Aa

Thị trường bất động sản 2023: Chuyển biến thận trọng và tích cực

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 10/12/2022 - 06:12

Dù khó khăn về dòng tiền, nguồn cung và thanh khoản thị trường đang đi xuống, giới chuyên gia vẫn cho rằng bất động sản 2023 sẽ có chuyển biến tích cực hơn, tâm lý nhà đầu tư hồi phục và giao dịch khởi sắc trở lại.

Nửa cuối năm 2023, thị trường bất động sản sẽ hồi phục

Những khó khăn liên tiếp đang đè nặng lên nền kinh tế nói chung cũng như thị trường tài chính và bất động sản nói riêng. Nhiều người lo ngại, bước sang năm 2023, thị trường sẽ khó lấy lại phong độ, mà tiếp tục duy trì tình trạng suy giảm nghiêm trọng. Tâm lý nhà đầu tư năm tới sẽ còn hoang mang khi loạt yếu tố về lạm phát, lãi suất, tỷ giá có nhiều biến động; nguồn cung khó cải thiện do cộng đồng doanh nghiệp vẫn khan hiếm dòng tiền, vướng mắc pháp lý. 

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản 2023 sẽ không khó khăn như lời đồn mà vẫn đảm bảo một mức phát triển nhất định. Bởi nhu cầu sở hữu bất động sản vẫn rất lớn và đây là kênh đầu tư được nhiều người gửi niềm tin so với trái phiếu, cổ phiếu hay vàng trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô khó dự đoán. 

Chia sẻ mới đây, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2023 vẫn có những điểm sáng tích cực, sẽ hồi phục và không rơi vào khủng hoảng. Đến giữa năm 2023, tức là kết thúc quý II, thị trường sẽ ổn định và trở về quỹ đạo vốn có của nó. 

“Tôi đồng tình rằng thị trường bất động sản hiện nay rất khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp địa ốc đang vật lộn với nhiều thách thức và phải tìm mọi cách để tồn tại. Cũng có thể nói, giai đoạn này khá giống với giai đoạn khủng hoảng năm 2012. Tuy nhiên, không có nghĩa là thị trường bất động sản hiện nay đang khủng hoảng. 

Năm 2012, nguồn hàng bị dư thừa trầm trọng nên được gọi là khủng hoảng thừa, còn hiện tại thị trường không hề thừa nguồn hàng mà thậm chí là thiếu nguồn hàng, khan hiếm nguồn hàng. Vì vậy, giai đoạn này chỉ được xem là giai đoạn suy giảm của thị trường bất động sản, chỉ cần một thời gian ngắn sau là thị trường có thể vực dậy”, ông Đính nhìn nhận. 

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Đính, để thị trường vực dậy tất nhiên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu dòng vốn không được khơi thông, niềm tin nhà đầu tư không hồi phục, pháp lý bất động sản nhiều vướng mắc thì khả năng vực dậy của thị trường sẽ kém hơn, chậm hơn. Ngược lại, nếu những vấn đề trên được giải quyết, hoặc Nhà nước có những động thái tháo gỡ dần thì thị trường sẽ bắt đầu hồi phục từ cuối quý II/2023. 

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam 

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, kênh đầu tư bất động sản hiện nay đang trầm lắng nhưng không “đóng băng”. Bước sang năm 2023, nhờ những điều chỉnh tích cực từ Nhà nước, thị trường này sẽ dần khởi sắc. Có thể đầu năm 2023, thị trường còn khó khăn nhưng đến nửa sau, thị trường sẽ bắt đầu phục hồi.

Đưa ra nhận định về “sức khoẻ” thị trường bất động sản trong năm tới, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, nền kinh tế và tài chính của Việt Nam trong thời gian qua phần nào bị ảnh hưởng bởi biến động trên thế giới như lạm phát, giá hối đoái giữa các đồng tiền ngoại tệ, tình hình khan hiếm xăng dầu và các bất ổn chính trị - xã hội ở nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản cũng chịu những tác động kinh tế này. Do đó, năm 2023 thị trường sẽ chuyển biến khá thận trọng. 

