Sáng 12/11, tại Hà Nội, Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư BĐS Việt Nam (VICOREAL) thuộc Hiệp hội BĐS Việt Nam phối hợp với Trung tâm nghiên cứu BĐS Thái Lan (AREA) và Viện nghiên cứu Doanh nghiệp và BĐS (VDB) tổ chức Hội thảo quốc tế "Thị trường BĐS nhà ở Hà Nội hướng tới 2017”.
Hội thảo do ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chủ trì với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà Nước, đại diện các doanh nghiệp BĐS trong nước và trung tâm nghiên cứu BĐS Thái Lan (đơn vị thẩm định giá, nghiên cứu và thông tin về BĐS lớn nhất tại Thái Lan, đã nghiên cứu thị trường BĐS toàn khu vực Châu Á nhiều năm nay).
Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: Kháng Trần.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, nhà ở là một trong những phân khúc quan trọng nhất của thị trường BĐS. Thủ tướng Chính phủ có một chiến lược riêng về phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt năm 2011 với mục tiêu, năm 2020, diện tích nhà ở đô thị đạt 29m2 sàn/người; Tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị loại đặc biệt đạt trên 90% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới.
Bên cạnh đó, ông Nam cho rằng năm 2016, thị trường BĐS cũng bộc lộ nhiều tồn tại đang là thách thức cho sự phát triển chung trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Kháng Trần.
Do đó, thông qua hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam mong muốn sẽ hướng thị trường BĐS nhà ở phát triển một cách lành mạnh, bền vững theo định hướng chiến lược của Thủ tướng chính phủ cũng như theo kế hoạch phát triển nhà ở Thủ đô giai đoạn 2016 – 2020, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt nhu cầu nhà ở Thủ đô.
Nói về tổng quan thị trường BĐS nhà ở Hà Nội 2016, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, năm 2016, một lượng lớn căn hộ ồ ạt chiếm lĩnh thị tường Hà Nội. Theo số liệu thống kê năm 2016, tổng cung căn hộ tai Hà Nội là 20.665 căn hộ, trong đó, dòng sản phẩm cao cấp và trung cấp áp đảo nguồn cung. Tại Hà Nội, riêng căn hộ cao cấp chiếm 43% nguồn cung.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Kháng Trần.
Theo ông Hà, nguồn cung trong giai đoạn này chủ yếu vẫn tập trung tại khu vực phía Tây thành phố. Phần lớn các dự án được triển khai và giao dịch vẫn nằm trong phân khúc nhà ở trung và cao cấp như: dự án An Bình City (Bắc Từ Liêm), dự án Vinhomes Skylake (Phạm Hùng), dự án Vinhome D’ Capitale (Cầu Giấy).
Nhận định về thị trường BĐS nhà ở 2017, ông Hà cho rằng năm 2017 chính là năm bản lề cho sự phát triển của thị trường BĐS nhà ở đặc biệt hướng tới mục tiêu cho năm 2020. Theo đó, cùng với tốc độ đô thị hóa, dự báo tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng. Đây là tầng lớp chính sở hữu nhà và một phần đầu tư nhà ở, cũng là nguyên nhân tạo tiền đề cho thị trường phát triển mạnh mẽ hơn.
Ông Sopon Pornchockchai, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu BĐS Thái Lan tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Kháng Trần.
Tại hội thảo, ông Sopon Pornchockchai, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu BĐS Thái Lan đánh giá, Việt Nam có hoạt động đô thị hóa rất sôi động nhưng chỉ có 1/3 dân số ở đô thị. Trong những năm tới, lượng người về đô thị rất lớn, tạo điều kiện cho thị trường BĐS có nhiều cơ hội phát triển bền vững do nhu cầu nhà ở tăng lên. Bangkok là thị trường mà Việt Nam có thể tham khảo, nhất là ở phân khúc chung cư. Điều quan trọng là chúng ta nên cố gắng có một cách quản lý tốt nhất để đảm bảo sự phát triển đó được đi theo một hướng lành mạnh.
