Aa

Kỳ 1: Chuyện hoa sen hút khách du lịch tại Quảng Nam

Thứ Tư, 24/05/2023 - 06:06

Việc chuyển đổi mô hình trồng sen kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ trên chân đất lúa kém hiệu quả, một hướng đi mang lại nhiều lợi ích đang được người dân tỉnh Quảng Nam hướng đến.

LTS: Thời gian qua, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp đang dần trở thành một hướng phát triển mới tại khu vực các tỉnh, thành phố miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… Đặc biệt, sau đại dịch Covid-19, người dân có xu hướng tìm đến những địa điểm gần gũi với thiên nhiên để trải nghiệm. Nhu cầu lớn kéo theo nguồn cung phong phú, nhiều mô hình du lịch sinh thái với quy mô, đa dạng loại hình khai thác được triển khai, thu hút lượng lớn du khách. Trong đó, nhiều mô hình được xây dựng trên những giá trị cảnh quan tưởng chừng như đã quá quen thuộc với mọi người, tạo ra sức hút và mang lại nhiều giá trị về kinh tế. 

Reatimes xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài về Bất động sản du lịch sinh thái đa dụng - một mô hình phát trển kinh tế tại vùng nông thôn.

Với đặc tính địa hình nhiều sông, ao, đầm nước chảy chậm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của sen. Bao đời nay, người dân địa phương đã quen với cảnh trồng sen để thu hoạch bông, hạt,... Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm từ sen chưa thực sự hiệu quả và chưa mang lại giá trị kinh tế cao. Từ thực tế này cùng với nhu cầu phát triển của xã hội, nhiều người đã chuyển hướng khai thác, nâng tầm giá trị cây sen kết hợp với phục vụ cho du lịch, dịch vụ.

hoa sen, quảng nam, đầm sen, du lịch, du lịch sinh thái, bất động sản du lịch
Mùa sen nở, đông đảo du khách đến check-in, tạo nên cơ hội phát triển du lịch, dịch vụ cho địa phương. (Ảnh: L.T - M.N - M.D)

Đầm sen Trà Lý (xã Duy Sơn, H. Duy Xuyên) được biết đến là vựa sen lớn nhất của Quảng Nam, nhiều năm qua đã trở thành một địa điểm check-in không thể bỏ qua của nhiều du khách. Với hơn 20 năm kinh nghiệm trồng sen, nông dân Võ Thiền Định (xã Duy Sơn) cho biết cây sen rất dễ xuất hiện nhiều bệnh lạ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của cây cũng như làm giảm năng suất. Ngoài ra thì điệp khúc được mùa mất giá, được giá lại mất mùa nên thật sự nếu chỉ trông chờ vào thu nhập từ thu hoạch sen là không thể bù đắp chi phí đầu tư.

Thời gian trước, nhận thấy sự quyến rũ của hoa sen với nhiều du khách, anh Định đã chăm sóc và phát triển đầm sen của mình thành nơi tham quan, chụp ảnh. Khi vào mùa, cả cánh đồng sen đồng loạt ra hoa, hương thơm bao trùm cả một vùng đã thực sự hấp dẫn du khách gần xa. Do trước đó chưa có bất kỳ một dịch vụ nào ở quanh đầm sen phục vụ du khách nên anh Định đã tận dụng, nghiên cứu phát triển dịch vụ du lịch kết hợp làng sen Trà Lý. Mô hình đã được rất nhiều du khách cũng như người dân địa phương ủng hộ.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hoạt động kinh doanh dịch vụ gắn với sen tại đây vẫn còn nhiều khó khăn và trở ngại. Anh Định cho biết từ khi chuyển đổi sang mô hình kinh doanh dịch vụ đến nay vẫn chưa được cấp giấy phép. Bản thân anh Định vẫn đang thực hiện các thủ tục và mong muốn rằng các cấp chính quyền có thể tạo điều kiện giúp đỡ để việc trồng sen kết hợp với du lịch sinh thái, dịch vụ phụ trợ ngày một phát triển tại địa phương.

Một mô hình phát triển kinh tế kết hợp từ sen khác tại Quảng Nam là mô hình hồ sinh thái Hương Sen tại phường Điện Thắng Nam (TX. Điện Bàn), quy mô khoảng 1,2ha. Khu vực này trước đây được anh Phan Hưng (phường Điện Thắng Nam) thực hiện mô hình ao chuồng khép kín, kết hợp buôn bán gia cầm, nhưng lợi nhuận mang lại không cao, việc chăn nuôi cũng phần nào gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến những người dân sống lân cận. Sau đó, anh Hưng được chính quyền cho đi tham quan, học tập mô hình trồng sen tại địa phương khác và đã nhìn nhận được tiềm năng giá trị của cây sen.

