Aa

Những điểm nhấn phác hoạ bức tranh tài chính – ngân hàng năm 2019

Thứ Năm, 02/01/2020 - 06:27

12 điểm nhấn phác hoạ toàn cảnh bức tranh hoạt động ngành tài chính ngân hàng Việt Nam 2019…

Trong năm 2019 làn sóng nới lỏng tiền tệ lan rộng toàn cầu. Thống kê cho thấy đã có tới 60 ngân hàng trung ương các nước cắt giảm lãi suất với tổng cộng 113 lần. Trong số đó có cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương châu Âu và các ngân hàng trung ương của các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga. Nhiều nước còn cắt giảm thuế, tung các gói kích thích kinh tế trị giá nhiều tỷ USD.

Cùng chung xu thế toàn cầu, ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng giảm lãi suất điều hành, mức giảm 0,25 điểm phần trăm. Tiếp theo, ngày 19/11, NHNN hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên; và hạ trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, mức giảm đồng loạt 0,5 điểm phần trăm.

Đồng thời, NHNN còn có 2 lần giảm lãi suất trên thị trường mở, tổng cộng 0,75 điểm phần trăm và 3 lần giảm lãi suất tín phiếu. Lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc với các ngân hàng cũng được điều chỉnh giảm lần đầu tiên sau 14 năm.

Ngoại trừ đợt biến động mạnh hồi tháng 6/2019, tỷ giá USD/VND đã duy trì ổn định trong cả năm, bất chấp đồng USD mạnh lên trên toàn cầu và Nhân dân tệ mất giá nhất trong 1 thập kỷ. Tính chung cả năm, tỷ giá giao dịch ngân hàng thấp hơn 0,1% so với cuối năm 2018 còn tỷ giá trung tâm chỉ tăng khoảng 1,44% (330 đồng) – thấp hơn so với dự kiến.

Nhờ tỷ giá ổn định và nguồn vốn vào Việt Nam mạnh, NHNN đã mua vào được tổng cộng 20 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối lên mức cao kỷ lục mới 79 tỷ USD.

Tháng 11/2019 NHNN ban hành Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng siết chặt hơn hoạt động.

Theo đó 1/1/2020 - 30/9/2020 tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 40%; 1/10/2020 - 30/9/2020 là 37%; 1/10/2021 - 30/9/2022 là 34% và kể từ 1/10/2022 sẽ giảm xuống còn 30%. Tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh đó NHNN còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%.

Đồng thời NHNN cũng đưa ra các quy định nhằm siết chặt hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng như đề ra lộ trình giảm tỷ lệ dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ; yêu cầu niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử khung lãi suất, các loại phí, phương pháp tính lãi...

Đối với các hoạt động khác, NHNN cũng đưa ra các cảnh báo, quy định nhằm giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng, chẳng hạn cảnh báo về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cho vay cầm cố sổ tiết kiệm…

Tăng trưởng tín dụng năm 2019 đạt 13%, thấp hơn so với năm 2018 và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng năm 2015 là 17,29%, năm 2016 là 18,71%, năm 2017 là 18,17%, năm 2018 là 13,89%.

Tín dụng tăng thấp nhưng cơ cấu tín dụng đã có sự điều chỉnh tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.

Nếu như đầu năm mới có 2 ngân hàng là VIB và Vietcombank đạt chuẩn Basel II (trụ cột 1 về an toàn vốn, thể hiện tại Thông tư 41 của NHNN) thì đến cuối năm 2019 đã có 18 ngân hàng được chấp thuận áp dụng Basel II sớm. Đó là Vietcombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, MSB, HDBank, OCB, VPBank, TPBank, VietBank, VietCapitalBank, SeABank, LienVietPostBank, NamABank, BIDV, ShinhanBank và Standard Chartered Việt Nam.

Ngoài ra Việt Nam cũng đã có ngân hàng đầu tiên đạt được cả 3 trụ cột của Basel II – sớm hơn 1 năm so với quy định – đó là VIB.

Nhờ kinh doanh tốt lên, các ngân hàng không chỉ tự xử lý được nợ xấu mà còn có tiềm lực mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC trước thời hạn. Tính đến hết năm 2019 đã có 11 ngân hàng sạch nợ tại VAMC đó là Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Nam A Bank, TPBank, VPBank, Agribank, Kienlongbank và SeABank.

Tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối năm 2019 ở mức 1,89% trên tổng dư nợ (nợ xấu nội bảng), đạt mục tiêu dưới 2% đã đề ra. Còn nợ xấu bao gồm cả nợ tiềm ẩn và nợ đã bán cho VAMC thì chỉ còn chiếm 4,9%, so với mức 10,8% cuối năm 2016.

Năm 2019 cũng ghi dấu 2 thương vụ M&A có giá trị kỷ lục tại BIDV và Vietcombank.

