Aa

2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế, doanh nghiệp BĐS có dễ tiếp cận?

Thứ Hai, 15/01/2024 - 10:32

Dù 2 triệu tỷ đồng được tạo điều kiện để bơm vào nền kinh tế năm 2024, nhưng bất động sản là lĩnh vực rủi ro, còn nhiều vướng mắc pháp lý, do vậy, các ngân hàng thương mại muốn cho vay cũng cần xem xét, thẩm định rất nhiều yếu tố.

2 triệu tỷ đồng có cơ hội chảy vào nền kinh tế

Dù tăng trưởng tín dụng 2023 không đạt mục tiêu, nhưng ở những tháng cuối năm, việc ngân hàng đẩy mạnh cho vay cũng khiến khoảng 1,5 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, năm 2023 tín dụng nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022, tương đương 1,5 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế.

Đối với lĩnh vực bất động sản, báo cáo của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến cuối năm 2023, dư nợ tín dụng bất động sản đạt 2,75 triệu tỷ đồng, tăng 6,75%.

Đáng lưu ý, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh 22% và chiếm 36% tổng dư nợ tín dụng bất động sản; tín dụng tiêu dùng bất động sản giảm nhẹ 0,7%, chiếm 64%. Những con số này cho thấy người dân vẫn khá e dè trong việc vay vốn ngân hàng mua nhà, dù lãi suất đã giảm nhiều.

2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế, doanh nghiệp BĐS có dễ tiếp cận?- Ảnh 1.

2 triệu tỷ đồng được tạo điều kiện bơm vào nền kinh tế - Ảnh: VnEconomy

Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đối với giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội, tính tới cuối tháng 11/2023, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 12 dự án. Tổng số tiền cam kết là 5.000 tỷ đồng, số tiền giải ngân đạt hơn 400 tỷ đồng.

Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Đồng thời, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Điều này có nghĩa là gần 2 triệu tỷ đồng sẽ được tạo điều kiện để đưa vào nền kinh tế vào năm 2024.

Kèm với việc tính toán thêm 2 triệu tỷ đồng vào kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh sẽ nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định, chảy vào sân sau trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, nếu trong năm nay, điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát tốt lạm phát, dòng vốn được chảy vào đúng đối tượng, đảm bảo an toàn hệ thống thì giữa năm hoặc cuối năm có thể mở rộng tín dụng, giao thêm cho các ngân hàng thương mại để tăng trưởng tín dụng.

Doanh nghiệp bất động sản không dễ tiếp cận

Theo các chuyên gia, dù kinh tế 2024 vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng cũng không ít cơ hội. Việc nền kinh tế tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, các đơn hàng xuất khẩu đang trở lại, lãi suất đang ở mức thấp, lạm phát được kiểm soát tốt… sẽ làm tăng nhu cầu đầu tư của nền kinh tế, tín dụng hứa hẹn sẽ tăng mạnh.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, việc tạo cơ chế để đưa 2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế giúp các ngân hàng thương mại chủ động kế hoạch kinh doanh, nhưng doanh nghiệp có tiếp cận được vốn hay không còn tuỳ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là khả năng trả nợ.

2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế, doanh nghiệp BĐS có dễ tiếp cận?- Ảnh 2.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính - Ảnh: Cafeland

Đối với bất động sản, ông Thịnh cho rằng, dòng vốn vẫn khó, bởi lĩnh vực này vẫn phụ thuộc rất lớn vào tín dụng ngân hàng. Trong khi, dù được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% cho năm 2024 nhưng các ngân hàng thương mại muốn cho vay cũng cần xem xét, thẩm định rất nhiều yếu tố, nhất là bất động sản là lĩnh vực rủi ro.

Thực tế, theo ông Thịnh, nhiều doanh nghiệp thời gian vừa qua không tiếp cận được tín dụng ngân hàng bởi những tài sản có thể thế chấp thì họ đã thế chấp để vay vốn. Thậm chí, trong giai đoạn khủng hoảng vừa qua, giao dịch trầm lắng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, dẫn đến không trả nợ đúng hạn, rơi vào nhóm nợ xấu, hoặc bị chuyển nhóm nợ xấu… Điều này khiến việc tiếp cận vốn ngân hàng bị đình trệ.

Do đó, ông Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản trước hết nên "xoay sở" để tự chủ được nguồn vốn, ví dụ tái cấu trúc, hạ giá thành… để nhanh chóng bán được hàng để có nguồn tiền từ khách hàng. Thậm chí, doanh nghiệp cũng cần thiết bán bớt các dự án, tránh đầu tư dàn trải, tập trung vào các dự án khả thi, tiến độ nhanh để có thể thu được nguồn tiền từ khách hàng sớm nhất. Đây cũng là giải pháp tránh tình trạng doanh nghiệp "chết trên đống tài sản".

Cũng theo ông Thịnh, các vướng mắc pháp lý đối với doanh nghiệp bất động sản cũng là điều khá nhức nhối. Chừng nào nút thắt pháp lý chưa được khơi thông thì "cánh cửa" tiếp cận vốn ngân hàng cũng như huy động từ khách hàng của doanh nghiệp còn gặp khó. Do vậy, bên cạnh việc tái cơ cấu sản phẩm quyết liệt của doanh nghiệp thì cơ quan chức năng cần đẩy nhanh việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý để họ tiếp cận vốn dễ dàng hơn.

Thêm vào đó, vị chuyên gia cũng đề nghị, các ngân hàng cũng cần linh hoạt, đẩy mạnh thẩm định các dự án, hợp đồng để cho vay theo dòng tiền hay hợp đồng…

2 triệu tỷ đồng được đưa vào nền kinh tế, doanh nghiệp BĐS có dễ tiếp cận?- Ảnh 3.

Doanh nghiệp bất động sản không dễ tiếp cận tín dụng ngân hàng - Ảnh: Chinhphu.vn

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, cần kiểm soát dòng vốn tín dụng chặt chẽ, chảy đúng vào lĩnh vực cần thiết để giúp thúc đẩy sản xuất hàng hoá, tạo nhiều việc làm, đẩy đà tăng trưởng…, tránh vốn chảy vào lĩnh vực rủi ro, sân sau.

Theo ông Thịnh, dòng vốn cần chảy vào đúng nơi, tránh chảy vào sân sau, hệ sinh thái của doanh nghiệp, trong khi người dân, doanh nghiệp cần lại không thể tiếp cận được; hoặc doanh nghiệp sân sau, hệ sinh thái thì tiếp cận vốn thấp, còn doanh nghiệp bên ngoài thì phải vay với lãi suất cao.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) cũng cho rằng, năm 2023 tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm khá chậm, khả năng hấp thụ của doanh nghiệp không cao. Việc đưa 2 triệu tỉ đồng vào nền kinh tế cũng cần đi kèm việc kiểm soát dòng vốn chảy vào các kênh đầu cơ, tránh hình thành các bong bóng tài sản trong tương lai.

Chủ đề bạn có thể quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top