
Yên Bái: Chủ động hóa giải "điểm nghẽn" trong thu hút đầu tư
Yên Bái có vị trí địa lý thuận lợi khi nằm trên hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, giữ vai trò trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc. Hạ tầng giao thông đa dạng với đường bộ, đường sắt, đường thủy giúp tỉnh tăng cường hội nhập kinh tế, phát triển thương mại và du lịch với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước và quốc tế, đặc biệt là với các tỉnh phía Tây Nam của Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN.
Yên Bái có khí hậu ôn hòa, đất đai màu mỡ, thổ nhưỡng đa dạng, nguồn nước dồi dào và cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến và du lịch bền vững. Đáng chú ý, tháng 7/2023, Công ty cổ phần Erex (Nhật Bản) đã khởi công dự án Nhà máy nhiên liệu sinh khối, mở đường cho việc xây dựng nhà máy điện sinh khối đầu tiên trong số 14 dự án của doanh nghiệp này tại Việt Nam.
Yên Bái còn được ví như xứ sở của lễ hội; chốn thiên đường của du lịch trải nghiệm, khám phá lịch sử, văn hóa, thiên nhiên.
Yên Bái là điểm đến nổi bật với cảnh quan đặc sắc, thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa phong phú của hơn 30 dân tộc. Yên Bái còn được ví như xứ sở của lễ hội; chốn thiên đường của du lịch trải nghiệm, khám phá lịch sử, văn hóa, thiên nhiên; đặc biệt là khám phá văn hóa; du lịch sông Hồng, sông Chảy với những giá trị văn hóa tâm linh, cội nguồn dân tộc. Toàn tỉnh hiện có 142 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; hơn 510 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó, Nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; 11 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những lợi thế này mở ra cơ hội lớn để phát triển du lịch.
Cùng với đó không thể không nhắc đến những lợi thế mang tính tiền đề, nền tảng quan trọng. Truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển, bản sắc văn hóa; nguồn nhân lực dồi dào; phẩm chất con người Yên Bái đã tạo ấn tượng mạnh mẽ đối với nhiều đối tác, bạn bè trong và ngoài nước.
Xác định thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm, Yên Bái đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng hình ảnh chính quyền năng động, thân thiện; chuyển từ tư duy "cấp phép" sang tư duy "phục vụ", từ "tháo gỡ khó khăn" sang "tạo thuận lợi" cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, cùng với những câu chuyện thực tế diễn ra thời gian qua, ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy nói về cách thu hút đầu tư của Yên Bái: "Trong bối cảnh phát triển mới, phải nghĩ khác đi, làm khác đi với cách tiếp cận mới, muốn thu hút đầu tư thì phải chủ động "đi tìm" chứ không "ngồi đợi", trông chờ "nguồn lực" tự tìm đến với mình. Trong quá trình tư duy, kiến tạo tỉnh nhà phát triển, để người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Yên Bái đã hết sức chủ động và cầu thị. Chìa khóa để Yên Bái thu hút đầu tư nằm trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh, trong đó tập trung hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, xây dựng kết cấu hạ tầng là những đột phá có tính chất quyết định. Cùng với đó, chúng tôi đã triển khai thực hiện rất nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nhiều hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư, hợp tác trên các lĩnh vực ở trong và ngoài nước. Kết quả cho thấy trong những năm qua, đã có nhiều nhà đầu tư, các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ cho Yên Bái".
Nỗ lực của Yên Bái đã mang lại kết quả đáng khích lệ. Năm 2023, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Yên Bái đạt 65,99 điểm, xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2022. Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự cải thiện về chất lượng điều hành, giảm chi phí không chính thức và tạo thuận lợi hơn trong gia nhập thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động.
Tỉnh cũng thường xuyên triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như chương trình "Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp", "Cà phê doanh nhân"... để đối thoại, giải quyết kịp thời các vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Bà Bùi Thị Sửu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết: "Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh luôn chú trọng làm tốt vai trò là cầu nối vững chắc giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước; chủ động hướng dẫn, cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách, định hướng mới của Trung ương, của tỉnh. Những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hội viên được kịp thời phản ánh, chuyển tải tới cấp thẩm quyền và các cơ quan quản lý nhà nước, đã góp phần giải quyết, tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển".
