Aa

Có dấu hiệu trốn thuế trong giao dịch bất động sản tại Thừa Thiên - Huế

Thứ Năm, 16/09/2021 - 13:00

UBND TP. Huế chỉ đạo tăng cường chống thất thu trong giao dịch bất động sản; trong khi đó, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có văn bản đôn đốc ban, ngành siết chặt công tác này do còn có dấu hiệu trốn thuế…

Thông tin từ UBND TP. Huế cho hay, cơ quan này vừa ban hành Quyết định số 6328/QĐ-UBND thành lập Tổ xác minh liên ngành thực hiện Đề án “Chống thất thu trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025”, tại địa bàn TP. Huế.

Giới môi giới bất động sản
Giới môi giới bất động sản liên tục “săn lùng” đất, nhà ở các khu quy hoạch, đô thị thời gian gần đây (Ảnh: Đình Toàn)

Thu thập ý kiến “chống thất thu giao dịch bất động sản”

Theo Quyết định của UBND TP.Huế, Tổ xác minh liên ngành gồm các thành viên từ các cơ quan của UBND thành phố như Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên và môi trường; Đội Cảnh sát điều tra Công an thành phố; Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Đất đai thành phố; Đội Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế - Trước bạ - Thu khác - Chi cục Thuế thành phố cùng Chủ tịch UBND xã, phường nơi có giao dịch bất động sản tham gia vào tổ viên tổ xác minh; Tổ do Ông Nguyễn Chí Trung, Đội trưởng Đội Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế - Trước bạ - Thu khác thuộc Chi cục Thuế TP. Huế làm Tổ trưởng.

Theo quyết định của UBND TP. Huế, Tổ liên ngành nói trên có nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án “Chống thất thu trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025” tại địa bàn TP. Huế và các nhiệm vụ khác do Ban chỉ đạo phân công, đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát hồ sơ nộp thuế, hồ sơ giao dịch bất động sản để tham mưu phương án điều chỉnh kịp thời, phù hợp, xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật; ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của các tổ chức, cá nhân trong giao dịch bất động sản gây thất thu ngân sách Nhà nước. 

Một số khu vực quy hoạch tái định cư ở TP. Huế người dân rao bán đất ngay khi vừa được cấp (Ảnh: Đình Toàn)

Việc thành lập Tổ liên ngành nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, chuyển nhượng bất động sản, qua đó phòng chống gian lận, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước. UBND TP. Huế cũng yêu cầu công tác thực hiện nhiệm vụ của Tổ liên ngành phải đảm bảo công khai minh bạch, công bằng, không gây khó khăn cho các tổ chức cá nhân nộp thuế, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện thủ tục hành chính của Nhà nước.

Đáng chú ý, tình hình thị trường bất động sản tại Thừa Thiên - Huế nói chung và nhất là tại TP.Huế có nhiều biến động, tăng giá mạnh sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 54 ngày 10/12/2019 về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng đến năm 2025. Theo đó, Thừa Thiên - Huế sẽ trở thành thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Riêng tại TP. Huế, thị trường bất động sản trở nên sôi động khi từ ngày 1/7/2021 Nghị quyết số 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc TP. Huế chính thức có hiệu lực; diện tích TP. Huế tăng lên nhiều lần cùng với 13 đơn vị xã, phường sáp nhập vào TP. Huế mở rộng.

Nhiều quyết sách, đề án, chiến lược phát triển mới được ban hành làm ấm lên, thậm chí nhiều biến động của thị trường bất động sản ở Thừa Thiên - Huế (Ảnh: Đình Toàn)

Cùng thời điểm này, môi giới đất, nhà ở trở nên “nhộn nhịp” trên thực tế lẫn không gian mạng. Các giao dịch thực và ảo vẫn nở rộ và chỉ “hạ nhiệt” khi đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 bùng phát. Mặc dù vậy hiện nay các giao dịch bất động sản, “làm giá”, giao dịch ảo vẫn âm ỉ khiến công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn tỉnh, nhất là chống thất thu thuế gặp nhiều thách thức.

Được biết, để triển khai kế hoạch của UBND TP. Huế cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh, Tổ liên ngành thực hiện Đề án “Chống thất thu trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025” tại địa bàn TP. Huế đang thu thập và tranh thủ đóng góp ý kiến của các phòng, ban trên địa bàn thành phố nhằm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập nếu có, từ đó thực hiện Đề án “Chống thất thu trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025” hiệu quả.

Khuyến khích không dùng tiền mặt khi giao dịch bất động sản

Trong khi đó UBND tỉnh cũng vừa có công văn chỉ đạo, đốc thúc các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện Đề án chống thất thu thuế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025”. Đề án này đã được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1754/QĐ-UBND ngày 17/7/2020, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai các giải pháp góp phần thực hiện mục tiêu chống thất thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản.

Nhiều quan chức lãnh đạo cấp phòng, chủ tịch UBND phường, cán bộ ở TP. Huế bị khởi tố, bắt giam hồi đầu năm 2021 do liên quan đến việc làm khống hồ sơ cấp “sổ đỏ” gây thất thu tiền tỷ cho Nhà nước (Ảnh: Đình Toàn)

Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện vẫn có dấu hiệu trốn thuế trong chuyển nhượng bất động sản. Để tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác chống thất thu thuế trong lĩnh vực này, mới đây UBND tỉnh đã có Công văn số 7204/UBND-NĐ chỉ đạo các cơ quan, địa phương chú trọng một số nhiệm vụ, như: Tiếp tục thực hiện các giải pháp chống thất thu thuế được nêu tại Đề án chống thất thu thuế trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2025; Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu đẩy nhanh tiến độ xây dựng Hệ thống phần mềm Quản lý hồ sơ công chứng, chứng thực phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Sở Tư pháp tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động công chứng và Quy tắc đạo đức hành nghề công chứng.

Cùng với những nhiệm vụ trên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu sở, ngành liên quan chỉ đạo các tổ chức hành nghề công chứng động viên, khuyến khích người yêu cầu công chứng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản; UBND các huyện, thị xã, TP. Huế chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền pháp luật về thuế; khuyến khích người yêu cầu chứng thực thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top