Đẩy mạnh cho vay, song không được hạ chuẩn tín dụng
Chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng 2024 đầu tuần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng không để ách tắc trong lưu thông tiền tệ, không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn khi cần sự hỗ trợ của hệ thống ngân hàng.
Trong Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ cũng yêu cầu ngành ngân hàng có các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp. Các ngân hàng được khuyến khích giảm chi phí, thủ tục và hạ lãi suất cho vay, nắn dòng vốn vào sản xuất - kinh doanh và kiểm soát với lĩnh vực rủi ro.
Khác với các năm trước, năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp room tín dụng 15% ngay từ đầu năm, tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại chủ động mở rộng cho vay. Tuy vậy, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS), không phải ngân hàng nào cũng có thể đẩy mạnh tín dụng năm nay.
Theo đó, những ngân hàng nào có tỷ trọng bán lẻ cao, nền tảng khách hàng doanh nghiệp thấp, nợ xấu cao… sẽ khó khăn trong đẩy mạnh tín dụng. Ngược lại, những ngân hàng có tỷ trọng khách hàng doanh nghiệp lớn, nợ xấu thấp sẽ có cơ hội thúc đẩy tín dụng tốt hơn.
Lãnh đạo NHNN khẳng định, năm 2024, dứt khoát phải tập trung cung ứng vốn cho nền kinh tế, làm sao giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Đây vừa là trách nhiệm chung với nền kinh tế, vừa là trách nhiệm với chính bản thân các ngân hàng, bởi nếu không có khách vay vốn và gửi tiền, thì ngân hàng cũng không thể tồn tại.
“Trong hệ thống ngân hàng, đâu đó vẫn còn hiện tượng một số cán bộ ngân hàng chưa đồng cảm với khách hàng, chỉ tập trung nhìn vào lãi suất mà chưa quan tâm chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Vì vậy, các ngân hàng phải hòa cùng doanh nghiệp, đứng cùng doanh nghiệp, chung vốn làm ăn với doanh nghiệp. Tất nhiên, thông điệp đưa ra là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song vẫn không được hạ chuẩn tín dụng. Ngân hàng thúc đẩy cho vay, song vẫn phải thu hồi được nợ, hạ lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, song không để xảy ra thua lỗ, gây mất an toàn hệ thống”, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Năm 2023, NHNN đã 4 lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, lãi suất huy động tính đến cuối năm đã ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Năm 2024, việc hạ lãi suất điều hành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song NHNN cho biết không đặt ra vấn đề tăng lãi suất. Ngược lại, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục tiết giảm chi phí, từ đó giảm lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế.
Chu kỳ nợ xấu cao đang quay trở lại
Cùng với tín dụng tăng chậm, một trong những lo ngại lớn nhất của hệ thống ngân hàng hiện nay là nợ xấu đang tăng rất nhanh. Tỷ lệ nợ xấu đang ở mức xấp xỉ 5% - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
“Nợ xấu năm 2011 - thời điểm bong bóng bất động sản vỡ là 11-12%. Hơn 10 năm qua, nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống, cộng thêm sự hỗ trợ của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu mới giảm. Tuy nhiên, chu kỳ mới của nợ xấu đang lặp lại, nguyên nhân một phần do một số ngân hàng yếu kém, một phần do ngày càng nhiều doanh nghiệp khó khăn, không trả được nợ. Nợ xấu là của doanh nghiệp, của cả nền kinh tế, không phải do bản thân các ngân hàng làm ra, song đối mặt với nợ xấu là chính các ngân hàng”, Phó thống đốc Đào Minh Tú cảnh báo.
Trong khi nợ xấu đang tăng lên, thì Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực, tạo ra khoảng trống pháp lý trong xử lý nợ xấu. Đồng thời, Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ cũng hết hiệu lực vào tháng 6/2024, khiến nợ xấu có nguy cơ tăng lên.
Ông Phạm Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn - phần lớn do phải chịu tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài (đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột địa chính trị đẩy phí nguyên liệu lên rất cao, làm tăng chi phí doanh nghiệp), khả năng trả nợ suy giảm như hiện nay, nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế, không chỉ của riêng ngành ngân hàng.
Để nợ xấu được xử lý hiệu quả, ông Bình đề xuất sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14, tạo hành lang pháp lý, cơ chế cho hoạt động xử lý nợ. Lãnh đạo VietinBank cũng kiến nghị các cơ quan tòa án, thi hành án tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc để tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu.
Được biết, năm 2024, NHNN đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%. Đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh nợ xấu cao và áp lực cung ứng vốn ra nền kinh tế lớn như hiện nay.
Sớm sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN
- Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Agribank
Do khó khăn kéo dài, mang tính dây chuyền, nên đến nay, đa số các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Ngay cả doanh nghiệp nợ nhóm 1 cũng có khả năng đối diện với nguy cơ không trả được nợ gốc hoặc lãi đúng hạn, vì không thu được tiền hàng do đối tác gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị NHNN sớm sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ.