Aa

Xung đột sở thích

Thứ Sáu, 18/01/2019 - 06:00

Sở thích riêng từng người nếu không trùng hợp đều là lý do gây chiến. Tôi thích ăn mỡ và uống bia trong khi vợ chú trọng ăn uống khoa học. Đã là khoa học thì từng ly từng tí thuộc về dinh dưỡng được phân bổ hợp lý. Trong khi đó tôi ăn uống bạt mạng phụ thuộc vào khoái khẩu. Đừng tưởng miếng ăn là nhỏ. Không đâu cuộc chiến ẩm thực này khá là căng thẳng nếu không biết điều tiết.

Không ít những cặp đôi phải nhiều lần tham chiến ở cuộc chiến tranh dai dẳng chồng vợ. Sự nhiều ít trong chiến tranh đời người này phụ thuộc vào tính cách của từng bên. Cuộc chiến tranh chồng vợ thực chất là những xung đột góp lại và trong những xung đột ấy sở thích là xung đột chủ đạo. Có thể gọi là xung đột tính cách nhưng liệt kê từ sở thích có lẽ chính xác hơn.

Tôi ham mê văn chương từ nhỏ. Ước mơ trở thành nhà văn luôn nung nấu và thường trực trong suốt những năm tháng tôi trưởng thành. Ở thời điểm gặp người bạn đời tôi bắt đầu tập trung vào thực hiện mơ ước của mình.

Vợ tôi là một bác sĩ. Có thể nói vợ làm ngành y và chồng theo đuổi văn chương xét trên lý thuyết là hợp nghề nghiệp vì cùng hướng đến cái đích con người ở phần thân xác và tâm hồn. Đấy là lý thuyết còn trên thực tế vì có kiến thức y nên tôi khá rầy rà với những định chuẩn về sức khỏe của vợ áp đặt.

Xung đột!br class=

Xung đột!                                                           Ảnh minh họa, nguồn: INTERNET

Tôi thức khuya làm việc. Nghề văn phải đọc và viết nên làm việc độc lập và chả có gì tốt hơn cho việc một mình giữa đêm khuya tĩnh lặng. Coi đấy là sở thích thì chưa phải mối nguy hại nhưng những gì kèm theo cho việc thức đêm mới là khốn khổ. Tôi cũng như nhiều kẻ “vạc ăn sương” khác đều ghiền cà phê, trà là những chất kích thích để thức. Thêm vào đó tôi hút thuốc lá. Thói quen này có từ thời trai trẻ và rất khó bỏ. Với một bác sĩ, nội chỉ từng kia thứ đã là điều không thể chấp nhận được. Xung đột tất yếu xảy ra. Khi không chấp nhận bỏ thuốc, tôi buộc phải nhượng bộ hút thuốc ở ngoài phạm vi căn hộ để khỏi ảnh hưởng đến người khác. Điều này đúng nhưng cực khổ trăm bề cho mỗi lần cơn nghiện đến. Thậm chí để đỡ phải đi lại ra vào cho những lần hút thuốc tôi dinh hẳn bàn làm việc ra hành lang ngoài căn hộ làm việc cho tiện. Được cái nọ thì mất cái kia, hàng xóm đi qua đi lại luôn nhìn tôi như một gã dở người cám hấp thì thọp đêm hôm khuya khoắt ngoài nhà. Sau này khi có điều kiện xây nhà nhiều tầng thì tình hình có được cải thiện hơn. Tôi có thể thoải mái hút ở trong phòng của mình mà không gây hại cho bất cứ ai.

Sở thích riêng từng người nếu không trùng hợp đều là lý do gây chiến. Tôi thích ăn mỡ và uống bia trong khi vợ chú trọng ăn uống khoa học. Đã là khoa học thì từng ly từng tí thuộc về dinh dưỡng được phân bổ hợp lý. Trong khi đó tôi ăn uống bạt mạng phụ thuộc vào khoái khẩu. Đừng tưởng miếng ăn là nhỏ. Không đâu cuộc chiến ẩm thực này khá là căng thẳng nếu không biết điều tiết.

Phụ nữ luôn biết cách gìn giữ và chăm chút cho cơ thể. Điều này lại vô nghĩa với đàn ông. Tôi không coi trọng hình thể, ăn mặc nên thế nào xong thôi. Vợ tôi lại khác. Tất nhiên không tính đến những đặc thù phụ nữ như trang điểm, làm đẹp, riêng chuyện cái vỏ bề ngoài cũng khối chuyện. Đàn ông số đỏm đáng, ve vuốt mẽ ngoài ít lắm. Đa phần là xộc xệch thế nào xong thôi. Sau này kinh tế khá giả thì đàn ông cũng bị xu thế hình thức chi phối chứ còn dạo đói nghèo, tôi có gì mặc nấy, chẳng bận tâm đến áo quần, giày dép ra sao. Thế nên có việc đi đâu phải có cặp là y rằng sinh chuyện. Phụ nữ dù tinh tế đến mấy cũng ít khi hiểu và chia sẻ được với đàn ông khi những người trên danh nghĩa là “trụ cột” gia đình bị bạn đời nhắc nhở, thậm chí là điều khiển phải thế này thế nọ dù chỉ là chuyện ăn mặc. Tự ái là một thuộc tính không thể thiếu của đàn ông trước đàn bà. Khi đã tự ái tất nảy sinh sự ăn thua và thế là chiến tranh.

Nói thêm về sở thích. Tôi thích bay nhảy, du hí và quy vào tính cách thì đó là sự hướng ngoại. Vợ tôi chỉn chu, luôn lo lắng, chăm sóc gia đình hạn chế những giao tiếp không cần thiết. Tóm lại là hướng nội, mọi sự đều tập trung vào tổ ấm. Riêng đoạn này thì không ai chịu ai. Và thế là mạnh ai nấy làm theo ý thích của mình. Nguy cơ này không hề nhỏ. Nó dẫn đến sự xa cách từ âm ỉ nhỏ bé cứ thế trôi đi theo thời gian đến một lúc nào đó vợ chồng không còn nhu cầu tâm sự để thấu hiểu nhau. Rất may nguy cơ này sẽ không bị bùng phát nếu ở một thời điểm nào đó, vợ chồng có thể thẳng thắn với nhau những điều cần phải giải quyết để cứu vãn tình hình.

Còn nhiều điều phải kể ở sở thích từ cái nhỏ nhất đến những cái lớn nhưng tựu trung đây chính là nguyên nhân quan trọng của chiến tranh chồng vợ. Nguyên nhân sở thích thường nếu không bị chế ngự sẽ dẫn đến kết cục tan vỡ. Chẳng thế mà nguyên nhân ly hôn được viện dẫn trước tòa án đa phần là sống không hợp nhau.

Tạm thế đã, cuộc chiến tranh chồng vợ còn được thể hiện ở những khía cạnh khác nữa nhưng với sở thích khác biệt đã bội phần nguy hiểm. Tất nhiên hôn nhân còn may mắn ở chỗ ngoài tình yêu còn đó là nghĩa cả. Nghĩa chồng vợ đầu gối tay ấp và nữa là con cái, gia đình. Ôi những cuộc chiến tranh, phức tạp lắm thay. Chẳng biết có phải vì thế mà mỗi cuộc hôn nhân là một câu chuyện dài muôn hình vạn trạng kể không bao giờ dứt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top