Quý I/2025 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ và những bứt phá quan trọng của nền kinh tế Yên Bái. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 9,58%, đứng thứ 5/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Khu vực nông nghiệp, nông thôn khẳng định vai trò là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm, thủy sản ước đạt 6,98%, đứng thứ 2/14 tỉnh trong vùng.
Sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng ước đạt 11,92%, đứng thứ 6/14 tỉnh vùng (trong đó công nghiệp ước đạt 13%). Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8% (kịch bản tăng trưởng quý I/2025 là 8,5%); Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 4.460 tỷ đồng, bằng 22,3% kế hoạch; bằng 105,2% so với kịch bản tăng trưởng quý I/2025 và bằng 110,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh và khởi sắc với tốc độ tăng trưởng ước đạt 9,85%, đứng thứ 3/14 tỉnh trong vùng.




Yên Bái có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.
Thu ngân sách có kết quả bứt phá ngoạn mục. Quý I/2025 tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 1.340 tỷ đồng, bằng 24,3% dự toán; bằng 141,4% so với kịch bản tăng trưởng quý I/2025 (kịch bản tăng trưởng quý I/2025 là 947 tỷ đồng) và bằng 175,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, nhờ chính sách thông thoáng và môi trường đầu tư cải thiện, đến nay, Yên Bái đã thu hút được tổng số 659 dự án với tổng vốn đăng ký gần 99.000 tỷ đồng và hơn 513 triệu USD (trong đó, 489 dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp - xây dựng với tổng vốn đăng ký 67.765 tỷ đồng và 424 triệu USD; 49 dự án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn trên 5.286 tỷ đồng và 78,6 triệu USD; 111 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ với tổng vốn 16.744 tỷ đồng và 4 triệu USD).
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng tăng mạnh. Năm 2024, tăng 4,1 lần so với năm 2023 và 2,7 lần so với năm 2021. Tính riêng trong quý I/2025, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án với tổng vốn đăng ký trên 1.756 tỷ đồng, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 16 dự án.
Hiện tại, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 96 dự án đăng ký đầu tư (trong đó có 18 dự án FDI) với tổng vốn đăng ký 16.612 tỷ đồng. Trong đó, 47 dự án đã đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hơn 5.000 lao động với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/tháng.
Năm 2025, Yên Bái đề ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,2%, trong điều kiện thuận lợi phấn đấu đạt mức hai con số (10,5%). Để đạt được mục tiêu đó, cùng với sự đồng hành của chính quyền, rất cần sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư với những bứt phá thực sự mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định: "Yên Bái sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán, đồng bộ và ổn định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; tập trung, ưu tiên nguồn lực phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, như hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm khả năng cạnh, trọng tâm là đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, khoáng sản, sử dụng đất, giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, chúng tôi tập trung hoàn thành sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, đảm bảo yêu cầu khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập không được để ảnh hưởng đến việc giải quyết các công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp".
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chia sẻ thêm: "Quán triệt tinh thần "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư", tỉnh đã giao các sở, ngành, địa phương phải thường xuyên nắm bắt và kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Thực sự cầu thị, lắng nghe, cảm thông, chia sẻ, giải quyết hài hòa, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Chủ động cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh thực hiện thủ tục hành chính, hỗ trợ mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; kiên quyết thu hồi các dự án không đảm bảo tiến độ do nguyên nhân chủ quan .Tỉnh cũng quyết liệt trong công tác quản lý đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan, đồng thời hỗ trợ tối đa nhà đầu tư đẩy nhanh thủ tục, mở rộng sản xuất kinh doanh..."
Với quyết tâm đổi mới và chiến lược phát triển đột phá, Yên Bái đã và đang biến khó khăn thành động lực, tận dụng tối đa lợi thế sẵn có để bứt phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, khẳng định vị thế, là nơi hội tụ tiềm năng, điểm đến của những cơ hội bứt phá trên hành trình phát triển mới./.