Aa

Yếu tố ngoại sẽ là chất xúc tác cho cổ phiếu ngân hàng 2019

Chủ Nhật, 23/12/2018 - 21:00

Một số tổ chức tín dụng được kỳ vọng sẽ phát hành vốn cổ phần cho nước ngoài trong năm 2018 - 2019. Việc này sẽ góp phần hỗ trợ cho nhóm các cổ phiếu ngân hàng. Các ngân hàng được kỳ vọng sẽ trở nên minh bạch hơn khi có cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với các ngân hàng mà chất lượng nợ vay khó xác định và còn nhiều tài sản mập mờ.

Thời điểm áp dụng Basel II đối với hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong nước sẽ bắt đầu từ 1/1/2020. Như vậy, năm 2019, các ngân hàng sẽ cần hoàn thiện hệ thống công nghệ để tính toán các chỉ số an toàn cũng như chuẩn bị nguồn vốn để sẵn sàng cho thời điểm áp dụng Basel II.

Trong số những chỉ tiêu của Basel II, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một trong những yếu tố cốt lõi. Để đáp ứng và cải thiện CAR trong dài hạn, bắt buộc nhiều TCTD phải thực hiện các biện pháp để tăng vốn cấp một cần có. Vốn cấp một có thể được tăng cường nhờ gia tăng vốn chủ sở hữu bằng việc phát hành thêm cổ phiếu hoặc từ lợi nhuận giữ lại. Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng hay cho đối tác sẽ đem lại dòng tiền mới cho thị trường, đồng thời tạo kỳ vọng tăng trưởng cho các cổ phiếu ngân hàng.

Một số tổ chức tín dụng được kỳ vọng sẽ phát hành vốn cổ phần cho nước ngoài trong năm 2018 - 2019. Việc này sẽ góp phần hỗ trợ cho nhóm các cổ phiếu ngân hàng nhờ 3 yếu tố. Thứ nhất, ngân hàng sẽ nâng cao năng lực vốn tự có. Thứ hai, các ngân hàng được kỳ vọng sẽ trở nên minh bạch hơn khi có cổ đông lớn là nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt đối với các ngân hàng mà chất lượng nợ vay khó xác định và còn nhiều tài sản mập m. Và cuối cùng, dòng tiền mới bổ sung vào thị trường với giá trị lớn.

Các ngân hàng đang quan tâm đến nhà đầu tư ngoại để đẩy nhanh quá trình tăng vốn

Các ngân hàng đang quan tâm đến nhà đầu tư ngoại để đẩy nhanh quá trình tăng vốn

Nhiều ngân hàng đã chuẩn bị hoàn tất kế hoạch niêm yết

Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, nhiều TCTD có kế hoạch niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán như OCB, Maritime Bank, hoặc có kế hoạch chuyển sàn giao dịch sang HSX như VIB, LPB. Bên cạnh đó Agribank đã có lộ trình để sẵn sàng cho việc chào bán lần đầu ra công chúng vào năm 2020.

Về thương vụ sáp nhập giữa PGBank vào HDBank, nếu thành công HDBank sẽ được hưởng lợi từ mở rộng quy mô và nguồn lực tài chính, đặc biệt là hoạt động bán lẻ và hoạt động dịch vụ do mạng lưới phân phối lớn hơn.

Theo CTCK Vietcombank (VCBS), việc niêm yết các TCTD là cơ hội để các ngân hàng, tổ chức nâng cao năng lực vốn tự có, công bố thông tin minh bạch, tạo điều kiện để thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, giúp ngân hàng phát triển và mở rộng hoạt động kinh doanh trong dài hạn.

Cần giảm bớt rào cản nợ xấu

Chất lượng tài sản là một trong những yếu tố quan trọng trong việc tạo nền móng và hỗ trợ cho đà tăng trưởng bền vững của ngành ngân hàng.

Nợ xấu đã kìm hãm đà tăng trưởng của các ngân hàng trong nhiều năm khi các nhóm nợ cần được trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) theo tỷ lệ nhất định do luật quy định để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Do vậy, nợ xấu và nợ tiềm ẩn khi được giải quyết, một mặt giúp ngân hàng đảm bảo các tỷ lệ an toàn, mặt khác giúp giảm lượng DPRR cần trích trong những năm sau đó, ngân hàng có thể bứt tốc tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh trong tương lai.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng trong hệ thống đã có những động thái tích cực để xử lý nợ xấu và nợ tồn đọng.  Chẳng hạn như ACB, MBB, VCB, TCB đã trích lập xong cho các khoản nợ tồn đọng và trái phiếu VAMC, hay VIB đã thu hồi toàn bộ dư nợ VAMC về nội bảng để tự xử lý. 

Mặc dù kết quả chưa đạt được khả quan, nhưng VCBS nhận định, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều ngân hàng có những động thái tích cực trong việc tự xử lý nợ xấu, không chỉ là trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu nội bảng và VAMC mà còn là các khoản nợ tiềm ẩn, không thể hiện rõ ràng trên báo cáo tài chính của TCTD.

Nhóm các ngân hàng đã hoàn thành việc xử lý nợ tồn đọng có lợi thế rõ ràng để mở rộng hoạt động kinh doanh trong dài hạn, do lượng dự phòng rủi ro mới phải trích lập ít hơn sẽ giúp lợi nhuận tăng trưởng, đồng thời ngân hàng có khả năng ghi nhận thu nhập bất thường do thu hồi nợ. Ở chiều ngược lại, nhóm các ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tự tái cơ cấu sẽ cần thêm thời gian để trích lập DPRR, và do đó lợi nhuận cũng khó tăng đột biến.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top