đầm sen trà lý, sen, quảng nam, du lịch
Những mô hình du lịch sinh thái gắn với sen đang dần trở thành một lựa chọn ưu tiên của nhiều du khách.

Tháng 9/2022, mô hình Hồ sinh thái Hương Sen được anh Hưng triển khai thực hiện đầu tư gần 4 tỷ đồng, tích hợp nhiều dịch vụ du lịch và có tính cải tiến hơn so với các mô hình trồng sen truyền thống đã được trải nghiệm. Mô hình của anh Hưng dù chỉ mới đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn nhưng đã nhận được sự đánh giá cao từ du khách. Anh Nguyễn Đình Thuận (du khách đến từ TP. Huế) cho biết dịch vụ ở đây rất tốt, phục vụ chu đáo. Đặc biệt là mô hình hồ sen bao quanh, tạo không gian thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên.

Đồng quan điểm, chị Phạm Thị Mỹ Duyên (du khách từ H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) hào hứng: “Tôi rất thích những mô hình du lịch giải trí như thế này. Vừa được ngắm sen bao quanh, vừa được ăn uống, đồ ăn ở đây rất ngon, một không gian rất tuyệt vời. Mong rằng những nơi như thế này sẽ được nhân rộng”.

đầm sen, quảng nam
Vẫn cần nhiều cơ chế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái. Ảnh: LT

Ông Đặng Đức Vinh, Phó Chủ tịch phường Điện Thắng Nam (TX. Điện Bàn) cho hay: “Mô hình trồng sen, kết hợp với thương mại dịch vụ là hướng đi phù hợp với nhu cầu phát triển của phường, đúng với nghị quyết mà địa phương đề ra, trong đó vừa giải quyết được đất lúa kém hiệu quả, vừa phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp kết hợp. Hơn nữa còn giải quyết được lực lượng lao động địa phương, nâng cao đời sống kinh tế của người dân”.

Tuy nhiên, khi triển khai các mô hình phát triển dịch vụ gắn với sen cũng xuất hiện nhiều vấn đề như vẫn còn nhiều sự ràng buộc vì đầu tư trên đất nông nghiệp, vướng mắc đầu tư cơ sở hạ tầng. Ông Đặng Đức Vinh cho rằng: “Mô hình này hiện nay về cơ chế chính sách có sự ràng buộc, vướng mắc về đầu tư cơ sở hạ tầng chưa được thống nhất. Trên đất nông nghiệp không được đầu tư kiên cố, khi làm thương mại dịch vụ thì vào mùa mưa lũ, chưa kịp thu hồi vốn đã có thể thiệt hại hư hỏng. Không được cơ chế nhà nước hỗ trợ đền bù vấn đề này. Địa phương đang đề nghị chủ đầu tư làm các bước thủ tục để trình cấp trên phê duyệt hỗ trợ về vấn đề này. Với việc phát triển những mô hình dịch vụ như trên, hiện tại địa phương chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ, nhưng có cơ chế khuyến khích định hướng. Trong những năm tiếp theo, địa phương sẽ theo sát đánh giá, rút kinh nghiệm mô hình, từ đó đề xuất cấp trên để có những nguồn kinh phí phát triển mô hình”.

Nâng cao đời sống người dân và phát huy giá trị cây sen

Phát triển du lịch gắn với những giá trị đặc trưng của địa phương, như cây sen, đã tạo ra công việc cho nhiều lao động địa phương. Anh Phan Hưng, chủ mô hình hồ sinh thái Hương Sen (phường Điện Thắng Nam, TX. Điện Bàn) chia sẻ: “Nhân viên ở đây đa phần là người dân địa phương. Những cô chú lớn tuổi sẽ đảm nhiệm những công việc như trông coi, nhà bếp… còn những bạn học sinh, sinh viên thì đảm nhận công việc phục vụ. Tôi muốn sử dụng người dân địa phương, vừa tiện việc liên hệ, vừa tạo cơ hội cho bà con có thêm thu nhập với công việc đỡ vất vả hơn”.

Dù chỉ chủ yếu khai thác được phần lớn vào mùa nắng, cao điểm là mùa sen nở nhưng những mô hình du lịch, dịch vụ từ sen đã mang lại nguồn thu đáng kể cho lao động địa phương. Thay vì tiếp tục với công việc “trồng lúa, nuôi bò” từ trước thì nay nhiều hộ gia đình đã tiếp cận được với du lịch, dịch vụ, đem lại thu nhập ổn định và góp phần cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế gắn với sen còn giúp bảo tồn các giống sen địa phương nói riêng và phát triển nông nghiệp tại địa phương nói chung. Để vừa đáp ứng được thị hiếu du khách, vừa khai thác được tối đa giá trị, những giống sen truyền thống được trồng và chăm sóc một cách hợp lý, bài bản và bền vững hơn.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top