Aa

Ý kiến của Bộ Tài chính chưa toàn diện và chưa giải quyết tận gốc vấn đề

Thứ Sáu, 13/03/2020 - 16:31

Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng mức độ ảnh hưởng đối với một số nhóm nhỏ đối tượng là chỉ nhìn vào số lượng các tổng công ty, tập đoàn bị ảnh hưởng, mà chưa đánh giá hết thuế thu nhập mà tổng số các đơn vị đang đóng.

Về những ý kiến của Bộ Tài chính đề nghị sửa đổi Điều 8 Nghị định 20 đã giải quyết được một phần vấn đề, bất cập đang diễn ra. Tuy nhiên, những nội dung này chưa thấu đáo, chưa toàn diện và chưa giải quyết tận gốc vấn đề.

Theo tôi, mục tiêu của Nghị định 20 đặt ra là chống xói mòn về thuế, chống chuyển giá. Trong cùng một vùng quốc gia, lãnh thổ, thì thuế suất thuế thu nhập của người nộp thuế so với thuế suất thuế thu nhập của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, nhỏ hơn hoặc bằng thì không thể trốn thuế ở người nộp thuế. Bởi việc tập trung tỷ lệ khống chế lãi vay EBITDA, thì đầu tiên là khống chế lãi vay, sau đó, mới thực hiện được mục tiêu chống chuyển giá. 

Những khuyến nghị của tổ chức OECD nhằm chống xói mòn thuế và chuyển giá ở xuyên biên giới. Khi thực hiện trên cùng một vùng lãnh thổ, quốc gia đối với người nộp thuế có cùng mặt bằng thuế suất thuế thu nhập hoặc có thuế suất cao hơn với doanh nghiệp liên kết thì điều này là không phù hợp.

Nếu khống chế một tỷ lệ chi phí lãi vay 20% hoặc 30%, thì bất kỳ tỷ lệ nào vượt lên đều bị đánh thuế hai lần, lần thứ nhất từ người nộp thuế, do không được khấu trừ chi phí hợp lý, nên phải chịu thuế, lần thứ hai là được nhập vào doanh thu của doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Do đó, nếu khống chế tỷ lệ lãi vay của đối tượng nộp thuế với doanh nghiệp có giao dịch liên kết ở trong cùng một quốc gia, lãnh thổ mà mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của đối tượng nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng doanh nghiệp giao dịch liên kết là không phù hợp, vi phạm nguyên tắc tránh đánh thuế hai lần.

Do đó, tất cả những khoản tiền đóng thuế, bị truy thu, bị loại trừ chi phí hợp lý của doanh nghiệp trong nước, thời gian qua, vì nằm trong cùng một quốc gia, thì đều có khả năng 99% thuộc trường hợp bị đánh thuế hai lần, đều vi phạm nguyên tắc tránh đánh thuế hai lần.

Do đó, tất cả những lập luận, phân tích của Bộ Tài chính nêu ra, đối với người nộp thuế trên cùng một lãnh thổ, quốc gia, cụ thể là đối với doanh nghiệp trong nước có công ty mẹ - con, đa phần chỉ là giải quyết hệ quả của việc đã lỡ đánh thuế hai lần.

Do đó, cần phải giải quyết tận gốc vấn đề là tránh đánh thuế nhiều lần với doanh nghiệp trong nước, vì trên cùng địa bàn lãnh thổ. Tất cả những điều không phù hợp đều phải sắp xếp, sửa lại cho đúng nguyên tắc, trật tự và theo logic.

Do vậy, thứ nhất, phải bổ sung vào điểm a Khoản 2 Điều 8 phần loại trừ chi phí.

Cụ thể, “2. Giao dịch cung cấp dịch vụ giữa các bên liên kết:

a) Trừ các khoản chi quy định tại điểm b khoản này, người nộp thuế được trừ các khoản chi phí dịch vụ vào chi phí tính thuế trong kỳ nếu đáp ứng một trong các điều kiện như sau:

- Dịch vụ được cung cấp có giá trị thương mại, tài chính, kinh tế và phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế; dịch vụ từ các bên liên kết chỉ được xác định đã cung cấp trong điều kiện hoàn cảnh tương tự các bên độc lập chi trả cho các dịch vụ này; phí dịch vụ được thanh toán trên cơ sở nguyên tắc giao dịch độc lập và phương pháp tính giá giao dịch liên kết hoặc phân bổ mức phí dịch vụ giữa các bên liên kết phải được áp dụng thống nhất trong toàn tập đoàn đối với loại hình dịch vụ tương tự và người nộp thuế phải cung cấp hợp đồng, chứng từ, hóa đơn và thông tin về phương pháp tính, yếu tố phân bổ và chính sách giá của tập đoàn đối với dịch vụ được cung cấp.

- Trong cùng một quốc gia, lãnh thổ, mà mức thuế suất thuế thu nhập của đối tượng nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng doanh nghiệp giao dịch liên kết”.

Giải quyết vướng mắc tập trung ở khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20, nhưng tập trung không có nghĩa là chỉ gói gọn trong khoản 3 Điều 8 mà những nội dung ở khoản khác, điều khác, có liên quan có thể giải quyết được thì cũng phải nêu để giải quyết. Ngoài ra, đối với các trường hợp đã đóng thuế thì cần phải áp dụng cho khấu trừ thuế thu nhập những khoản đã đóng.

Thứ hai, đối với người nộp thuế đã nộp kể từ khi Nghị định 20 có hiệu lực thi hành thì khoản thuế này sẽ được tính là thuế nộp trước cho thuế thu nhập sau này. Nội dung này được chuyển thành điều khoản chuyển tiếp của Nghị định sửa đổi Nghị định 20. Như vậy, mới đảm bảo công bằng đối với những người đã tuân thủ pháp luật, đã nộp thuế với những người chưa nộp.

Quan điểm của Bộ Tài chính cho rằng mức độ ảnh hưởng đối với một số nhóm nhỏ đối tượng là chỉ nhìn vào số lượng các tổng công ty, tập đoàn bị ảnh hưởng mà chưa đánh giá hết thuế thu nhập mà tổng số các đơn vị đang đóng, chưa thống kê số lượng người lao động đang làm việc trực tiếp ở các đơn vị này, các đơn vị phụ thuộc, chưa đánh giá hết những mũi đầu tàu kinh tế mà các đơn vị này đang đóng góp cho sự phát triển kinh tế của đất nước.

Vì vậy, cần sửa những nội dung trên để giải quyết được tận gốc vướng mắc trong cuộc sống và đúng nguyên tắc áp dụng về thuế.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top