Kết thúc phần tham luận của các đại biểu, "Hội thảo Thị trường BĐS nhà ở hướng tới năm 2017" chuyển sang phần tọa đàm, kết nối 3 nhà: nhà quản lý, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.
Tham gia thảo luận có ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam; ông Sopon Pornchockchai, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu BĐS Thái Lan; ông Lã Hồng Sơn, đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và ông Trần Như Trung, Phó TGĐ Tập đoàn Nam Cường.
Cuộc tọa đàm thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu có mặt tại hội thảo, về các vấn đề xoay quanh chính sách nhà ở xã hội và nhà ở cho thuê; tiềm năng phát triển cho BĐS khu vực ngoại thành Hà Nội như Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương. Đặc biệt là BĐS nhà ở tại các KCN cũng như chiến lược phát triển BĐS trong thời gian tới.
Kết luận hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Trần Nam đánh giá, thời gian vừa qua, bên cạnh những tích cực thị trường BĐS còn tồn tại một số điểm hạn chế mà Chính phủ, trung ương cũng như chính quyền các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, các hiệp hội và doanh nghiệp đã nhận ra và đã có những giải pháp để điều chỉnh. Các bản tham luận, đánh giá của các diễn giả tham dự hội thảo về cơ bản đã minh họa, chứng minh cho những nhận định, đánh giá của Hiệp hội BĐS và lãnh đạo Bộ Xây dựng thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Nguyễn Trần Nam cho rằng rất hiếm có một hội thảo nào nhận được sự tham dự của một đơn vị vô cùng quan trọng là Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội như hội thảo lần này. Theo ông Nam, đang có nhiều biểu hiện của việc quy hoạch tràn lan, nhà đầu tư không có định hướng rõ ràng, không có kiến thức chuyên môn, dự án không kèm hạ tầng. Nguồn lực không đủ để triển khai dự án. Nhiều dự án xây dựng ở vùng sâu vùng xa không có hạ tầng, giao thông điện nước, giáo dục, thương mại, y tế… không thu hút khách hàng.
Mặc dù vậy, ông Nam đánh giá cao những động thái của chính quyền thành phố Hà Nội đối với thị trường BĐS thời gian gần đây. “Những chính sách mới của TP. Hà Nội gần đây 'chuyển mình' rất tốt, đặc biệt những chính sách liên quan đến đô thị như cây xanh, chiếu sáng, trang trí thành phố… là chuẩn xác, đáp ứng được nhu cầu của người dân và chúng tôi rất ủng hộ. Đáng chú ý, gần đây, UBND TP. Hà Nội có chỉ đạo Sở Quy hoạch Kiến trúc xây dựng chương trình phát triển đô thị, điều này cho thấy lãnh đạo thành phố đã có định hướng rõ khu vực phát triển.
Song song với việc xây dựng chương trình phát triển đô thị, Nhà nước sẽ tập trung nguồn vốn đầu tư về hạ tầng, đặc biệt là giao thông, điện nước, cây xanh, giúp tiết kiệm cho các nhà đầu tư tập trung vào các khu vực, hình thành các tuyến đô thị vệ tinh. Đây là một định hướng tốt, rất mong Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội nhanh chóng thực hiện nhiệm vụ mà TP đã tin tưởng giao phó”, ông Nam nhấn mạnh.
Dự báo về xu hướng phát triển của thị trường BĐS nhà ở thời gian tới, ông Nam cho rằng quy hoạch của Hà Nội thực chất là quy hoạch về hướng Tây, Tây Nam, lấy trục Thăng Long là chính song rõ ràng, việc phát triển cơ sở hạ tầng có quy luật của nó.
“Phía Bắc và Đông Hà Nội cũng sẽ là khu vực phát triển mạnh mẽ với điểm nhấn là trục đường Võ Nguyên Giáp do hạ tầng khu vực này tốt, giao thông kết nối, các tỉnh ven Hà Nội như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương cũng có nền tảng phát triển tương đối, nền đất cao, dân thưa...”, ông Nam nhận định.