định

Từ ngày ấy, nếp sống hiền hòa phai dần, thay vào đó là những buổi kiểm điểm họp xóm, nhưng loa phát thanh tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, những cán bộ như vua giữa làng xã. Thương kiếp dân nghèo muôn đời vẫn thế, lam lũ và quần quật với đất với bùn.

Dòng sông Vĩnh không còn êm đềm chảy nữa từ ngày người ta chắn sông đắp đập thủy lợi. Dòng sông ứ đọng như dòng đời hôm nay chất đầy tha hóa.

Những con đường bê tông quê tôi sao mà nó vô hồn và xác xơ đến nghiệt ngã. Con đường làng ngày ấy rợp bóng cây và hai bên là những hàng rào chè tàu đẹp mắt. Nhà nào cũng vun vén màu xanh hàng rào vào ngõ nhà. Giờ người ta không còn muốn làm đẹp nữa. Cây xanh cổ thụ dọc đường không ai trồng. Có đường để đi, có ruộng để cấy lúa, nghĩa là có cái cho vào miệng, thế là được.

Quan tâm của con người dần nghèo đi theo thời gian sống. Con người ngày một trơ lì trước cuộc sống. Tiếc thương!

Bình yên, vâng, vẫn có bình yên khi bạn đem so với náo nhiệt của phố xá. Nhưng, nhìn vào trong lòng làng quê, bình yên chỉ là lớp vỏ mỏng dễ vỡ. Nghèo đói và bệnh tật đang còn ám ảnh cuộc sống người dân quê tôi.

Từ ngày ấy, từ cái ngày tổ tiên là "kẻ xa lạ" trước mắt những người cán bộ quê tôi, dường như thời gian đã đưa dân làng đi về hôm nay của nghèo đói và bệnh tật. Tôi vẫn yêu quê tôi, vẫn lặng nhìn dòng sông và lũy tre xơ xác nhưng là chứng nhân hơn 500 năm qua từ ngày tổ tiên chúng tôi về đây khai canh.

Ngày nay, những giá trị vật thể để tìm về dòng chảy nguồn cội không chỉ nơi làng Thi quê tôi, mà ở khắp mọi nơi, những làng quê cho đến phố thị của mảnh đất quê hương vẫn đang bị sói mòn, đang đứng trước nguy cơ của sự biến mất vĩnh viễn. Nhiều công trình kiến trúc, những đình chùa, đền miếu dần dần trở nên cũ và hư hại. Người ta tìm cách “hạ giải” để “trùng tu”. Vâng, sẽ chẳng có gì để nói nếu như sau khi “hạ giải” ấy là một ngôi chùa, ngôi đình hoàn toàn mới, khác xa và chẳng còn phảng phất một chút dấu ấn nào của công trình mà cha ông để lại.

“Hạ giải”, “trùng tu” trở thành những “mỹ từ” khi người ta muốn dùng để bao biện cho hành động phá hoại di sản của họ. Như ngôi Đình làng Thi quê tôi, cũng đã được hạ giải. Nơi mảnh đất đó, một ngày không xa khi tiếng nói đủ lớn, có lẽ, Đình cũng sẽ lại được “trùng tu” mới tinh và khang trang hơn xưa???

Hành trình cuộc sống là học hỏi người ta lại chà đạp.

Mục đích sống là trưởng thành thì ý thức về nguồn cội lại đi xuống, hồn nhiên trước mất mát những giá trị mà ông cha để lại.

Bản chất cuộc sống là thay đổi người ta lại trơ lì, vô cảm.

Hành động để vượt qua thì người ta lại trông chờ và an phận.

Tôi muốn ghi lại không phải để lục lọi ký ức.

Tôi ghi lại không vì lên án. Vì tôi yêu quê hương nơi có tổ tiên bao đời gây dựng. Tôi nguyện cầu và hành động, tôi không ngồi yên trông chờ hay lên án. Hãy làm điều gì đó cho quê hương trong chính giới hạn của mình.

Tôi vẫn thấy ở quê bao công trình xây mới, thấy mà ngậm ngùi, vì họ đang xây một cái xác vô hồn giữa quê hương.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top