Về tính thanh khoản của thị trường, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức thanh khoản ổn, tuy nhiên nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền với người tiêu dùng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản. Với những phân khúc như bất động sản công nghiệp và văn phòng thì vẫn hoạt động tốt, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.

Đối với những dự án chưa đủ điều kiện, các chủ đầu tư cần chờ thêm một thời gian để hoàn tất đầy đủ các thủ tục cần thiết nhằm đảm bảo tính minh bạch của thị trường và quyền lợi của các bên. Ngoài ra, các chủ đầu tư cần có thêm nguồn vốn bổ sung từ FDI, các quỹ đầu tư hoặc các đối tác liên doanh để giải quyết bài toán khó khăn về tài chính.

Có thể nói, bức tranh thị trường bất động sản năm 2023 diễn biến ra sao vẫn còn là một ẩn số, tuy nhiên trước những tín hiệu tích cực đang xuất hiện ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản có cơ hội hồi phục khá lớn.

Nhiều tín hiệu tích cực xuất hiện

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa quyết định nới chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%, thay vì trước đó kiên quyết không nới room quá 14% cho cả năm 2022.

Theo dữ liệu từ Chứng khoán VNDirect, cung tiền M2 (tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn, cộng với tiền gửi tiết kiệm) chỉ tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước trong ba quý đầu năm nay, thấp nhất trong 10 năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sau đại dịch Covid-19, nhu cầu vay đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2022, dẫn đến ngay từ cuối quý II năm nay tín dụng đã tăng mạnh 9,4% so với đầu năm. Ngay thời điểm đó, hầu hết các ngân hàng thương mại đều chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu do Ngân hàng Nhà nước giao. Chính vì vậy, chính sách nới room tín dụng ở thời điểm hiện tại được đánh giá là tín hiệu tích cực, giải pháp phù hợp góp phần tháo gỡ những khó khăn của thị trường. 

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, nới room tín dụng hiện tại giống như nắng hạn gặp mưa rào. Mặc dù số tín dụng vừa được nới thêm không quá nhiều, không đủ “thỏa cơn khát”, nhưng phần nào hỗ trợ được thanh khoản cho người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp, vì nhu cầu vay vốn vào cuối năm rất cao. Đây cũng là giải pháp tạo động lực để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, thị trường. 

Chính sách nới room tín dụng ở thời điểm hiện tại được đánh giá là tín hiệu tích cực cho toàn bộ thị trường. (Ảnh minh hoạ: Vietnam+)

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) cũng đánh giá, động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng. Nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng. Nhưng cũng cần chú ý đây không phải là động thái để “giải cứu” thị trường bất động sản hay doanh nghiệp bất động sản mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật, tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh.

“Phần room tín dụng tăng thêm sẽ bổ sung nguồn vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cao điểm tháng 12/2022 và trước Tết Quý Mão. Điều đó là rất quan trọng trong bối cảnh thị trường bất động sản, các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư bất động sản đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền”, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Cùng với động thái nới room tín dụng, trước đó, Chính phủ cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp, gặp gỡ các doanh nghiệp để lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp về những khó khăn đang gặp phải. Kết quả đạt được là Quyết định 1435/QĐ-TTg về thành lập Tổ công tác rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP.HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được ban hành ngày 17/11. 

Chưa kể, các luật quan trọng liên quan đến thị trường bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… đang được nghiên cứu sửa đổi, trong đó Luật Đất đai được Quốc hội họp lấy ý kiến dự thảo rất quyết liệt.

Theo giới chuyên gia, đây là những động thái cho thấy thị trường địa ốc đang được quan tâm tháo gỡ các vướng mắc. Do đó, bức tranh bất động sản 2023 có cơ sở để nhận định rằng sẽ hồi phục và chuyển biến tích cực./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top