Aa

Xuất nhập khẩu giảm tốc và những vấn đề cần lưu tâm

Thứ Năm, 09/08/2018 - 20:01

Điện thoại là mặt hàng quan trọng, chiếm tới 1/5 tổng xuất khẩu cũng như GDP của Việt Nam nên xuất khẩu điện thoại giảm tốc nhanh chắc chắn sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Xuất khẩu khối FDI chậm lại do điện thoại và điện tử

Xuất khẩu tháng 7 chỉ tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước nên đã kéo tăng trưởng 7 tháng xuống 15,3% theo năm, mức thấp nhất 16 tháng.

Khối trong nước duy trì được tốc độ tăng trưởng cao là 18,7% trong khi khối FDI tăng chậm lại rõ rệt, xuống còn 14,9%, cũng là mức thấp nhất 16 tháng.

Khối FDI chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn (70%) và vì vậy sự giảm tốc của khối FDI là nguyên nhân kéo giảm tăng trưởng xuất khẩu chung. Đa phần các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam đều do khối FDI chi phối như điện thoại, điện tử, máy móc thiết bị hay dệt may, giày dép.

Cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng chính 6 tháng đầu năm

Cơ cấu xuất khẩu các mặt hàng chính 6 tháng đầu năm

Mặt hàng sắt thép vốn là thế mạnh của khối trong nước nhưng khi Formosa đi vào hoạt động đã đẩy tăng trưởng xuất khẩu của khối FDI lên rất cao 68,4% theo năm và có thể khối FDI sẽ vượt khối trong nước trong năm nay.

Sau một giai đoạn tăng trưởng rất ấn tượng, xuất khẩu điện thoại đột ngột chậm lại từ quý II mà nguyên nhân chính là do Samsung giảm sản lượng. Điều này có thể thấy rõ qua chỉ số công nghiệp và chỉ số lao động tại hai tỉnh có nhà máy của Samsung là Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Lý do Samsung giảm sản lượng tại Việt Nam không được công bố nhưng đây có thể là sự thay đổi có tính chiến lược khi Samsung vừa khánh thành nhà máy lắp ráp điện thoại lớn tại Ấn độ.

Điện thoại là mặt hàng quan trọng, chiếm tới 1/5 tổng xuất khẩu cũng như GDP của Việt nam nên xuất khẩu điện thoại giảm tốc nhanh chắc chắn sẽ có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế.

Cũng là giảm tốc như Điện thoại nhưng xuất khẩu Điện tử không gây bất ngờ bởi xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2017 khi cả Samsung và LG đều phải tính đến việc mở nhà máy tại Mỹ sau sức ép của Donald Trump.

Trước cuộc gặp giữa tổng thống Hàn Quốc và tổng thống Mỹ vào giữa năm 2017, Samsung đã tuyên bố kế hoạch đầu tư 380 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất máy giặt và đồ điện tử tại Mỹ. Sang quý II/2018, đà giảm của xuất khẩu điện tử đã có phần chững lại, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đứng ở mức thấp, 13.8%.

Tăng trưởng xuất khẩu điện thoại khối FDI

Tăng trưởng xuất khẩu điện thoại khối FDI

Xuất khẩu máy móc, thiết bị của khối FDI chưa chịu nhiều sức ép như điện thoại, điện tử. Tăng trưởng duy trì đều đặn ở mức cao và tính chung 6 tháng, xuất khẩu máy móc thiết bị của khối FDI đã đạt 7 tỷ USD, tăng 31,7% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim đạt 2 tỷ USD, tăng 35%.

Xuất khẩu hàng dệt may là điểm sáng của khối FDI với tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 16%, gấp đôi so với cùng kỳ. Xuất khẩu giày dép có phần đuối hơn khi giảm xuống mức 8 - 9%.

Trong thời gian qua Trung Quốc đã giảm dần sản xuất hàng dệt may, tạo khoảng trống thị trường cho hàng dệt may Việt Nam chiếm lĩnh. Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, rất có thể hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi và có cơ hội tăng tốc.

Thị trường Trung Quốc không còn khả quan như trước

Sau 2 năm tăng trưởng ngoạn mục, xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm tốc. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với giá trị xuất khẩu gấp đôi Nhật Bản nên sự giảm tốc của thị trường Trung Quốc có ảnh hưởng trọng yếu đến tăng trưởng xuất khẩu chung.

