Aa

20% TPDN phát hành mới sẽ bị ảnh hưởng khi Thông tư 16 có hiệu lực

Duy Thành
Duy Thành blackflag_keke@yahoo.com
Chủ Nhật, 12/12/2021 - 06:00

Ngày 15/1/2022, Thông tư 16/2021/TT- NHNN sẽ chính thức có hiệu lực, theo đó, khoảng 20% lượng trái phiếu phát hành mới trên thị trường sẽ bị ảnh hưởng.

Trước sự phát triển bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong vài năm trở lại đây, việc hoàn thiện khung pháp lý, minh bạch thông tin, cũng như đảm bảo sự phát triển lành mạnh bền vững của thị trường này được cho là yêu cầu cấp thiết. Mới đây nhất, ngày 10/11/2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 16/2021/TT- NHNN thay thế Thông tư số 22/2016/TT-NHNN và Thông tư số 15/2018/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp.

Đi sâu hơn vào nội dung Thông tư 16/2021/TTNHNN, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đã có chuyên đề nghiên cứu, phân tích cho thấy: Thông tư 16 tập trung vào 3 ý lớn, bao gồm: Một là nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp; Hai là quy định nội bộ và ba là trách nhiệm của TCTD khi thực hiện mua bán trái phiếu doanh nghiệp.

Trước hết, về nguyên tắc mua, bán TPDN, Thông tư 16 quy định: 

Điều 4. Nguyên tắc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp

5. Tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp khi tổ chức tín dụng đó có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo kỳ phân loại gần nhất theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động đối với tổ chức tín dụng trước thời điểm mua trái phiếu doanh nghiệp.

Bình luận về điểm này, VCBS cho rằng, NHNN đã định hướng ngân hàng thương mại về việc đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, cũng như chất lượng tín dụng.

Đối với nội dung: 

8. Tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong các trường hợp sau:

a) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp phát hành;

b) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác;

c) Trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích để tăng quy mô vốn hoạt động.

Theo nhóm nghiên cứu VCBS, hiện nay, TCTD ít tham gia sâu vào các hoạt động này; do đó, tác động của thông tư không đáng kể trong thời gian ngắn trước mắt. Nhưng đây vẫn là điều quan trọng cần được lưu ý, mang tính định hướng thị trường trong dài hạn.

Ngoài ra, Dự thảo thông tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành không thay đổi mục đích sử dụng vốn trong thời gian TCTD nắm giữ trái phiếu. Sau khi tiếp nhận ý kiến phản hồi từ các thành viên trên thị trường rằng cam kết riêng với TCTD là không khả thi, nhà điều hành đã cập nhật trong văn bản pháp lý, điều này cho thấy nhà điều hành luôn tiếp nhận và lắng nghe các ý kiến đóng góp. 

Nguồn: Fiinpro, VCBS tổng hợp

Đối với nội dung: 9. Tổ chức tín dụng không được bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con của chính tổ chức tín dụng đó, trừ trường hợp tổ chức tín dụng là bên nhận chuyển giao bắt buộc bán trái phiếu doanh nghiệp cho ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc.

VCBS cho rằng, thực trạng đã và đang diễn ra là một số ngân hàng bán trái phiếu doanh nghiệp cho công ty con, điều này gây ra hiện tượng méo mó thị trường. Với việc ban hành quy định này, các ngân hàng sẽ cần tính toán và có kế hoạch cụ thể về việc giao dịch TPDN của mình, để thực hiện tuân thủ thông tư này.

Về nội dung: 11. Trong vòng 12 tháng sau khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (sau đây gọi là trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết), tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán.

Sau 12 tháng kể từ khi bán trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, tổ chức tín dụng chỉ được mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán khi:

a) Đáp ứng các quy định khác tại Điều này;

b) Bên mua trái phiếu doanh nghiệp này từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ số tiền mua trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tổ chức tín dụng ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên
mua trái phiếu;

c) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp.

