Aa

10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2019

Thứ Sáu, 10/01/2020 - 06:00

Hoàn thành toàn diện kế hoạch xây dựng pháp luật; Thu ngân sách nhà nước vượt trên 9,1% dự toán được Quốc hội và Chính phủ giao; quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ,... là một số sự kiện nổi bật ngành Tài chính 2019.

Năm 2019, là năm tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, đặt ra thách thức không nhỏ đến sự phát triển của nền kinh tế trong nước, nhưng nhờ vào sự quyết liệt, nỗ lực, toàn ngành Tài chính đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách trên mọi mặt công tác như: Hoàn thành toàn diện kế hoạch xây dựng pháp luật; Thu ngân sách nhà nước vượt trên 9,1% dự toán được Quốc hội và Chính phủ giao; quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; bội chi NSNN, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia nằm trong giới hạn Quốc hội cho phép;… 

Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2019 được Bộ Tài chính điểm lại: 

1. Xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật tài chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã hoàn thành việc xây dựng các dự án Luật, Nghị quyết quan trọng để Chính phủ trình Quốc hội thông qua như: Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Chứng khoán (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN.

Ngoài ra, đã phối hợp với Bộ Công thương trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Cũng trong năm 2019, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ 15 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ 10 Quyết định; tính cả số đề án Bộ Tài chính đã trình từ năm 2018 chuyển sang, đã có 12 Nghị định, 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã được ký ban hành. Đồng thời, ban hành theo thẩm quyền 87 thông tư về lĩnh vực quản lý tài chính – NSNN.

Việc kịp thời xây dựng, ban hành các văn bản QPPL tài chính đã góp phần hoàn thiện thể chế KTTT theo định hướng XHCN, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

2. Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán mức cao nhất trong 5 năm, góp phần tăng tích lũy cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, quyết tâm, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực được giao quản lý và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2019, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước. Tính đến ngày 31/12/2019, thu NSNN ước đạt 1.539,4 nghìn tỷ đồng, vượt 9,1% so với dự toán (thu NSTW và NSĐP đều vượt dự toán), nhờ đó đảm bảo nguồn lực để phát triển kinh tế, an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và có thêm nguồn để xử lý các nhu cầu quan trọng, cấp thiết phát sinh. Công tác quản lý, điều hành chi NSNN bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm. Bội chi NSNN được giữ trong phạm vi Quốc hội quyết định.

Việc kiểm soát bội chi cũng như việc thực hiện có hiệu quả, đồng bộ các giải pháp nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 19/11/2016 của Quốc hội đã góp phần kiểm soát tốc độ tăng quy mô nợ công, nợ Chính phủ trong những năm vừa qua. Đến cuối năm 2019, nợ công chiếm khoảng 55% GDP, tiếp tục xu hướng giảm mạnh từ mức 63,7% GDP năm 2016. Đồng thời, nợ Chính phủ cuối năm 2019 còn khoảng 48% GDP, giảm so với mức 52,7% GDP của năm 2016.

Việc kiểm soát tốc độ gia tăng quy mô nợ công từ mức bình quân 18,1%/năm trong giai 2011-2015 xuống dưới 7%/năm trong giai đoạn 2016-2019, thấp hơn so với tốc độ tăng quy mô GDP trực tiếp giúp duy trì xu hướng giảm dần của các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP. Những kết quả tích cực này góp phần quan trọng trong đảm bảo bền vững tài khóa, an toàn nợ công, đồng thời là tiền đề vững chắc cho việc tiếp tục triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ của ngành tài chính, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.

Ảnh: Internet

3. Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Tài chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Tiếp tục thực hiện NQ số 18-NQ/TW, NQ số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành trung ương khóa XII, trong năm 2019, Bộ Tài chính đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy các đơn vị, kết quả đã thực hiện giảm 2.172 đầu mối đơn vị hành chính.

Trong đó, Tổng cục Thuế tiến hành 03 đợt sắp xếp, hợp nhất Chi cục thuế để thành lập Chi cục thuế khu vực tại 61 Cục thuế. Tổng số giảm được 1.968 đầu mối. Trong đó, giảm 193 Chi cục thuế, giảm 1.712 Đội thuế thuộc Chi cục thuế, đồng thời, thực hiện cắt giảm 63 phòng tại Cục thuế tỉnh/thành phố. KBNN thực hiện cắt giảm 128 phòng thuộc KBNN cấp tỉnh, 15 KBNN cấp huyện và xóa bỏ 48 đơn vị cấp tổ, đội tại KBNN TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. TCHQ thực hiện tổ chức, sắp xếp giảm 12 Chi cục HQ thuộc Cục HQ tỉnh, liên tỉnh, thành phố. Cơ quan Bộ Tài chính giảm 01 đơn vị cấp phòng. Kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy năm 2019 đã góp phần giảm tổng số 2.719 đầu mối hành chính trong 02 năm thực NQ số 18-NQ/TW, NQ số 19-NQ/TW của Bộ Tài chính, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phạm vi cả nước.

Quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Tài chính theo đúng chủ trương Nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ; công khai, minh bạch; trên cơ sở thực tế của từng đơn vị, sự đồng thuận của các cấp quản lý; gắn cải cách bộ máy với cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành; thay đổi phương thức quản lý; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật của ngành Tài chính đảm bảo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao.

4. Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu về cải cách hành chính và tiên phong trong triển khai Chính phủ điện tử

Theo kết quả đánh giá, xác định chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2018 do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố tháng 5/2019, Bộ Tài chính tiếp tục nằm trong top đầu khối 18 bộ, ngành có kết quả cải cách hành chính mạnh mẽ. Với kết quả này, Bộ Tài chính đã nâng bậc xếp hạng, từ vị trí thứ ba lên vị trí thứ hai. Bộ Tài chính đã ban hành các chương trình, kế hoạch và phân công các nhiệm vụ cụ thể gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, hướng dẫn tổ chức triển khai công tác cải cách hành chính một cách đồng bộ và toàn diện đối với tất cả các lĩnh vực tài chính. Theo đó, trong năm 2019 đã đẩy mạnh rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá hàng trăm thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận sau những nỗ lực triển khai quyết liệt các nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 02/NQ-CP của Bộ Tài chính, góp phần tác động tích cực đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Theo Báo cáo Vietnam ICT Index năm 2019 được công bố ngày 23/8/2019, Bộ Tài chính tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng chung của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công. Đặc biệt, đây là năm thứ 7 liên tiếp Bộ Tài chính đứng ở vị trí nhất bảng, kể từ năm 2013. Cụ thể, Bộ Tài chính tiếp tục đứng ở vị trí thứ 1 về Vietnam ICT Index 2019 với chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT là 0,9770, bỏ xa khoảng cách so với các bộ giữ vị trí thứ 2 và 3 trong bảng xếp hạng.

Năm 2019, các dịch vụ công trực tuyến của ngành Tài chính đã được người dân, tổ chức và doanh nghiệp tiếp nhận và sử dụng rất hiệu quả. Số lượng hồ sơ tiếp nhận qua phương thức trực tuyến năm 2019 của ngành Tài chính mức độ 3, 4 lên tới gần 67 triệu hồ sơ. Tính đến ngày 24/12/2019, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Tài chính là 951 thủ tục. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 1 là 100, dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 là 351, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 197, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 303. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ Tài chính ngày càng được nâng cao và phát triển theo hướng hiện đại hóa giúp đơn giản hoá thủ tục, cắt giảm chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của Bộ.

5. Công tác quản lý giá cả, bình ổn thị trường được chủ động triển khai hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát năm 2019 dưới chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra

Năm 2019, Quốc hội và Chính phủ đã đề ra mục tiêu thực hiện kiểm soát lạm phát bình quân dưới mức 4%. Trong bối cảnh áp lực lên việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát ngày càng lớn như các diễn biến bất ổn về kinh tế, chính trị thế giới tác động khó lường đến kinh tế trong nước; việc thực hiện lộ trình thị trường đối với các mặt hàng do nhà nước định giá như điện, dịch vụ y tế, giáo dục ngày càng cấp bách; áp lực từ mặt bằng giá trong nước của một số mặt hàng như giá thực phẩm… Công tác tổ chức triển khai các biện pháp quản lý, điều hành giá đã được Ngành Tài chính thực hiện toàn diện trên tất cả mọi mặt, qua đó đã kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức thấp hơn so với chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, CPI bình quân cả năm 2019 chỉ tăng 2,79% so với năm 2018, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Ảnh: Internet

6. Chỉ số nộp thuế của Việt Nam tăng 22 bậc

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh - Doing business 2020 (DB 2020) toàn cầu do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 24/10/2019, chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) của Việt Nam tăng ấn tượng lên 22 bậc, từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trong tổng số 190 quốc gia được đánh giá. Phần lớn các chỉ số để đánh giá đều có sự cải thiện so với năm trước đó và được ghi nhận nhờ những nỗ lực của Việt Nam. Cụ thể: thời gian nộp thuế giảm 114 giờ (từ 498 xuống 384 giờ); trong đó, 94 giờ giảm là do cải cách, đơn giản hóa tại các thủ tục về khai thuế giá trị gia tăng và 20 giờ giảm là do những cải cách, đơn giản hóa các thủ tục về nộp và quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp. Số lần nộp thuế giảm từ 10 lần năm 2019 xuống còn 6 lần năm 2020.

