Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ được hợp nhất, lấy tên tỉnh mới là Bắc Ninh, với trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang hiện nay). Đây là hai địa phương được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp miền Bắc", nơi quy tụ nhiều khu công nghiệp quy mô lớn, đông đảo doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử và công nghiệp phụ trợ.
Việc sáp nhập không chỉ mở rộng không gian phát triển, tối ưu hóa nguồn lực, mà còn hình thành một trung tâm công nghiệp – logistics trọng điểm cấp vùng, đòi hỏi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối phải phát triển đồng bộ, hiện đại.

Dự kiến Bắc Giang và Bắc Ninh sẽ sáp nhập. Ảnh: Internet
Bắc Ninh và Bắc Giang đang tập trung đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng giao thông kết nối với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, các cây cầu bắc qua sông Cầu – ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh được kỳ vọng tạo ra lực đẩy quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của "siêu tỉnh" mới.
Cầu Hà Bắc 1: Trục kết nối chiến lược hơn 1.700 tỷ đồng
Dự án cầu Hà Bắc 1 và đường dẫn kết nối giữa Bắc Ninh và Bắc Giang có tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, dự kiến khởi công năm 2026 và hoàn thành vào năm 2027. Cầu được xác định vị trí theo quy hoạch tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cầu có thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực, mặt cắt ngang rộng 22,5m, tổng chiều dài khoảng 970m. Các tuyến đường dẫn hai đầu cầu sẽ được đầu tư đồng bộ, kết nối hiệu quả với mạng lưới giao thông hiện hữu.
Cầu Hà Bắc 2: Đã hoàn thành, tạo liên thông vùng
Dự án cầu Hà Bắc 2 và đường dẫn phía Bắc Giang đã được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Giang triển khai và hoàn thành vào năm 2023. Tổng mức đầu tư cho dự án là hơn 358 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.
Cầu có chiều dài 490m, mặt cầu rộng 16m, được xây dựng bằng kết cấu bê tông dự ứng lực. Công trình đóng vai trò quan trọng trong kết nối khu công nghiệp phía Bắc Giang với vùng sản xuất và tiêu thụ tại Bắc Ninh.
Cầu Như Nguyệt: Gỡ nút thắt Quốc lộ 1, kết nối liên vùng

Cầu Như Nguyệt. Ảnh: Báo Lao Động
Dự án mở rộng cầu Như Nguyệt (giai đoạn 2) được khởi công tháng 4/2022 và khánh thành vào tháng 6/2023 với tổng vốn đầu tư hơn 450 tỷ đồng. Đây là điểm nghẽn trên Quốc lộ 1, trục giao thông huyết mạch kết nối Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang - Lạng Sơn.
Công trình góp phần giảm ùn tắc kéo dài nhiều năm, đồng thời nâng cao năng lực khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa và hành khách thông suốt.
Cầu Vân Hà: Gắn kết đô thị Bắc Ninh và công nghiệp Việt Yên
Dự án cầu Vân Hà kết nối phường Hòa Long (TP. Bắc Ninh) với xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) là một trong những công trình quan trọng đang được triển khai. Dự án dự kiến khởi công năm 2025 và hoàn thành năm 2026.
Cầu có chiều dài khoảng 360m, bề rộng 12m, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 220 tỷ đồng. Tuyến cầu nằm trong quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh (điều chỉnh) và quy hoạch phân khu TP. Bắc Ninh, kết nối trực tiếp từ khu vực Nhà hát Dân ca Quan họ sang xã Vân Hà là nơi tập trung nhiều cụm công nghiệp lớn.
Sự hoàn thiện và mở rộng các tuyến kết nối giao thông giữa Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ là nền tảng hạ tầng cốt lõi, đảm bảo cho việc vận hành hiệu quả sau sáp nhập, đồng thời tạo mặt bằng phát triển mới cho công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Trong bối cảnh cả hai địa phương đều giữ vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng công nghiệp phía Bắc, việc nâng cấp hệ thống giao thông sẽ giúp "siêu tỉnh Bắc Ninh" tương lai trở thành cực tăng trưởng mới, có khả năng cạnh tranh và dẫn dắt vùng Thủ đô trong giai đoạn tới.