Aa

Doanh nghiệp là chủ thể cần quan tâm trong bức tranh kinh tế năm 2023

Thứ Sáu, 13/01/2023 - 06:12

Ngoài việc ban hành chính sách, các chuyên gia đặt ra vấn đề tận dụng những nguồn lực sẵn có và thực thi chính sách cần thiết để doanh nghiệp cùng nền kinh tế vượt qua khó khăn trong năm 2023.

Trong bối cảnh kinh tế địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, Chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định tinh thần đồng hành kiến tạo cùng doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Song, ngoài việc ban hành chính sách, các chuyên gia đặt ra vấn đề tận dụng những nguồn lực sẵn có và hành động thực thi chính sách để giúp chủ thể quan trọng của nền kinh tế là các doanh nghiệp hồi phục và phát triển trong năm 2023.

Tâm thế vẫn chưa đủ, quan trọng là hành động sớm và cụ thể

Đánh giá chung tình hình kinh tế 2022, tại "Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2023" ngày 11/1, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho biết, cần nhìn nhận thực tế, đánh giá quá mức hoặc quá thấp đều không tốt.

"Nếu đánh giá quá thấp thì chúng ta không đủ tự tin, cũng không huy động được nguồn lực. Tôi không phủ nhận những thành tựu kinh tế năm 2022, phải nói đó là một sự phấn khởi. Nhưng những thành tựu của năm 2022 đâu đó đang che mờ đi những khó khăn và chúng ta phải nhìn nhận thực tế này", ông Hiếu nhận xét.

Ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh, tâm thế ứng phó vẫn chưa đủ, mà cần những hành động cụ thể trong năm 2023: "Rõ ràng tâm thế ứng phó với khủng hoảng của chúng ta tốt hơn rất nhiều. Nghị quyết 128, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là những minh chứng cho thấy Việt Nam đã xử lý một cách bài bản, tổng quát hơn với một cái tâm thế mới, chuyển từ sự giật cục trong chính sách, người dân không hiểu, doanh nghiệp không lường trước được, sang những hành động dài hạn hơn. Nhưng tâm thế vẫn chưa đủ, quan trọng hành động cụ thể, hành động sớm và hành động bằng phương thức nào, để giải quyết kịp thời, dứt điểm những rào cản, những nguy cơ tiềm ẩn đối với nền kinh tế trong năm 2023?”.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội (Ảnh: TTXVN)

Theo đó, ông Phan Đức Hiếu đồng tình FDI - một trong những nguồn lực mới mà Việt Nam hướng đến, song cần lưu ý những thách thức sẽ xuất hiện trong năm 2023. Một là, kinh tế thế giới suy thoái sẽ ảnh hưởng đến các dự án FDI, các Startup. Hai là, theo thông tin mới nhất, khả năng cuối năm 2023, thuế suất thu nhập tối thiểu toàn cầu sẽ thực thi và tác động rất lớn đến FDI. Tác động đó không chỉ đợi cuối năm mới bộc lộ, mà các nhà đầu tư nước ngoài đã có hàng năm để chuẩn bị cho kịch bản sẽ đầu tư vào đâu.

"Huy động nguồn lực mới FDI năm nay vừa là kỳ vọng nhưng cũng là một thách thức rất lớn nếu như thuế suất thu nhập tối thiểu toàn cầu được thực thi. Chính sách này tác động không chỉ với vốn huy động mới, mà còn tác động đến cả những doanh nghiệp đã và đang đầu tư ở Việt Nam, liệu họ có tiếp tục đầu tư mở rộng nữa không?", ông Hiếu nêu.

Theo ông Phan Đức Hiếu, trong năm 2023, Chính phủ tiếp tục giữ vững tâm thế kèm theo đó phải hành động, hành động quyết liệt, minh bạch, cụ thể và có thể dự đoán trước. Nhiều giải pháp ngắn hạn, dài hạn đã được Chính phủ, Quốc hội xây dựng nhưng việc đầu tiên là phải nhanh chóng biến các giải pháp ấy thành kết quả cụ thể.

"Nguyên tắc của tôi là tôn trọng thị trường để phân bổ nguồn lực và dùng thị trường để giải quyết các vấn đề của thị trường, nếu không chúng ta sẽ sa vào xu thế tiếp tục can thiệp vào chính sách thì sự méo mó lại gia tăng. Quan trọng hơn là sự minh bạch và các giải pháp phải tiên liệu được. Như trong thị trường vốn, rõ ràng các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất mong chờ câu trả lời, chúng ta đang giải quyết các vấn đề của thị trường đến đâu? Nhà đầu tư và các bên bao giờ lấy lại được quyền lợi?", ông Hiếu nói.

Ông Phan Đức Hiếu cũng nhấn mạnh tận dụng những nguồn lực sẵn có để hỗ trợ doanh nghiệp. Có những trường hợp do hoàn cảnh thay đổi nên chưa sử dụng hiệu quả hoặc chưa sử dụng đến thì nên xem xét điều chỉnh cho phù hợp với khó khăn mới của doanh nghiệp, bởi đây là những chủ thể quan trọng trong việc tạo dựng khả năng chống chịu cho nền kinh tế trong năm 2023.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế VCCI. (Ảnh: IT)

Đồng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban pháp chế VCCI khẳng định, Việt Nam có rất nhiều nguồn lực nhưng việc sử dụng chưa thực sự tốt, ví dụ như giải ngân đầu tư công. Rất nhiều dự án lớn của chúng ta ở TP.HCM hay các địa phương khác đang bị kẹt thủ tục.