Với kết quả đánh giá của WB, cải cách thủ tục hành chính của ngành Thuế năm nay đã vượt mục tiêu của Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

Cùng với đánh giá tích cực từ WB, kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trong năm 2019 cũng cho thấy, có 78% doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính mà Tổng cục Thuế đã triển khai thời gian qua. Kết quả này tăng 3 điểm, tương đương tăng 3% so với khảo sát năm 2016. Điều này cho thấy, với những cải cách mà ngành Thuế đang triển khai thời gian qua đã đi đúng hướng, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã triển khai chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu. Doanh nghiệp hoàn toàn chủ động không mất thời gian và chi phí để thanh toán thuế. Việc nộp thuế, thanh khoản trừ nợ và thông quan hàng hóa hoàn toàn tự động không có sự can thiệp của doanh nghiệp và công chức hải quan.

7. Thị trường trái phiếu phát triển mạnh nhất từ trước đến nay, cùng với thị trường Chứng khoán trở thành kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế

Trong những năm gần đây, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) phát triển cả về quy mô, độ sâu và được chuẩn hóa từ khâu công bố kế hoạch phát hành, phát triển sản phẩm hàng hóa, phương thức phát hành đến quy trình đăng ký, lưu ký, niêm yết, giao dịch. Năm 2019, tiếp nối kết quả đạt được trong các năm trước, trong điều kiện thị trường thuận lợi, 100% khối lượng TPCP phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, trong đó 94% khối lượng phát hành có kỳ hạn 10 năm trở lên. Kỳ hạn phát hành bình quân đạt mức kỷ lục 13,44 năm, tăng 0,75 năm so với cuối năm 2018 (12,69 năm) và tăng 8,6 năm so với năm 2014 (4,84 năm); trong khi đó lãi suất phát hành bình quân có xu hướng giảm (4,51%/năm), giảm từ 1,25%/năm-1,82%/năm đối với mỗi loại kỳ hạn so với thời điểm đầu năm 2019. Kết quả là danh mục nợ TPCP ngày càng tăng tính bền vững theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ về tái cơ cấu NSNN và nợ công.

Cùng với sự phát triển của thị trường TPCP, thị trường Chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ số VNIndex đạt 965,03 điểm, tăng 8,1% so với cuối năm 2018, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 4.390 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cuối năm 2018, tương đương 79,3% GDP; quy mô niêm yết thị trường trái phiếu đạt 1.158 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với cuối năm 2018, tương đương gần 21% GDP. Năm 2019, Luật Chứng khoán được Quốc hội thông qua là mốc son quan trọng, cùng với sự ra đời của các sản phẩm mới chứng quyền có bảo đảm, Hợp đồng tương lai trên Trái phiếu chính phủ và Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, Đề án thành lập Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã tạo nền tảng để thị trường phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả, là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.

Ảnh: Internet

8. Cơ quan hải quan thực hiện thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu vượt mức 500 tỷ USD; Tổ chức thành công Hội nghị ASEM lần thứ 13 tại Việt Nam; Nỗ lực trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu ma túy

Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mức 500 tỷ USD vào ngày 20/12/2019. Trước đó, Tổng cục Hải quan cũng đã ghi tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta cán mốc 400 tỷ USD trong tháng 12/2017 và cán mốc 200 tỷ USD trong tháng cuối cùng năm 2011.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới công bố ngày 02/04/2019, trong năm 2018: Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam được xếp vị trí thứ 26 trên thế giới (tăng 1 bậc so với năm 2017) và có vị trị thứ 4 trong ASEAN (sau Singapore, Thái Lan và Malaysia); nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam được xếp vị trí thứ 23 trên thế giới (tăng 2 bậc so với năm 2017) và có vị trí thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Thái Lan). Trong ASEAN, nếu tính chung tổng trị giá xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa thì Việt Nam có vị trí thứ 3 (sau Singapore và Thái Lan).