Theo VCBS, hiện, hoạt động mua bán TPDN doanh nghiệp chủ yếu trong ngắn hạn, ví dụ: TCTD bán TPDN cuối năm và mua lại khi sang năm mới, hoặc ngược lại, thông qua đó, TCTD có thể tác động điều chỉnh tăng trưởng tín dụng tại một số thời điểm nhất định. Tuy nhiên, khi Thông tư 16 đi vào áp dụng, đặc biệt là với nội dung khoản 11, Điều 4 cho thấy nhà điều hành đặc biệt quan tâm tới chất lượng và tốc độ tăng trưởng tín dụng, cũng như hạn mức tín dụng phù hợp đối với từng ngân hàng. Đồng thời, ngân hàng có thể sẽ thực hiện mua và nắm giữ dài hạn đối với danh mục trái phiếu doanh nghiệp của mình.

Dưới định hướng của Chính phủ về phát triển thị trường vốn nói chung, thị trường trái phiếu nói riêng,
ngân hàng là một trong những thành viên tham gia trên thị trường trái phiếu. Việc ban hành Thông tư
16/2021/TTNHNN quy định các hoạt động được phép đối với danh mục đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng, là phù hợp và cấp thiết đối với thị trường.

"Nhìn chung, Thông tư 16 định hướng an toàn hệ thống, tăng cường kiểm soát chặt chẽ trong giao
dịch trái phiếu doanh nghiệp, quản trị hoạt động và hoạt động cấp tín dụng tổng chung. Cụ thể, chúng tôi nhận thấy thông điệp đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, và chất lượng tín dụng được đặt lên hàng đầu. Tiếp đó, các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cũng có những quy định chặt chẽ trong tiêu chí lựa chọn và nguyên tắc giao dịch. Nhà điều hành cũng lưu ý đến quy định nội bộ nhằm giám sát và đánh giá định kỳ, cũng như trao nhiều quyền chủ động hơn cho ngân hàng", báo cáo của VCBS cho hay. 

Theo đó, các quy định tại Thông tư 16/2021/TTNHNN đã có sự rút gọn hơn và gắn liền với thực tiễn hoạt động mà vẫn hướng tới đảm bảo thị trường phát triển bền vững. Điều này cho thấy sự lắng nghe của nhà điều hành, động thái điều chỉnh phù hợp với diễn biến và kỳ vọng thị trường.

Trong thời gian tới, theo đánh giá của giới chuyên môn hay các chuyên gia kinh tế, nhu cầu đầu tư TPDN của TCTD vẫn sẽ tồn tại, khi đây là một kênh tài sản đem lại mức lợi nhuận khá hấp dẫn so với nhiều kênh khác, đặc biệt là khi so sánh với TPCP vốn đang có mặt bằng lợi suất khá thấp. Bởi vậy, trong ngắn hạn, VCBS cho rằng hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đến từ TCTD nhiều khả năng sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn chuyển tiếp, trước khi Thông tư 16 đi vào hiệu lực.

Tuy nhiên, khi các quy định chặt chẽ trong thông tư đi vào hiệu lực từ ngày 15/01/2022, VCBS ước tính thông tư có ảnh hưởng tới khoảng 20% lượng trái phiếu phát hành mới trên thị trường, thông tư sẽ định hướng TCTD giao dịch trái phiếu doanh nghiệp chất lượng, đảm bảo dòng tiền dưới hình thức mua trái phiếu hay cho vay, đồng thời quản trị rủi ro tín dụng phát sinh sau này. Đây được đánh giá sẽ là những yếu tố cần thiết cho hoạt động mua và nắm giữ dài hạn đối với danh mục TPDN của tổ chức tín dụng.

Về Thông tư 16, đây được cho là một "công cụ" bổ sung vào những biện pháp tăng cường kiểm tra mạnh tay của Bộ Tài chính, nhằm hạn chế rủi ro cho ngân hàng và thị trường trong bối cảnh hoạt động đầu tư vào TPDN đã tăng trưởng nóng thời gian qua. Dù một số điều chỉnh tại Thông tư 16 trước mắt chưa thể ngay lập tức "siết" hoạt động đầu tư trái phiếu của hầu hết các ngân hàng thương mại, nhưng sẽ là lời cảnh báo để những ngân hàng mạnh về hoạt động đầu tư TPDN sẽ phải cân nhắc kỹ nhằm đảm bảo cân đối giữa chất lượng tín dụng, cho vay với giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, đặc biệt trong kỳ báo cáo tài chính tới đây./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top