Sau hơn 2 năm tìm hiểu, đàm phán, ngày 2/11/2019, BIDV đã hoàn tất phát hành riêng lẻ hơn 603,3 triệu cổ phiếu cho KEB Hana Bank với giá bán 33.640 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị tới 20.300 tỷ đồng – là thương vụ bán vốn lớn nhất ngành ngân hàng từ trước đến nay.

Tại Vietcombank, ngày 12/11, Vietcombank đã ký kết hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm phân phối bảo hiểm qua ngân hàng với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á FWD. Như một phần trong giao dịch, FWD cũng sẽ mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI- Công ty liên doanh bảo giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif). 2 bên không tiết lộ giá trị thương vụ, song theo nguồn tin của Bloomberg, tổng giá trị của thỏa thuận Bancassurance này có thể lên tới 1 tỷ USD. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng xác nhận đây là thương vụ bancassurance lớn nhất tại Việt Nam.

Nối tiếp hoạt động phát hành trái phiếu mạnh mẽ của năm 2018, trong năm 2019 các ngân hàng vẫn mạnh tay phát hành trái phiếu để huy động vốn cấp 2 trước hạn chót của Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn có hiệu lực kể từ năm 2020 và quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Trong đó VPBank, BIDV, MB, VIB, VietinBank, SeABank,…là những cái tên đáng chú ý.

Không chỉ phát hành trái phiếu trong nước, nhiều ngân hàng còn lên kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế như VPBank, SHB, SeABank, TPBank. Mục đích các ngân hàng nhắm đến là bổ sung nguồn vốn ngoại tệ trung và dài hạn, tạo cơ cấu bền vững hơn, khắc phục hạn chế nguồn vốn ngoại tệ huy động trong nước chủ yếu là ngắn hạn và bị giới hạn bởi trần lãi suất 0%.

Mặc dù báo cáo tài chính năm 2019 chưa được công bố nhưng các ngân hàng đã hé lộ các con số lợi nhuận vượt kế hoạch và cao kỷ lục ở các nhà băng này, chẳng hạn Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, ACB, HDBank, VIB, VPBank, TPBank…

Trong đó Vietcombank dự kiến đạt trên 21.000 tỷ đồng, Agribank sẽ không dưới 13.000 tỷ đồng, Techcombank và VPBank cùng hơn 10.000 tỷ, VietinBank khoảng gần 10.000 tỷ…

Mùa đại hội cổ đông năm 2019 có tới hàng chục ngân hàng đề ra mục tiêu niêm yết trên sàn chứng khoán, chẳng hạn OCB, MSB, Nam A Bank, ABBank, VietCapitalBank…song đến cuối năm vẫn bặt tăm, chỉ duy nhất VietBank lên sàn UpCOM vào cuối tháng 7 với mã VBB. Thậm chí có những ngân hàng lỡ hẹn từ năm này qua năm khác với lý do "thị trường diễn biến không thuận lợi".

Tính đến hết năm 2019 mới chỉ có 18 trên hơn 30 ngân hàng đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán. Trong đó có 10 ngân hàng giao dịch trên HOSE gồm VCB, CTG, BID, MBB, EIB, STB, TCB, HDB, TPB, VPB; 3 ngân hàng trên HNX là ACB, SHB, NVB và 5 ngân hàng giao dịch trên UPCoM là LPB, VIB, VBB, BAB, KLB.

Hoạt động tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém được kỳ vọng sẽ có những bứt phá trong năm 2019 tuy nhiên thực tế không như vậy. Cả 3 ngân hàng được NHNN mua lại 0 đồng là GPBank, OceanBank và CBBank đều chưa chốt được đối tác. Trong khi đó DongABank dù đã tổ chức đại hội cổ đông lần đầu tiên sau 4 năm bị kiểm soát đặc biệt nhưng các cổ đông lại không đồng thuận góp vốn để bù đắp vốn điều lệ cho đủ 3.000 tỷ đồng theo quy định, cuối cùng ngân hàng phải báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước để xem xét tái cơ cấu theo phương án khác.

Sau khi hạ triển vọng của Việt Nam xuống "Tiêu cực" trung tuần tháng 12, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng có điều chỉnh tương ứng đối với 18 ngân hàng thương mại bao gồm: ABBank, ACB, Agribank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, MSB, Nam A Bank, OCB, Sacombank, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, Vietcombank, VietinBank và VPBank.

Tuy nhiên, Moody’s khẳng định việc điều chỉnh không nhằm phản ánh sức khỏe tài chính của các ngân hàng yếu đi, mà hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ quyết định của tổ chức này với tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Trước đó trong nửa đầu năm 2019, Việt Nam và các ngân hàng thương mại nhận được kết quả đánh giá tích cực từ các hãng xếp hạng tín nhiệm khác là S&P và Fitch.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top