So với các thị trường quan trọng khác của Việt Nam như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.… thị trường Trung Quốc và Hồng Kông giảm tốc rõ rệt với tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng lần lượt là 28% và 9%. Trong khi cả năm 2017 đạt 62% và 24%. Hồng Kông có thể coi là một cửa ngõ vào Trung Quốc nên cũng phản ánh nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Trong 13 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD sang Trung Quốc năm 2017, chỉ có dệt may và giày dép duy trì tốc độ tương tự khi sang năm 2018.

Tuy nhiên, 11 mặt hàng còn lại đều giảm tốc sâu, trong đó máy móc, cao su, gạo chuyển sang tăng trưởng âm. Mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất là điện thoại mặc dù có tốc độ tăng cao 267% trong 6 tháng đầu năm nhưng tốc độ này cũng chưa bằng một nửa của năm 2017 là 792%.

Các mặt hàng chính xuất khẩu sang Trung Quốc

Nếu điện thoại, điện tử giảm tốc có thể xuất phát từ sự thay đổi chiến lược của một vài doanh nghiệp FDI thì sự giảm tốc của máy móc, máy ảnh và đặc biệt là hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc là một dấu hiệu cần lưu tâm.

Mặc dù tổng xuất khẩu máy móc và máy ảnh vẫn tăng trưởng ổn định. Xuất khẩu sang Trung Quốc của hai mặt hàng này lại giảm với máy ảnh giảm từ 26% xuống 16% còn máy móc giảm từ 34% xuống âm 17%.

Xuất khẩu máy móc có vị trí quan trọng bởi đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu máy móc đạt 7,8 tỷ USD. Trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 1/10 với 717 triệu USD, đứng thứ 4 sau Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản (năm 2017 Trung Quốc đứng thứ 3)

Tương tự máy móc, thị trường thủy sản của Trung Quốc cũng đứng sau Mỹ và Nhật. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc tăng tốc rất ấn tượng trong 2 năm 2016 và 2017, trên 50%. Trong đó có mặt hàng đáng chú ý là cá tra.

Tận dụng lợi thế địa lý và thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc, cá tra đã tìm được thị trường mới, giảm bớt phụ thuộc vào các thị trường truyền thống Âu - Mỹ.

Nhờ đó, ngành nuôi và chế biến cá tra của Việt nam đã có tăng trưởng rất khả quan vào cuối 2017, đầu 2018 với việc giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao kỷ lục vào tháng 4/2018.

Tuy vậy, khi nhập khẩu của Trung Quốc chậm dần, giá cá tra của Việt Nam cũng giảm và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm.

Không có nhiều thị trường lớn như hàng công nghiệp hay thủy sản, rau quả Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc.

Không những thế, Việt Nam còn là nơi trung chuyển hoa quả của Thailand sang Trung Quốc. Tăng trưởng xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt mức trung bình trên 70%/năm trong 4 năm 2014 - 2017. Nhưng, 6 tháng 2018, tốc độ tăng trưởng giảm còn 18%.

Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, tổng nhập khẩu cá đông lạnh và hoa quả của Trung Quốc trong năm 2018 nhìn chung cũng giảm nhưng tốc độ giảm của hoa quả rõ rệt hơn. Với hàng thủy sản (cá đông lạnh), nhập khẩu của Trung Quốc có chậm lại nhưng không nhiều, 15,3% trong 6 tháng 2018 so với 17,4% của năm 2017.

Nhìn một cách tổng thể, tốc độ xuất khẩu sang Trung Quốc chậm lại đến từ các nguyên nhân: Thứ nhất, thay đổi chiến lược sản xuất điện thoại, điện tử của một số doanh nghiệp khối FDI; thứ hai là nền cao của cùng kỳ do các năm trước có tốc độ tăng trưởng rất cao; thứ 3, nhu cầu của Trung Quốc giảm. Trong số đó, nguyên nhân hai và thứ 3 có thê xuất phát từ cạnh tranh hoặc các rào cản kỹ thuật từ phía Trung Quốc.

Với tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại và đồng CNY mất giá sâu, nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ còn co hẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu hàng hóa của Việt nam.

Nhập khẩu máy móc thiết bị giảm tốc

Nhập khẩu cũng có xu hướng giảm cùng chiều với xuất khẩu khi hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu. Tăng trưởng nhập khẩu của khối FDI ở những mặt hàng chính đều thấp hơn rõ rệt so với khối trong nước. Trong đó, Máy móc, Linh kiện điện thoại, Nguyên phụ liệu dệt may da giày có tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.