"Tôi cho rằng, đột phá của năm 2023 và thời gian tới có lẽ là phải cải cách quy trình thủ tục, mới có thể tối ưu nguồn lực. Chúng ta chỉ cần khai thác tốt nguồn lực hiện có là đã phát triển tốt. Năm 2023 là năm thách thức cho đầu tư công, khi chúng ta có chương trình hỗ trợ phục hồi nhưng việc giải ngân hầu hết là đang để lại.

Thực thi có lẽ là vấn đề cần quan tâm nhất hiện nay. Việt Nam có nhiều chính sách tốt thì thực thi phải tốt, phải theo hướng tạo ra động lực cho bộ máy chính quyền các cấp vì thời gian qua vẫn có nhiều sự e ngại của cán bộ khi thực thi công vụ.

Hai là, thực thi theo hướng tạo ra động lực thực thi cho bộ máy chính quyền các cấp và cải thiện chất lượng pháp luật, giảm chồng chéo, để người thực thi yên tâm, để doanh nghiệp thực thi thuận lợi", ông Tuấn nêu ý kiến.

Để bức tranh kinh tế 2023 sáng hơn, doanh nghiệp phải là chủ thể cần quan tâm nhất 

Tại diễn đàn, các chuyên gia đều đồng tình, để ứng phó với các cuộc khủng hoảng đến theo chu kỳ, thậm chí là liên tiếp như 2 năm qua thì phải phụ thuộc vào năng lực chống chọi, thích ứng và chủ động của người dân, doanh nghiệp, Chính phủ, Quốc hội. Trong đó, để nền kinh tế phục hồi và phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh nghiệp phải là chủ thể đáng được quan tâm hàng đầu.

Tán thành quan điểm hành động của ông Phan Đức Hiếu, ông Trần Bích Lâm - Phó Tổng cục trưởng  Tổng cục thống kê cho rằng, cần phải hành động công khai, minh bạch để mọi chủ thể trong nền kinh tế hiểu được hành động của Chính phủ. Song, thể chế và môi trường kinh doanh không tốt thì khó trở thành động lực phục hồi của nền kinh tế. Bên cạnh đó, cần tập trung vào hỗ trợ khối doanh nghiệp.

"Dù chúng ta có đưa ra chính sách hay mà doanh nghiệp vẫn khó khăn thì sẽ không có tăng trưởng kinh tế. Giúp đỡ doanh nghiệp chính là tạo dựng môi trường kinh tế vĩ mô ổn định. Nếu cứ như hiện tại, 10 doanh nghiệp tham gia mới thì có đến 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì rất khó tăng trưởng. Doanh nghiệp phải là chủ thể cần quan tâm nhất", ông Lâm khẳng định.

Nói về các chính sách tài khóa mà Chính phủ đã đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp, tại diễn đàn, ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, chính sách tài chính, chính sách tài khóa trong năm vừa qua đã đi bằng "hai chân", tức là khi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh thì thiết kế theo cả hai hướng thu và chi.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính. (Ảnh: TTXVN)

Trong đó, chính sách thu tập trung vào biện pháp miễn giảm thuế, gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm các khoản phí lệ phí và có một phần hỗ trợ cấp bù lãi suất thông qua chương trình tín dụng của Nhà nước. Giải pháp chi thông qua kích cầu đầu tư với khối lượng vốn cho năm 2022 được tung ra rất lớn.

Tổng kết năm 2022, Bộ Tài chính thực hiện ước khoảng 193,4 nghìn tỷ đồng, trong đó gia hạn thuế khoảng 106.000 tỷ đồng và 58.000 tỷ đồng miễn giảm thuế. Bên cạnh đó, có thêm khoản 66.000 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

"Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì  một số cuộc họp, ra Quyết nghị yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu giải phápchính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục vụ sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, hiện Bộ Tài chính đã triển khai trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2022 về miễn giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và các mặt hàng dầu mỡ nhờn. Cơ bản các mặt hàng đều giảm 50% so với mức thuế thông thường.

Việc các chính sách thuế, Bộ Tài chính đã dự thảo trình xin ý kiến các bộ ngành liên quan về vấn đề gia hạn thời hạn nộp thuế đối với thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023.

Trong năm 2022, tổng tiền thuế gia hạn khoảng 106.000 tỷ đồng, cá nhân tôi nhận định, năm 2023 con số này sẽ rơi vào khoảng 115.000 - 130.000 tỷ đồng. Thực tế là ngân sách Nhà nước sẽ không mất đi còn doanh nghiệp có lợi ích rất lớn là khoản này giống như khoản tín dụng của Nhà nước. Thay vì doanh nghiệp đi vay ngân hàng để tạo ra nguồn vốn thì phần thuế gia hạn này cũng là nguồn vốn để doanh nghiệp tăng vốn lưu động, vốn kinh doanh.

Về miễn giảm tiền thuê đất, trên tinh thần các chính sách đã thực hiện trước đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục miễn giảm tiền thuê đất cho các đối tượng được Nhà nước trực tiếp cho thuê đất, với mức 30% nếu theo hình thức nộp tiền hàng tháng", ông Tân thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top