Trong năm 2006, Việt Nam mới gia nhập nhóm 50 nền kinh tế có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới thì từ năm 2016 đến nay Việt Nam luôn ở trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Trong khuôn khổ hợp tác Hải quan ASEM năm 2019, Tổng cục Hải quan đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13, diễn ra từ ngày 9 - 10/10/2019 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Hội nghị, với sự tham gia của 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng/Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Tổng Thư ký Tổ chức hải quan Thế giới (WCO), Liên minh Châu Âu và đại diện một số đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam, là sự kiện quốc tế lớn nhất về quy mô tổ chức của Hải quan Việt Nam từ trước đến nay. Thông qua Hội nghị, Hải quan Việt Nam đã khẳng định vai trò chủ động và tham gia tích cực trong hợp tác hội nhập quốc tế, nhất là trong việc kết nối hai Châu lục Á, Âu để điều phối xử lý các thách thức chung đối với khu vực châu Á và châu Âu với mục tiêu xây dựng cơ quan hải quan hiện đại và chuyên nghiệp.

Năm 2019, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự ủng hộ, phối hợp của các Bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai quyết liệt nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy của lực lượng Hải quan. Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2019 đến nay, lực lượng Hải quan toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện và bắt giữ 150 vụ, 147 đối tượng, thu giữ: 19,2 kg và 764 bánh Heroin; 1.668,8 kg và 308.539 viên ma túy tổng hợp; 24,3 kg cần sa; 21 kg thuốc phiện; 4 kg cocain…

9. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thực hiện mô hình “Tài khoản Kho bạc duy nhất” nhằm quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả và góp phần thực hiện chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

Thông qua việc tham gia hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng và kết nối thanh toán song phương điện tử với các hệ thống NHTM, tài khoản thanh toán tập trung của KBNN đã được hình thành và từng bước hoàn thiện theo thông lệ chung. Nhằm đáp ứng yêu cầu thanh toán với khối lượng ngày càng tăng và tạo thuận lợi hơn cho người nộp NSNN, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 58/2019/TT-BTC ngày 30/8/2019 quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các NHTM trong đó, bổ sung quy định kết chuyển toàn bộ số dư cuối ngày từ địa phương về trung ương và gửi tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là một bước tiến mới, đưa công tác quản lý và sử dụng tài khoản của KBNN tại ngân hàng nói riêng và công tác quản lý ngân quỹ nói chung tiến sát với các thông lệ tiên tiến trên thế giới, phù hợp với định hướng cải cách quản lý ngân quỹ theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020.

Triển khai các quy định tại Thông tư này đã hình thành tài khoản Kho bạc duy nhất, tập trung toàn bộ NQNN cuối ngày về NHNN, nâng cao khả năng thanh khoản, tạo cơ sở để cải thiện chất lượng công tác dự báo luồng tiền, tối ưu hóa việc sử dụng các khoản ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi; qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý ngân quỹ quốc gia.

Bên cạnh đó, việc tập trung toàn bộ NQNN tại NHNN đã hỗ trợ NHNN chủ động nắm bắt được những biến động của các dòng tiền vào ra của Chính phủ để có kế hoạch cân đối lượng cung tiền khi điều tiết nguồn vốn trên thị trường tiền tệ, cũng như kế hoạch mua ngoại tệ bổ sung quỹ dự trữ ngoại hối Nhà nước và ổn định thanh khoản thị trường mà không ảnh hưởng đến lạm phát, giúp NHNN tiết kiệm đáng kể chi phí hút tiền về thông qua kênh phát hành tín phiếu, tiết kiệm nguồn lực tài chính Nhà nước.

10. Bộ Tài chính điều hành quyết liệt và xuất cấp kịp thời hỗ trợ các địa phương và nhân dân, hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, không để người dân thiếu cơm, đứt bữa trong thiên tai, lũ lụt, khi giáp hạt, đón Tết cổ truyền dân tộc

Thực hiện chính sách tài chính đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tương thân, tương ái, không để ai lùi lại phía sau, trong năm 2019, Bộ Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất cấp gạo không thu tiền từ nguồn Dự trữ Quốc gia (DTQG) để hỗ trợ cho các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do thiên tai, lũ lụt; hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia như: Dự án trồng rừng tại các tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Bắc Giang; viện trợ đối ngoại; xuất cấp vật tư, thiết bị phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng, an toàn trật tự xã hội.

Đến nay, tổng trị giá hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp khoảng 1.519 tỷ đồng, trong đó: Số lượng hàng DTQG đã xuất cấp luôn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng, đã động viên người dân vượt qua thời điểm khó khăn, ổn định đời sống phát triển sản xuất; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội và tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top