Nếu như nhập khẩu linh kiện điện thoại và điện tử giảm có liên quan đến xuất khẩu các mặt hàng thành phẩm. Việc giảm dần nhập khẩu máy móc thiết bị là một tín hiệu cảnh báo trước về tình hình sản xuất kinh doanh của khối FDI.

Tính chung 6 tháng, khối FDI nhập khẩu 8,9 tỷ USD giá trị máy móc thiết bị, giảm 16% theo năm; trong khi khối trong nước nhập 6,9 tỷ USD, tăng 5%.

Trong nhiều năm qua, khối FDI là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu cũng như kinh tế Việt Nam. Việc giảm nhập máy móc thiết bị của khối FDI là tín hiệu báo trước tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của khối này sẽ còn chậm hơn trong tương lai.

Số liệu này phản ánh chân thực và là cảnh báo rõ nét hơn về tăng trưởng của khối FDI so với số liệu vốn đầu tư.
Theo công bố về tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thị trường chứng khoán, vốn đầu tư của khối FDI có tăng chậm lại nhưng tốc độ giảm không nhiều, từ 9,6% trong 6 tháng 2017 xuống 8,5% trong 6 tháng 2018.

Nhập siêu quay trở lại

Khi cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều giảm tốc, nhập siêu đã quay trở lại do lượng xuất siêu của khối FDI giảm trong khi nhập siêu của khối trong nước vẫn đứng ở mức cao.

Xuất siêu của khối FDI trong tháng 7 là 2 tỷ USD, thấp hơn mức trung bình 6 tháng đầu năm là 2,6 tỷ USD, còn nhập siêu của khối trong nước là 2,3 tỷ USD, cao hơn trung bình 6 tháng là 2 tỷ USD.

Xuất siêu hàng tháng

Xuất siêu hàng tháng

Khối FDI nhìn chung nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nên duy trì được giá trị xuất siêu trong thời gian dài. Khi xuất khẩu giảm thì giá trị xuất siêu của khối FDI cũng giảm.
 
Với khối trong nước, ngoài việc nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thì phần lớn hàng nhập khẩu để sản xuất và tiêu dùng trong nước, vì vậy khối trong nước luôn nhập siêu.

Từ năm 2019, nhập siêu của khối trong nước có thể giảm một phần khi có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam sản xuất được những hàng hóa có giá trị nhập khẩu lớn như ô tô, thép, dược….

Như thành quy luật, khi xuất khẩu của khối FDI giảm sút, cán cân thương mại sẽ nghiêng dần về phía nhập siêu. Gần đây nhất là giai đoạn cuối 2016, đầu 2017 khi Samsung gặp sự cố Galaxy Note 7 làm xuất khẩu điện thoại giảm. Xuất siêu của 7 tháng đầu năm 2018 là 3 tỷ USD, trong đó phần lớn đến từ kết quả của quý I. Với những diễn biến mới trong quý 2, giá trị xuất siêu này sẽ giảm dần và có thể sẽ không còn xuất siêu khi hết năm 2018.

Tựu trung lại, từ các số liệu xuất nhập khẩu 7 tháng đầu năm, có lý do để chúng ta phải đề phòng với những rủi ro mới phát sinh. Đó là sự tăng trưởng chậm lại của khối FDI mà nòng cốt là các mặt hàng điện thoại, điện tử và sự thu hẹp của thị trường Trung Quốc.

Nhập siêu đã quay trở lại và có thể còn kéo dài cho đến khi Việt Nam tìm được động lực thúc đẩy xuất khẩu mới và/hoặc nguồn cung trong nước đủ sức thay thế hàng nhập khẩu.

Xuất siêu trong năm 2017, đầu 2018 là một nhân tố quan trọng giúp ổn định vĩ mô. Khi không còn xuất siêu, việc cân đối cán cân thanh toán sẽ trở nên phức tạp hơn, nhất là trong giai đoạn lãi suất và rủi ro toàn cầu từ chiến tranh thương mại gia tăng.

Biện pháp trước mắt khi không thể thúc đẩy xuất khẩu là hạn chế nhập khẩu thông qua các hàng rào kỹ thuật và hàng rào thuế quan (như thuế tự vệ đối với thép). Thực tế tăng trưởng của các ngành sản xuất được bảo hộ như thép, dược, ô tô đều khả quan và vì vậy việc tiếp tục bảo hộ là cần thiết song song với việc hạn chế nhập khẩu các mặt hàng phi sản xuất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top