Aa

Ý tưởng kiến trúc xanh chờ hiện thực hóa

Thứ Ba, 23/10/2018 - 06:01

Tốc độ đô thị hóa nhanh là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Việt Nam đang đứng trước tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu về năng lượng. Trong khi đó, số lượng công trình xanh hiện nay chỉ chưa đầy 100. Phải chăng đã đến lúc những ý tưởng kiến trúc xanh cần được hiện thực hóa.

Thực tế đã chứng minh rằng, công trình xanh là xu hướng tất yếu và đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực cũng như trên thế giới, khi đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu. Đồng thời, công trình xanh còn được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của công trình xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. Đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nhà ở của người dân đô thị ngày càng tăng. 

GS.TS.KTS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam cho hay, ở nước ta, năng lượng tiêu thụ cho các tòa nhà, đặc biệt là các công trình nhà ở và công trình công cộng cao tầng ngay từ năm 1994 đã chiếm khoảng 23 - 24% trên tổng số năng lượng tiêu dùng. Tỷ lệ này tăng lên rất nhiều trong thời gian gần đây khi các đô thị phát triển rất mạnh mẽ và nguồn vốn đầu tư nước ngoài ngày càng nhiều. 

Trong khi đó vẫn tồn tại cách tiêu dùng lãng phí và sử dụng năng lượng kém hiệu quả. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM đã có hàng trăm dự án khu đô thị mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Song các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng cũng như chưa tính đến hiệu quả kinh tế và xã hội của các biện pháp này.

GS.TS.KTS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam

GS.TS.KTS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam

Nhiều công trình khách sạn cao tầng, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại có diện tích sàn sử dụng trên 10.000m2 và tiêu thụ điện năng lớn hơn 2 triệu KWh/năm, trong quá trình vận hành cũng chưa tiến hành công tác kiểm toán năng lượng. Chưa kể, phần lớn các khách sạn và nhà cao tầng mới xây dựng từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài thường được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn của nước ngoài, không thích hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên và kinh tế kỹ thuật của Việt Nam. Vì thế nhiều năng lượng được sử dụng không hợp lý.

Còn các công trình công cộng như tòa nhà hành chính, trường học, bệnh viện... được xây dựng từ nhiều năm trước thì đều dựa trên tiêu chuẩn thiết kế thấp, sử dụng các thiết bị lạc hậu có hiệu suất năng lượng chưa cao. Mặt khác, do hạn chế của điều kiện kinh tế xã hội, việc sử dụng năng lượng trong những công trình này kém hiệu suất, gây lãng phí.

Theo kết quả điều tra tổng quan tiềm năng tiết kiệm năng lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thực hiện, những bất hợp lý trong các giải pháp thiết kế công trình, đặc biệt là phần vỏ công trình kém hiệu quả cách nhiệt và lắp đặt thiết bị đã làm thất thoát nguồn năng lượng sử dụng trong công trình xây dựng từ 20 - 30%.

“Nhìn tổng thể, chúng ta vẫn chưa có một chế tài cụ thể nào cho việc khuyến khích các công trình được xây dựng theo mô hình “kiến trúc xanh”, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường cũng như các hướng dẫn chi tiết và đồng bộ. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà ở xanh tại Việt Nam đang cần sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện thúc đẩy của các cơ quan quản lý Nhà nước, các cấp Bộ, Ngành và địa phương. Cũng cần đẩy mạnh công tác đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật cho sinh viên, cán bộ tư vấn, nâng cao nhận thức của toàn xã hội và cộng đồng dân cư. Các yếu tố đó, cần được xây dựng thành phong trào, tiến tới kế hoạch hành động của các địa phương và quốc gia…”, GS. Dũng nhấn mạnh.

Nhằm đưa ra giải pháp hỗ trợ, phát triển dự án nhà xanh, nhiều cuộc thi về kiến trúc xanh đã được tổ chức. Trong đó, các dự án được chấm điểm dựa trên các tiêu chí như địa điểm bền vững; công nghệ xanh, sáng tạo; vật liệu bền vững; cộng đồng – nhân văn – đậm đà bản sắc dân tộc;…Được biết, hầu hết đồ án kiến trúc trong các cuộc thi đều là những công trình hướng tới thiết kế công trình công cộng, nhà cộng đồng… phục vụ cuộc sống của con người.

Điển hình tại Cuộc thi Kiến trúc Xanh 2018, có tới 21 đồ án quy hoạch, kiến trúc của sinh viên đến từ nhiều trường đại học trên cả nước đã xuất sắc giành giải thưởng. Mỗi đồ án đều ấp ủ trong đó kỳ vọng, tâm huyết của những kiến trúc sư tương lai. Điển hình là đồ án với đề tài “Chung cư Đống Đa” của sinh viên Trần Tuấn Anh, Đại học Kiến trúc Hà Nội giành giải xuất sắc.

Theo tác giả, chung cư Tôn Thất Tùng có những nét đặc trưng quen thuộc với người dân song không gian lại trở nên bí bách do tốc độ đô thị hóa nhanh, xung quanh mọc lên hàng loạt công trình cao tầng. Dựa trên bối cảnh và thực trạng trên, đồ án đề xuất tổ hợp khối ở góc ngã tư như một sự thu mình trước bối cảnh, khối thấp nhất và có xu hướng cao dần về các phía nhằm tránh gây sự choáng ngợp thêm. Đồ án cũng khéo léo tổ chức các mảng cây xanh len lỏi vào trong công trình như một sự phản ứng lại với tốc độ đô thị hóa quá nhanh của đô thị.

Điển hình là đồ án với đề tài “Chung cư Đống Đa” của sinh viên Trần Tuấn Anh, Đại học Kiến trúc Hà Nội giành giải xuất sắc.

Đồ án với đề tài “Chung cư Đống Đa” của sinh viên Trần Tuấn Anh, Đại học Kiến trúc Hà Nội giành giải xuất sắc trong cuộc thi Kiến trúc xanh 2018

Với kinh nghiệm là giám khảo nhiều cuộc thi kiến trúc xanh, theo GS. Dũng, chất lượng của những đồ án dự thi  Cuộc thi Kiến trúc Xanh 2018 mỗi năm một tốt hơn đã cho thấy công tác đào tạo sinh viên trong lĩnh vực này bắt đầu được chú trọng. Các sinh viên có tư duy sáng tác tốt, thể loại đồ án phong phú, hướng tới các thiết kế công trình công cộng, nhà cộng đồng... phục vụ cuộc sống của con người trong đô thị, hứa hẹn sẽ là nguồn nhân lực tốt trong tương lai. Tuy nhiên, để những đồ án này thực sự được ứng dụng vẫn cần các doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở quan tâm quyết định đầu tư, ứng dụng các kiến trúc này.

“Các cuộc thi về kiến trúc xanh đều nhằm mục đích đưa ra những ý tưởng xanh trong kiến trúc và xây dựng. Điều đó rất đáng mừng, cho thấy các kiến trúc sư trẻ, các bạn trẻ ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường đã có những tư tưởng về xây dựng xanh. Tôi tin rằng, sự phát triển của công trình xanh Việt Nam trong tương lai không thể thiếu những ý tưởng xanh và phải tin rằng những ý tưởng này sẽ dần được hiện thực hóa”, GS. Nguyễn Hữu Dũng chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top